Việt Nam có khả năng được gỡ 'thẻ vàng' thủy sản
Từ 5-14.11.2019, Đoàn thanh tra Tổng vụ Biển và Thủy sản Châu Âu (DG - MARE) thuộc Liên minh Châu Âu (EC) đến Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Sau 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam đang dần tiến tới khả năng gỡ được “thẻ vàng”.
Việt Nam cần cân nhắc trữ lượng thủy sản cho tương lai, không đánh bắt kiểu “tận diệt”. Ảnh: PV
|
Nỗ lực thực hiện 4 khuyến nghị của EC
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), đây là đợt kiểm tra lần 2 của Đoàn Thanh tra thuộc EC về việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp IUU.
Đánh giá về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục IUU, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện Việt Nam đang nỗ lực triển khai 4 giải pháp mà EC khuyến cáo bao gồm khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ngay sau khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản IUU, lập tức ngay sau đó (23.7.2017), Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và đến nay, các nỗ lực đó đang thu được kết quả khả quan.
Sau 2 năm nỗ lực thực hiện 4 khuyến nghị của EC, triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý. Việc triển khai hệ thống theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá đã được Bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm trên 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; trong đó, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 2.019/2.618 tàu cá (77,1%); nhóm tàu cá từ 15m đến dưới 24m là 4.996/28.923 tàu cá (17,3%) và nhóm tàu dưới 15m là 77 tàu cá.
Bộ NNPTNT đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam. Công tác tổ chức thực thi pháp luật được tăng cường, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc. Từ năm 2018 đến nay, Bộ NNPTNT đã tổ chức gần 20 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
“Hiện có 8 tỉnh gồm: Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài” - ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh và thông tin thêm: Có 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá và chủ trì xây dựng Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”; ủng hộ việc xây dựng sáng kiến của ASEAN về thiết lập mạng lưới chống khai thác IUU do EU tài trợ.
“Để khắc phục khai thác hải sản trái phép IUU, công tác kiểm tra, xử lý và công khai danh sách các tàu cá và chủ tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được thực hiện, hàng tuần các tỉnh đều có báo cáo về Bộ NNPTNT qua Tổng cục Thủy sản để tổng hợp và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của tổng cục cũng như công bố tại tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nêu tên và có những hình thức xử lý, xử phạt đảm bảo tính răn đe, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài” - ông Trần Đình Luân cho biết.
Cần bảo tồn nguồn thủy sản
Ngay sau khi nhận được thư chính thức của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản thuộc EC, đến nay 28 tỉnh, thành phố ven biển đều đã có kế hoạch chuẩn bị nội dung để làm việc với đoàn thanh tra của EC.Mới đây, trao đổi về vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng của EC, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện Châu Âu - ông Bernd Lange cho rằng: Điều quan trọng là Việt Nam đã có những biện pháp tích cực để cải thiện tình hình. Trong đó, Việt Nam cần cân nhắc trữ lượng thủy sản dành cho tương lai, đồng thời có hướng giảm trợ cấp cho đánh bắt thủy sản để bảo tồn nguồn thủy sản và đây là công việc khó khăn. “Một biện pháp Việt Nam có thể áp dụng là Chính phủ cung cấp trang, thiết bị giám sát tàu cá giúp theo dõi, kiểm soát được việc đánh bắt này. Nếu Việt Nam thực hiện triệt để các nghĩa vụ và cải thiện tình hình thì thẻ vàng sẽ được gỡ bỏ” - ông Bernd Lange khuyến nghị.
Phong Nguyễn
Lao Động
|