Vàng thế giới tăng nhẹ tuần qua
Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (01/11), nhưng vẫn tăng nhẹ trong tuần qua khi báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh hơn dự báo, qua đó có thể củng cố nhận thức rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng hạ lãi suất thêm nữa sau khi giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp hôm thứ Tư (30/10), MarketWatch đưa tin.
Tuy nhiên, sự suy giảm của hoạt động sản xuất và lợi suất trái phiếu đã kìm hãm đà giảm giá của vàng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 12 lùi 3.40 USD (tương đương 0.2%) xuống 1,511.40 USD/oz, sau khi khép phiên ngày thứ Năm (31/10) tại mức cao nhất kể từ ngày 26/09/2019. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 0.4%.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay hạ 0.2% xuống 1,510.82 USD/oz.
Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 128,000 việc làm trong tháng 10, với việc tuyển dụng mạnh mẽ hơn vào cuối mùa hè so với các báo cáo trước đó, dễ dàng vượt qua dự báo 75,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế, qua đó cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì tốt hơn kỳ vọng bất chấp bất ổn thương mại và đà giảm tốc tăng trưởng toàn cầu.
Trên hết, sự gia tăng việc làm trong các tháng trước cũng được điều chỉnh nâng lên. Chính phủ đã nâng mức tăng việc làm mới trong tháng 9 từ 136,000 việc làm lên 180,000 việc làm, số việc làm trong tháng 8 tăng từ 168,000 việc làm lên 219,000 việc làm.
“Vàng suy yếu khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ tại Mỹ khuyến khích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhiều hơn, điều này khiến họ rời bỏ các tài sản như vàng”, David Madden, Chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ tại Mỹ là một yếu tố tiêu cực đối với vàng, vốn hưởng lợi nhiều hơn dựa trên triển vọng kinh tế suy yếu. Giá vàng cũng sẽ tăng trong bối cảnh nhiều sự nghi ngờ về khả năng Mỹ đạt được một giải pháp thương mại quan trọng với Trung Quốc.
Hồi đầu tuần này, một báo cáo cho hay các quan chức Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ đã làm chứng khoán nhuốm sắc đỏ và thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng.
Trong khi đó, góp phần làm vàng suy giảm trong ngày thứ Sáu là đà tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên của Nasdaq Composite lần đầu tiên kể từ ngày 26/07/2019 và S&P 500 đóng cửa ở mức cao mọi thời đại lần thứ 3 trong tuần này và là lần thứ 16 trong năm 2019.
Trái với tin tốt của báo cáo việc làm tại Mỹ, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số sản xuất đã giảm từ 49.1% xuống 47.8% trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi phí cho các dự án xây dựng tại Mỹ tăng 0.5% trong tháng 9 với tỷ lệ điều chỉnh hàng năm là 1.29 ngàn tỷ USD, cao hơn dự báo tăng 0.3% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch.
Ngoài ra, Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Forex.com, cho biết lợi suất trái phiếu Chính phủ, được xem là một tài sản trú ẩn an toàn khác cùng với vàng, đã suy yếu và điều này giúp giảm thiểu đà sụt giảm của vàng bởi vì lợi suất trái phiếu tăng có xu hướng cạnh tranh với vàng. Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1.73%, thấp hơn so với mức 1.80% hồi thứ Sáu tuần trước (25/10).
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 12 hạ 0.1% xuống 18.052 USD/oz, nhưng vẫn tăng 0.7% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng bạch kim giao tháng 1 tiến 0.9% lên 954 USD/oz, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2019. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 2.2%.
Hợp đồng paladi giao tháng 12 cộng 1.6% lên 1,784.30 USD/oz, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 2.3%.
Hợp đồng đồng giao tháng 12 tăng 0.6% lên 2.653 USD/lb, nhưng vẫn giảm 0.8% trong tuần qua.
An Trần
FILI
|