Thứ Sáu, 01/11/2019 13:30

Trái chiều lãi suất

Càng về cuối năm, trong khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến giảm mạnh đầy bất ngờ, thì lãi suất huy động vốn tại các nhà băng lại có những tín hiệu trái chiều. Điều gì đang diễn ra?

Tín hiệu trái chiều

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng trên thị trường 2 đã giảm mạnh trong hơn 1 tháng trở lại đây, trong đó lãi suất qua đêm có lúc rớt về dưới mốc 2%, chạm mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Diễn biến này là khá bất ngờ khi giai đoạn trước đây, càng về cuối năm hệ thống càng chịu áp lực thanh khoản đẩy lãi suất trên liên ngân hàng lên cao.

Tuy nhiên, thanh khoản dồi dào không phải là hiện tượng đồng bộ mà có sự phân hóa khá lớn, thể hiện qua động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi trong hơn 1 tháng qua của các nhà băng. Cụ thể, tính từ mốc sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm một loạt lãi suất điều hành vào giữa tháng 9, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu trái chiều về lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng.

Trong danh sách những ngân hàng giảm lãi suất trong nửa cuối tháng 9 ghi nhận những cái tên khá nổi bật như Sacombank, Techcombank và cả "ông lớn" BIDV, với mức giảm từ 0.1 đến 0.2% trải đều ở nhiều kỳ hạn. Đáng lưu ý là động thái ở BIDV khi giảm 0.2% tiền gửi kỳ hạn 1- 2 tháng xuống 4.3%, thấp hơn mức 4.5% mà ba ông lớn NHTM gốc Nhà nước khác là Agribank, VietinBank và Vietcombank đang niêm yết.

Bước sang đầu tháng 10, Techcombank tiếp tục gây sự chú ý khi có lần giảm lãi suất liên tiếp 2 lần chỉ trong vòng 1 tuần. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0.1% xuống 4.7%, kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0.2% xuống 4.7%, kỳ hạn 6 tháng giảm 0.1% xuống 6.3%, kỳ hạn 7-11 tháng giảm 0.1% xuống 5.7%, các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng giảm từ 0.1-0.2%, xuống mức từ 6.2 – 6.7%.

Tham gia cuộc chơi giảm lãi suất còn có VPBank giảm 0.05% kỳ hạn 6 tháng xuống 7.55%. MBBank giảm 0.1% kỳ hạn 13 tháng xuống 7.1%. Trong khi đó, những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Viet Capital Bank cũng giảm 0.1% tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống 7.3%, kỳ hạn 8, 10 và 11 tháng giảm 0.1% xuống 7.7%, ngược lại kỳ hạn 13 tháng tiếp tục tăng 0.1% lên 8.5%. Kienlongbank cũng giảm 0.1% kỳ hạn 5 tháng xuống còn 5.4%.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 10 PVcomBank tăng 0.2% kỳ hạn 6-8 tháng lên 7.5%, kỳ hạn 9-11 tháng cũng tăng 0.2% lên 7.7%, các kỳ hạn dài như 15, 18, 24 và 36 tháng đều tăng 0.2% lên 8%. Đây là lần tăng mạnh lãi suất thứ 2 tính từ tháng 6 đến nay của ngân hàng này.  

Một ngân hàng khác cũng tăng đều ở nhiều kỳ hạn là Vietbank, khi tăng 0.1% kỳ hạn 1-2 tháng lên 5.5%; kỳ hạn 6 -12 tháng tăng từ 0.5% - 0.8% lên 7.5% - 7.9%; kỳ hạn 13 tháng tăng 0.1% lên 8%; các kỳ hạn dài 15, 18, 25 và 36 tháng tăng từ 0.6 – 1% lên vùng cao 8.3 -8.5%.

Ngoài ra, còn có ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) tăng 0.15% ở kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng lên tương ứng 8.45% và 8.6%. Trước đó trong tháng 9, ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ 0.1 – 0.2% lên 7.7 – 7.9%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng tăng thêm 0.1- 0.2% lên mức cao 8.2 – 8.3%.

Vì sao có sự phân hóa?

Theo báo cáo tài chính quý 3, Techcombank tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay thuộc nhóm cao nhất hệ thống, với mức tăng trưởng lên đến 28.5%, tuy nhiên, ngân hàng này vẫn có điều kiện giảm lãi suất là nhờ nguồn vốn tự có tăng trưởng tích cực thời gian qua, cộng thêm việc liên tiếp phát hành giấy tờ có giá.

Cụ thể, vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng gần 4 lần trong 5 năm qua, nhờ vào phiên chào sàn thành công trong năm 2018 với giá chào sàn ở mức kỷ lục và thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, giá trị phát hành giấy tờ có giá của Techcombank tiếp tục tăng 10% trong 9 tháng đầu năm nay, cao hơn so với mức tăng trưởng tiền gửi chỉ ở 8.5%. Ngân hàng này cũng tận dụng triệt đế nguồn vốn trên thị trường 2 với mức tăng hơn 61% so với đầu năm nay.

Việc chuẩn bị đón nhận một nguồn vốn lớn sau khi bán cổ phần cho KEB Hana Bank cũng tạo điều kiện cho BIDV giảm lãi suất đầu vào, trong khi ở Sacombank công cuộc thu hồi, xử lý nợ xấu tích đã giúp giải phóng được một lượng lớn nguồn vốn bị mắc kẹt, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức tương đối 13% nên cũng không chịu áp lực về nguồn vốn.

Trong khi đó, những ngân hàng như MBBank hay VPBank cũng chỉ có tăng trưởng tín dụng khiêm tốn, trong khi nguồn vốn đầu vào tăng trưởng mạnh nhờ đã tích cực phát hành giấy tờ có giá trong 9 tháng qua, đơn cử như giá trị giấy tờ có giá của MBBank tăng 12.9 nghìn tỷ, tương đương 116% so với cuối năm 2018, còn VPBank tuy chỉ tăng 18% nhưng giá trị tuyệt đối cũng lên tới gần 8.9 nghìn tỷ đồng.

Thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 155,306 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 75,936 tỷ đồng, chiếm 49%. Riêng tháng 9 giá trị phát hành lên tới 21,071 tỷ đồng, trong đó những ngân hàng phát hành nhiều nhất trong tháng 9 là TCB, CTG, BID, ACB, OCB..

Có thể thấy với hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu, tín phiếu ồ ạt trong 9 tháng đầu năm nay đã giúp nhiều ngân hàng cải thiện vốn tự có, chủ yếu là ở những ngân hàng lớn, có thương hiệu, uy tín, nên có cơ sở để chủ động giảm lãi suất tiền gửi khi cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào và tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát.

Ngược lại, những ngân hàng tăng lãi suất gần đây chủ yếu rơi vào những ngân hàng nhỏ hoặc đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Các ngân hàng này tuy tăng trưởng tín dụng thời gian qua không cao, như Bắc Á chỉ tăng 9%, VietBank chỉ tăng 10,2%, nhưng áp lực huy động vốn của các ngân hàng này là không hề nhỏ.

Thứ nhất, việc tăng vốn điều lệ vẫn gặp muôn vàn khó khăn, do đó vốn tự có cũng chậm cải thiện, nên phụ thuộc nhiều hơn vào tiền gửi khách hàng. Thứ hai, với quy mô, danh tiếng của mình và những hạn chế về vốn điều lệ, do đó cũng không dễ phát hành trái phiếu hay giấy tờ có giá để tăng cường nguồn vốn dài hạn.

Chẳng những vậy, nguồn tiền gửi tại các nhà băng này còn có nguy cơ chạy sang các kênh đầu tư trái phiếu do các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp khác phát hành với lãi suất khá cao. Chính vì vậy, để có thể giữ chân khách hàng, nhiều nhà băng trong số này buộc phải nâng lãi suất tiền gửi lên cao theo thị trường để đủ mức hấp dẫn khách hàng.

Có thể thấy với hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu, tín phiếu ồ ạt trong 9 tháng đầu năm nay, đã giúp nhiều ngân hàng cải thiện vốn tự có, chủ yếu là ở những ngân hàng lớn, có thương hiệu, uy tín, nên có cơ sở để chủ động giảm lãi suất tiền gửi khi cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào và tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát.

Nhung Võ

FILI

Các tin tức khác

>   Giả số điện thoại công an để lừa đảo (01/11/2019)

>   10 ngân hàng báo lãi 9 tháng lớn nhất thực hiện kế hoạch ra sao? (01/11/2019)

>   Dựng công ty giả như thật, chiếm đoạt gần 380 tỉ của ngân hàng nước ngoài (31/10/2019)

>   NHNN: Tỷ giá tính chéo áp dụng tính thuế với một số ngoại tệ từ 31/10-06/11 (31/10/2019)

>   Triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (31/10/2019)

>   Giữa lùm xùm "ghế nóng", Eximbank báo lãi 9 tháng đi lùi so cùng kỳ (31/10/2019)

>   NamABank: Lãi ròng quý 3 đi lùi, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh (31/10/2019)

>   SHB: Lãi ròng quý 3 gấp đôi nhưng nợ xấu cũng tăng đáng kể (31/10/2019)

>   Đặt khách sạn và mua vé xe/tàu hỏa qua ứng dụng Sacombank Pay (30/10/2019)

>   HDBank: Lãi trước thuế quý 3 tăng 51% so cùng kỳ, nợ xấu ngân hàng mẹ chỉ còn 1.1% (30/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật