Rau củ đội giá vì logistics không đồng bộ
Do hoạt động đơn tuyến theo kiểu "xe của ai, nhà nấy biết", VN đang lãng phí một nguồn lực rất lớn trong vận tải hàng hóa, tỉ lệ xe chiều về bị rỗng thùng lên tới 70%.
Chi phí logistics cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Trong ảnh: bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM - Ảnh: T.P.
|
Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao, gây áp lực lên giá bán và khả năng cạnh tranh của hàng Việt...
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy tại diễn đàn logistics "Nâng cao giá trị nông sản", được tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 22-11.
Theo đại diện Công ty Abivin VN, dù VN có nhiều tiềm năng trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề logistics.
"Logistics không đồng bộ khiến tỉ lệ tổn thất nông sản trung bình lên tới 30%, thậm chí lên tới 45% với mặt hàng rau quả" - vị này khẳng định.
Trong thực tế, chỉ cần mất một buổi để gặt được 1ha lúa, nhưng để chở được một ghe lúa về nhà máy phải mất tới hai ngày. Ngay cả công đoạn đóng gạo vào container cũng phải dựa vào các cảng trung chuyển. Trong khi đó, việc đón tàu trọng tải lớn vào hệ thống cảng ở ĐBSCL là điều không thể do cửa luồng quá cạn.
"Công suất cảng bị hạn chế, 80% hàng hóa xuất khẩu từ ĐBSCL bắt buộc phải vận chuyển thông qua cảng nước sâu ở TP.HCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu" - một chuyên gia nói. Đồng thời cho rằng điều này khiến chi phí tăng cao, hàng hóa vừa bị đội giá vừa bị giảm giá trị vì thời gian vận chuyển quá lâu và trải qua các công đoạn rườm rà.
Ông Trang Công Phát - giám đốc Công ty CP Giải pháp logistics và vận tải Lokaloop - cho biết logistics VN đang chiếm đến 23% GDP, tốc độ tăng trưởng logistics và vận tải cũng được dự báo ở mức 15% cho đến năm 2025.
Tuy nhiên, trong hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (70% tập trung ở TP.HCM), chỉ khoảng 5% có vốn trên 20 tỉ đồng và chỉ có 400 doanh nghiệp tham gia chuỗi kinh tế chia sẻ.
Với quy mô của các doanh nghiệp logistics VN còn nhỏ, hoạt động còn manh mún và chưa có tính kết nối cao, chỉ số cạnh tranh và tính hiệu quả trong ngành vận tải và logistics của VN thấp, tỉ lệ xe chiều về rỗng chiếm đến 70-80%.
Việc thiếu tính kết nối và thiếu những giải pháp tối ưu hóa này đã tạo áp lực giá lên cước phí logistics và vận tải của VN, tạo áp lực lên chi phí dịch vụ và giá cả hàng hóa.
Theo ông Phát, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics đối với các doanh nghiệp nội địa. VN hiện có hơn một chục sàn giao dịch vận tải dưới nhiều hình thức như Logivan, Loglag, Bonbon24h, Tadi, Ecotruck...
Các chủ xe và chủ hàng có thể lên ứng dụng, đăng ký và kết nối với nhau. Tuy nhiên, cái khó là các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen vận tải truyền thống.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm - tổng giám đốc CETA, dù hiệu quả đã được chứng minh và là một trong những xu hướng của thế giới nhưng kinh tế chia sẻ logistics chưa được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm.
"Logistics chia sẻ sẽ không thể thành công được nếu không có doanh nghiệp tham gia. Điều quan trọng nhất là tự mỗi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, tiếp cận nhiều hơn các phương thức" - ông Lâm nói.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, VN là một trong các quốc gia có chi phí logistics rất cao, cao hơn nhiều nước trong khu vực châu Á và cao hơn hẳn so với khu vực châu Âu và Mỹ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chi phí logistics chiếm tới 29,5% đối với các mặt hàng rau quả và 30% trong giá thành xuất khẩu gạo.
Mức chi phí logistics tại VN cao hơn Thái Lan (6%), Malaysia (12%), thậm chí cao hơn tới 3 lần so với Singapore. Điều này ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của hàng hóa, do chi phí bị đội lên rất cao... Chi phí logistics cũng chiếm đến 23% GDP của VN.
|
THÁI BÁ DŨNG
Tuổi trẻ