Nhịp đập Thị trường 29/11: Nhịp điều chỉnh đã kết thúc?
Chỉ số VN-Index kết phiên tăng 0.36 điểm và đạt 970.75 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.16 điểm và đạt 102.5 điểm.
VN-Index kết tuần để lại sự hoài nghi ở nhà đầu tư khi thanh khoản ở chỉ số liên tục èo uột trong cả tuần qua, với phiên nay đạt khối lượng khớp lệnh thấp nhất ở mức gần 139 triệu cổ phiếu, song một tín hiệu tích cực là đà giảm đã có phần chững lại tại vùng hỗ trợ 960-970 điểm cho thấy lực cung đã cạn kiệt, đồng thời các chỉ báo kỹ thuật đều trong tình trạng quá bán, qua đó cho thấy nhiều khả năng nhịp điều chỉnh từ mốc 1,030 điểm tới nay đã kết thúc và chỉ số đang trong tình trạng tích lũy trở lại.
Độ rộng trong rổ VN30 nghiêng về bên mua với 14 mã tăng, 8 mã giảm và 8 mã đứng giá, trong đó có HPG, HDB và VRE dần đầu ở chiều tăng và ROS, SAB dẫn đầu ở chiều giảm và MWG bất ngờ thu hẹp đà giảm và kết phiên dừng ở mức tham chiếu.
Lực cầu được đẩy mạnh trên VRE đã giúp mã này bật tăng gần 3% với lực cầu lớn đến từ khối ngoại. Điều này giúp góc nhìn kỹ thuật ở cổ phiếu được cải thiện đáng kể và đang hướng về kịch bản chỉ số tiếp tục có hồi phục trong phiên tới. HPG cũng là một điểm nhấn trong rổ VN30 khi bắt đầu từ 14h10, mã này đã dần tăng trở lại và kết phiên ở mức 1.1%, kèm với đó là sự đột biến ở khối lượng khớp lệnh sau ATC khi đạt tới hơn 2.3 triệu cổ phiếu.
Xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì PLX, VNM và ROS là tác nhân chính kìm hãm đà tăng của VN-Index , trong khi VRE, VCB, MSN, VIC là những trụ chính của chỉ số. Còn trên sàn HNX, HNX-Index dành cả phiên "quằn quại" quanh tham chiếu, kết phiên với sắc xanh nhờ vào ACB.
PPC kết phiên lại trong sắc đỏ ở mức gần 2%, sau khi đã dành gần hết thời gian với sắc xanh hơn 1%, qua đó báo hiệu về nhịp điều chỉnh trở lại sắp tới của cổ phiếu. Các mã khác thuộc nhóm phát điện cũng không mấy khởi sắc khi chìm trong sắc đỏ như POW, NT2, SJD và nổi bật nhất là VSH khi rớt 5.3%.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.66%. Ngược lại, Chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.99%.
Khối ngoại mua ròng hơn 74 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 7 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các mã HPG, ROS, VRE và KDH trên sàn HOSE. PVS là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX với giá trị bán ròng hơn 6 tỷ đồng.
14h30: Tiếp tục rung lắc
Tình trạng phân hóa ở các nhóm ngành trên thị trường, cùng với đó là lực cầu yếu ớt trên nhóm Large Cap đang là lý do đằng sau sự rung lắc trên các chỉ số thị trường.
Tình hình sau 1 giờ giao dịch phiên chiều không mấy thay đổi so với thời điểm kết phiên sáng khi VN30-Index vẫn đang tăng hơn 1 điểm, với sắc xanh chiếm ưu thế trong rổ VN30 khi cả rổ có 18 mã tăng, 8 mã giảm và 4 mã đứng giá. Độ rộng thị trường tại thời điểm 14h05 khá hẹp với 269 mã tăng và 286 mã giảm.
Sự phân hóa kèm theo đó là thanh khoản không mấy khởi sắc đang diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành trên thị trường như công nghệ và thông tin, chứng khoán, dệt may, xây dựng… Trong khi đó, sắc đỏ đang xâm chiếm các nhóm cao su, thủy sản với các điểm nhấn nằm ở nhóm thủy sản là sắc đỏ hơn 2% của MPC, VHC, đồng thời HVG giảm cận sàn; còn nhóm cao su thì có DRI, TNC giảm hơn 1%.
FRT giảm mạnh trở lại với mức giảm gần 3% và theo góc nhìn kỹ thuật, vùng quanh mốc 25,000 sẽ là hỗ trợ mạnh và dự kiến giá sẽ có hồi phục tại đây. Ngoài ra, khối lượng của cổ phiếu đã tăng đột biến trong cả tuần qua chứng tỏ các nhà đầu tư đã chịu gia nhập “bắt đáy” mã này và khả năng giá có hồi phục trở lại tăng lên.
Dù mở phiên với sắc đỏ, LDG đã thu hẹp đà giảm và hiện tăng nhẹ trên mốc tham chiếu, qua đó cho tín hiệu tạo đáy cũng như việc nhịp giảm trước đó đã kết thúc. Nhiều khả năng mã này sẽ trở lại với tình trạng tích lũy, và chờ xem báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2019 có đạt được kế hoạch của năm hay không trước khi có những tiến triển tiếp theo.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.66%. Ngược lại, Chế biến thủy sản hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.99%.
Phiên sáng: Nhóm ngân hàng tích cực, khối ngoại mua ròng mạnh ROS và VRE
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 2.14 điểm và đạt 972.53 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.24 điểm và đạt 102.58 điểm. Độ rộng thị trường đã nghiêng về bên mua với 267 mã tăng và 224 mã giảm điểm.
Lực cầu được đẩy mạnh trên nhóm Large Cap trong rổ VN30 đã giúp sắc xanh chiếm ưu thế trở lại trên rổ này với 19 mã tăng, 9 mã giảm và 2 mã đứng giá, trong đó có tới 4 mã tăng hơn 1% là VRE, HDB, FPT và REE. Trong khi đó, ROS là mã duy nhất giảm 2%, còn lại đều lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.
Nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì VCB, VRE và BID là những trụ chính củng cố sắc xanh của chỉ số, trong khi sắc đỏ PLX, ROS, MWG là những tác nhân kìm hãm đà tăng của thị trường. Trong khi đó, VNR, PVS, CDN là những mã chính giúp HNX-Index lấy lại được mốc tham chiếu.
Nhóm ngân hàng cũng đã tích cực hơn khi kết phiên sáng, số mã giảm chỉ còn 2 mã là CTG và EIB, trong khi có tới 10 mã hiện sắc xanh. Large Cap STB, VCB, BID đều dao động quanh mốc 0.5%.
CII hiện là điểm sáng tại nhóm xây dựng với mức tăng 3%, nhiều khả năng cũng nhờ vào thông tin CII dự kiến chia cổ tức 16% bằng tiền với thanh khoản có dấu hiệu cải thiện so với phiên trước.
HBC cũng tăng hơn 1% và đạt khối lượng cao nhất trong tuần qua, đồng thời tạo tín hiệu kỹ thuật tích cực với mẫu hình nến đảo chiều, qua đó báo hiệu về 1 nhịp hồi phục trên cổ phiếu. Ngoài ra, theo ông Trần Quang Đại - Giám đốc Tài chính HBC, năm 2020, số lượng hợp đồng đã ký và chưa thực hiện (backlog) có thể đạt 21,000 tỷ đồng, bao gồm 16,000 tỷ đồng từ mảng dân dụng và 5,000 tỷ đồng đến từ xây dựng công nghiệp và hạ tầng, đồng thời Tập đoàn đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 22,000 tỷ đồng với lợi nhuận hợp nhất 1,000 tỷ đồng năm 2020. ĐIều này cho thấy triển vọng của cổ phiếu HBC khá khả quan trong năm 2020.
Trong khi đó, diễn biến nhóm xây dựng khá phân hóa với PC1, C69, DTD giảm nhẹ dưới 1%. Diễn biến nhóm nhựa cũng tương tự với AAA, BMP nhích nhẹ trên mốc tham chiếu, trong khi NTP giảm hơn 1%.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.95%. Ngược lại, bán lẻ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.6%.
Khối ngoại hiện mua ròng gần 89 tỷ đồng trên sàn HOSE với lực mua ròng tập trung ở các mã ROS, VRE, VCB. Trong khi đó, khối này đang bán ròng trên sàn HNX-Index với lực bán ròng tập trung ở PVS.
10h43: Giằng co quanh mốc tham chiếu
Các chỉ số thị trường dần đi vào thế giằng co khi áp lực bán tại vùng giá thấp yếu dần, trong khi lực cầu lại không thấy đâu.
Độ rộng thị trường tới 10h30 thu hẹp và nghiêng về bên bán với 208 mã tăng và 221 mã giảm điểm.
Nhà đầu tư hiện không mấy mặn mà với thị trường, đặc biệt là với nhóm Large Cap khi rổ VN30 hiện chỉ khớp hơn 12 triệu cổ phiếu, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang rất cẩn trọng sau một đợt sụt giảm mạnh trước đó, đi kèm với đó là sự băn khoăn về độ mạnh của vùng hỗ trợ 960-970 điểm ở hiện tại.
Độ rộng tại rổ VN30 nghiêng về bên bán với 18 mã giảm, 8 mã tăng và 4 mã đứng giá. Cả rổ chỉ có 3 mã tăng hơn 0.5% là HDB (nhiều khả năng chỉ là phiên hồi kỹ thuật khi mã đã giảm 6 phiên liên tiếp), REE (tương tự như HDB) và FPT, còn lại đều chỉ nhích nhẹ trên tham chiếu. Trong khi đó, CTD, MWG và ROS là những gương mặt giảm hơn 1%.
CMX bất ngờ tăng cận trần với khối lượng được cải thiện so với những phiên trước và trở thành điểm sáng tại nhóm thủy sản, khi sắc màu chủ đạo tại nhóm là màu đỏ. MPC giảm gần 3% trở lại sau phiên bứt phá gần 8% hôm qua, qua đó báo hiệu sự kết thúc của nhịp hồi; ACL và VHC cũng giảm hơn 1% sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
MWG tiếp tục giảm mạnh gần 2% trong phiên sáng nay, với lý do là do xu hướng chính của cổ phiếu trong ngắn hạn đang là xu hướng giảm. Dự kiến giá sẽ có hồi phục trở lại khi trở về vùng 101,000-103,000 khi tại đây có hội tụ của đường SMA 200 ngày với đáy cũ tháng 07/2019.
Dòng tiền đầu cơ ở sàn HOSE có dấu hiệu hạ nhiệt trong phiên sáng nay khi sắc tím chỉ còn trên YBM, DIC, trong khi FTM, FIT, TSC chỉ tăng hơn 3%.
TTB tiếp tục nằm sàn phiên thứ 5 liên tiếp với thanh khoản kém, qua đó cho thấy đà nằm sàn này sẽ còn tiếp tục khi vẫn chưa thấy dấu hiệu của lực cầu, đồng thời cho thấy thông tin TTB quyết định mua lại 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ không có mấy ảnh hưởng. Ngoài ra, một lãnh đạo khác của Công ty, Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Nam mới công bố thông tin bán hơn 1.8 triệu cp.
Hai chứng quyền CFPT1907 và CREE1904 là hai mã có bứt phá mạnh nhất thị trường chứng quyền ở mức 10%, tuy cho hai mã FPT và REE cũng chỉ tăng nhẹ dưới 1%. Diễn biến hiện tại của thị trường chứng quyền cũng đã khá hơn phiên hôm qua khi có tới 14 mã tăng, 2 mã đứng giá và 23 mã giảm.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.95%. Ngược lại, bán lẻ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.6%.
Mở cửa: Xanh nhẹ đầu phiên
Lực cầu tại vùng quanh mốc 970 điểm tiếp tục là bệ đỡ giúp VN-Index tăng nhẹ sau phiên ATO.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30, nghiêng về bên mua với 170 mã tăng và 96 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh khi cả rổ có 22 mã tăng, 4 mã giảm và 4 mã đứng giá.
BID, GAS và MSN hiện là những trụ chính trên thị trường hiện tại, và đối trọng với những mã này là ROS, HPG và SCS.
Diễn biến nhóm dầu khí đầu phiên khá tích cực khi sắc xanh đang dần lan tỏa lên nhóm này. Có thể kể đến như GAS, PVS đồng thuận xuất hiện sắc xanh và có mức tăng từ hơn quanh mốc 0.5%, PVD và PLX nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Mở phiên, nhóm ngân hàng cho thấy diễn biến khá tích cực khi sắc xanh đang dần lan tỏa trong nhóm ngành này. Có thể kể đến như ACB, MBB, BID đồng thuận xuất hiện sắc xanh và có mức tăng từ quanh mốc 0.5%, VCB nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Ở phía bên kia chiến tuyến, NVB xuất hiện sắc đỏ với mức giảm 1.1%.
Bán buôn hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 3.46%. Ngược lại, sản xuất thiết bị máy móc hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 38.53%.
Lý Hỏa
FILI
|