Nhiều người đổ nợ, lo tan cửa nát nhà vì Cocobay, chủ tịch Thành Đô nói chưa thiệt hại gì!
Nhiều chủ sở hữu condotel tại tổ hợp Cocobay Đà Nẵng đang than khóc vì đổ nợ, tan cửa nát nhà, đi vào đường cùng vì mất nguồn thu nhập cam kết nhưng chủ đầu tư vẫn nói chưa thiệt hại gì.
* Khách mua Cocobay kéo đến trụ sở Thành Đô phản đối chủ đầu tư 'lật kèo'
* Chủ đầu tư Cocobay thừa nhận vi phạm hợp đồng
* Nhà đầu tư Cocobay sa lầy với khoản nợ hàng tỷ đồng
Các chủ sở hữu condotel mang băngrôn phản đối trước trụ sở Công ty Thành Đô tại Hà Nội sáng 28-11 - Ảnh: N.H.L
|
Trong khi ông Nguyễn Đức Thành, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, nói đến thời điểm này các nhà đầu tư vào condotel tại Cocobay Đà Nẵng chưa bị thiệt hại gì, trên các hội nhóm nhà đầu tư, nhiều người đã kêu trời vì công ty dừng chi trả thu nhập cam kết.
"Tan cửa nát nhà, vợ chồng lục đục"
Sáng 28-11, bức xúc trước sự bội tín của chủ đầu tư, nhiều chủ sở hữu căn hộ đã mang theo băngrôn tập trung phản đối trước trụ sở Công ty Thành Đô tại Hà Nội.
Chị Nga, mẹ 4 con nhỏ, cho biết từ khi đọc thông báo dừng chi trả thu nhập cam kết của Công ty Thành Đô cho căn hộ condotel tại Cocobay Đà Nẵng, chị đờ đẫn cả người nhưng không dám nói với chồng.
Chị đã đầu tư vào 3 căn condotel tại khu R ở Cocobay và đang ngồi trên đống lửa.
"Có chuyện gì, mất tiền mất của chắc cũng tan cửa nát nhà, vợ chồng lục đục mất thôi. Đấy là tiền mồ hôi nước mắt của chồng, chỉ vì nghe lời vợ nên mới đầu tư vào Cocobay" - chị Nga than thở.
Bên ngoài tổ hợp Cocobay Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
|
Chị Dung Nguyen thì cho biết hai vợ chồng được ba mẹ cho căn nhà và đã bán đi vay thêm cho đủ 35% và vay Ngân hàng SHB 65% giá trị căn hộ. Bây giờ nợ chồng nợ, vợ chồng chị không có nhà để ở, phải ở nhờ nhà người thân.
"Tôi cứ nghĩ có ngân hàng bảo lãnh và hợp đồng cam kết 3 bên thì ngân hàng đánh giá năng lực dự án để không gây thiệt hại cho người mua. Giờ chủ đầu tư gom hết tiền rồi nói không làm được. Ngân hàng thì ép người mua trả tiền vay và lãi suất tăng. Cứ nghĩ sau bao nhiêu năm sẽ có số tiền ổn định nuôi hai con ăn học giờ mất trắng hết, còn nợ nần ngập đầu", chị Dung Nguyen chia sẻ.
Mất ăn mất ngủ, mất cả tiền bảo hiểm tuổi già
Các tòa nhà condotel tại Cocobay - Ảnh: TẤN LỰC
|
Hoàn cảnh của chị Ng.K.Phương cũng không khá hơn. Vợ chồng chị Phương đều làm công ăn lương, tích cóp nhiều năm được ít tiền và vay thêm 65% để đầu tư căn Coco Skyline với mong muốn có thêm khoản tiền hằng tháng cho con cái học hành và sau 8 năm trả hết nợ thì sẽ có một tài sản hữu hình sở hữu lâu dài.
Thế nhưng hiện chị phải chịu lãi suất 13% mỗi năm. Mỗi kỳ nhận được 70 triệu đồng tiền thu nhập cam kết thì phải trả hơn 50 triệu đồng tiền lãi. Tiền vốn ì ạch mãi mới trả được một ít và hiện chỉ có nguồn thu nhập cam kết từ chủ đầu tư là nguồn trả nợ.
"Cứ đến kỳ ngân hàng báo lãi đến hạn là tôi thấp thỏm mất ăn mất ngủ. Nhà thì đã quá hạn bàn giao gần 2 năm, nay lại mất luôn thu nhập cam kết. Các phương án Công ty Thành Đô đưa ra đều thiệt thòi cho chủ sở hữu. Còn ngân hàng bảo lãnh thì không lên tiếng, chỉ có tăng lãi suất và siết nợ. Quả thực tôi không biết phải làm gì với khoản đầu tư này nữa" - chị Phương than thở.
Cocobay đang là nơi sa lầy của nhiều nhà đầu tư - Ảnh: TẤN LỰC
|
Trong nhiều hoàn cảnh của nhà đầu tư thì bà T.P.Liên, ở Thừa Thiên Huế, là xót xa hơn cả. Bà Liên bị liệt từ nhỏ, không xin được việc làm nên tự xoay xở mở lớp dạy học. Dành dụm được chút tiền bảo hiểm tuổi già, khi nghe Cocobay quảng cáo thấy lãi suất cao hơn ngân hàng, lại có số ngày nghỉ hằng năm nên bà gom tiền dành dụm và vay thêm bạn bè, ngân hàng mua condotel.
"Giờ tôi mất cả khoản tiền bảo hiểm tuổi già và còn mang nợ với bạn bè, người thân không biết bao giờ trả nổi" - bà Liên uất nghẹn.
Trao đổi với chúng tôi ngày 28-11, ông Nguyễn Hải Long, thành viên ban đại diện các chủ sở hữu dự án Cocobay Đà Nẵng, cho biết đã chính thức gửi thư cho ông Nguyễn Đức Thành, chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô, đề nghị bố trí buổi làm việc với các chủ sở hữu để thảo luận tìm giải pháp giải quyết.
|
TẤN LỰC
Tuổi trẻ