Ngành thép tiếp tục lao đao
Sản lượng sản xuất và bán hàng của ngành thép trong quý 3/2019 vẫn đang ổn định. Tuy vậy, tình hình cạnh tranh khốc liệt cả trong nước và thế giới khiến các doanh nghiệp ngành này tiếp tục điêu đứng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá áp lực cạnh tranh về giá cả ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, khi các nhà máy thép Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thị trường xuất khẩu. Mặc dù vậy, VSA cho biết sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ vẫn đang ổn định. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất hơn 18.8 triệu tấn, tăng 6.7% so cùng kỳ; sản lượng bán hàng đạt hơn 17.3 triệu tấn, tăng 8.5% so cùng kỳ.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp ngành thép chấp nhận câu chuyện giảm bớt biên lợi nhuận.
Thực tế, theo dữ liệu thống kê của Vietstock, trong quý 3/2019, 17 doanh nghiệp thép niêm yết đã tạo ra hơn 40,076 tỷ đồng doanh thu và hơn 1,727 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2019, lần lượt giảm gần 8% và hơn 28% so cùng kỳ.
Các doanh nghiệp trong ngành đều thừa nhận chung rằng do thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp trong khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục đi xuống, khiến hoạt động kinh doanh điêu đứng. Các công ty trong nước không xuất khẩu lại phải bán cắt lỗ khiến giá bán trong nước còn giảm nhanh hơn.
Còn để xuất khẩu sang thị trường như Mỹ, doanh nghiệp phải nhập HRC từ Ấn Ðộ hoặc mua của nhà sản xuất trong nước là Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp lớn như HPG mới có thể duy trì mua hàng của Formosa Hà Tĩnh thường xuyên. Còn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đều gặp khó khăn không ít.
Hơn nữa, theo lý giải của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) tại báo cáo triển vọng ngành quý 4/2019, tình trạng doanh thu sụt giảm của các doanh nghiệp thép trong nước là do nhu cầu thép xây dựng còn thấp khi thị trường bất động sản và hoạt động giải ngân hạ tầng vẫn chưa tiến triển. Trong khi đó, nguồn cung thép xây dựng và tôn mạ màu đều đang dư thừa trong ngắn hạn.
Vẫn có những doanh nghiệp vượt khó, nhờ đâu?
Trở lại bức tranh hoạt động của 17 doanh nghiệp niêm yết ngành thép, có 6 doanh nghiệp tăng trưởng lãi quý 3 so cùng kỳ.
Trong đó, Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) chính là đơn vị có biên lãi gộp tốt nhất quý 3/2019 với 21.1%. Tuy vậy, do gia tăng các khoản chi phí hoạt động, lãi ròng quý 3/2019 của VPG chỉ tăng trưởng gần 8% so cùng kỳ, ở mức 12.6 tỷ đồng.
Giống với VPG, biên lãi gộp của Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) cũng đang có xu hướng tích cực dần, thể hiện 14.5% trong quý 3/2019, cao hơn mức 5% cùng kỳ.
Nhờ vậy, DTL lãi ròng gần 7 tỷ đồng, gấp gần 11 lần quý 3/2018, là doanh nghiệp thép niêm yết có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, nếu so với quy mô của đơn vị này thì con số lãi 7 tỷ đồng là quá nhỏ.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp thép niêm yết có kết quả tăng trưởng trong quý 3/2019
|
Trong khi đó, biên lãi gộp của TTB, TNA, NKG và VGS không ghi nhận nhiều biến động đáng kể.
Với nhóm này, chỉ có Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (HOSE: TNA) và Tập đoàn Tiến Bộ (HOSE: TTB) gia tăng doanh thu so cùng kỳ, lần lượt 60% và 14.5%. Tuy vậy, khoản thu tài chính cao bất thường mới là động lực tăng trưởng của 2 đơn vị này. Cụ thể, doanh thu tài chính của TNA trong quý 3 đạt hơn 126 tỷ đồng, đối với TTB là hơn 12.6 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3/2019, TNA lãi ròng gần 102 tỷ đồng trong khi TTB lãi ròng gần 9 tỷ đồng, đều gấp 9.6 lần kết quả cùng kỳ.
Quý 3/2019, Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng có kết quả tăng trưởng bằng lần. Cụ thể Công ty này lãi ròng hơn 6 tỷ đồng, gấp 7.5 lần kết quả quý 3 năm trước. Mặc dù lợi nhuận gộp đi lùi 40%, ở mức 101 tỷ đồng, song phía NKG cho biết Công ty đã thu hẹp giá trị hàng tồn kho, đồng thời kiểm soát tốt các khoản chi phí bán hàng, chi phí tài chính. Thêm vào đó, khoản lợi nhuận khác của NKG cũng ghi nhận tăng 9.3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Hai ông lớn Hoa Sen và Hòa Phát kinh doanh ra sao?
Trong ngành thép, không thể bỏ qua sự chuyển động của hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất thị trường hiện nay là Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) và Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG).
Trong quý cuối cùng của niên độ tài chính (NĐTC) 2018-2019, HSG đạt doanh thu thuần gần 6,350 tỷ đồng, giảm 26% so cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận gộp của Công ty này lại tăng 15%; đã giúp HSG chuyển từ lỗ quý này năm trước sang lãi ròng gần 84 tỷ đồng trong năm nay.
Theo HSG, Tập đoàn đã chủ động tái cơ cấu sản phẩm, tập trung vào những thị trường, mặt hàng có biên lợi nhuận cao, biên lãi gộp đã tăng từ mức 8.45% trong cùng kỳ năm trước lên thành 13.09%.
Thực tế, HSG đã mạnh tay tái cấu trúc hệ thống quản lý và hệ thống phân phối, giúp giảm đáng kể chi phí quản lý, bán hàng. Cùng với đó, chi phí tài chính đang giảm dần qua từng quý, nhờ Công ty tăng cường quản lý hàng tồn kho. Vào thời điểm cuối quý 4 NĐTC 2018-2019, giá trị hàng tồn kho HSG giảm gần 33% so với đầu niên độ, ở mức 4,466 tỷ đồng; đồng thời, dư nợ vay ngắn hạn giảm gần 40%, xuống chỉ còn 6,706 tỷ đồng.
Kết thúc NĐTC, HSG đạt 28,034 tỷ đồng doanh thu và 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Ngược với HSG, biên lãi gộp của HPG giảm đáng kể từ 23% xuống còn 17.9% trong quý 3/2019. Cộng với gia tăng các khoản chi phí, doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng gần 1,755 tỷ đồng, giảm 27% so với quý 3 năm trước và cũng là mức thấp nhất trong 9 quý trở lại đây.
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tuy kết quả kinh doanh có chững lại, song đáng chú ý khi hàng tồn kho và nợ vay của HPG vẫn đang cao ngất ngưỡng. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho của HPG tiếp tục ghi nhận gia tăng. Tính đến ngày 30/09/2019, tổng giá trị hàng tồn kho đạt gần 19,000 tỷ đồng, chủ yếu là tăng ở nguyên vật liệu và thành phẩm. So với thời điểm cuối năm 2015, hàng tồn kho của HPG đã gấp 2.6 lần.
Bên cạnh, nợ vay của doanh nghiệp này đang thể hiện hơn 38,100 tỷ đồng, tăng 57% so với hồi đầu năm 2019. Như vậy, sau 5 năm, dư nợ vay của HPG đã tăng gấp 4.5 lần, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản đến 30/09/2019 là 39%, tăng đáng kể so với con số 31% cuối năm 2018 và 24.5% vào cuối năm 2017.
Ngoài ông lớn HPG, 4 đơn vị khác góp mặt trong nhóm giảm lãi quý 3 gồm MEL, SMC, KMT và HMC. Trong đó, HMC sụt giảm đến 96% lãi ròng, từ mức 23 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước xuống còn chưa tới 900 triệu đồng trong năm nay.
Dù doanh thu thuần tăng trưởng 12%, song biên lãi gộp của HMC đã thu hẹp từ 6% xuống còn 1.3% trong quý 3 năm nay. Công ty chỉ thu về được hơn 14 tỷ đồng lợi nhuận gộp, sụt giảm gần 77% so cùng kỳ, dẫn đến kết quả kinh doanh đi xuống chóng mặt.
Số lượng đơn vị thua lỗ đang tăng
So với cùng kỳ, các doanh nghiệp thép thua lỗ tăng lên cả về chất lẫn lượng, thậm chí có đơn vị đối mặt với rủi ro bị hủy niêm yết.
Đó chính là Thép DANA - Ý (HOSE: DNY). Quý 3/2019, doanh nghiệp này chỉ đạt doanh thu hơn 34 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đến 528 tỷ đồng. Kể cả khoản hàng bán trả lại gần 28 tỷ đồng khiến doanh thu thuần của DNY chỉ đạt 6.3 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3, DNY đã dừng hoạt động sản xuất kinh doanh suốt 12 tháng bởi liên quan đến sự cố môi trường. Do vẫn gánh các khoản chi phí, DNY tiếp tục báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp với gần 90 tỷ đồng.
Phía DNY cho biết, hiện số nợ xấu các ngân hàng của Công ty lên tới hơn 600 tỷ đồng, cổ phiếu DNY đang bị Ủy ban Chứng khoán đưa vào diện kiểm soát, không được giao dịch mua bán.
Với tình hình này, lỗ lũy kế đã lên tới gần 279 tỷ đồng, chính thức vượt vốn điều lệ thực góp là 270 tỷ đồng. Theo đó, DNY đang đối diện với việc bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Tuy doanh thu sụt giảm nhiều, nhưng DNY vẫn lỗ ít hơn Thép Pomina (HOSE: POM). Đây chính là doanh nghiệp thép có kết quả tệ nhất quý 3/2019 với lỗ ròng gần 119 tỷ đồng.
Được biết do sự cố kỹ thuật, là ảnh hưởng đến sản lượng của POM, dẫn đến doanh thu thuần sụt giảm gần 15% so cùng kỳ, ở mức hơn 2,966 tỷ đồng. Mặt khác, do dự án lò cao sẽ đi vào hoạt động vào quý 2/2020 và dự án Tôn mới đã đi vào hoạt động quý 2 năm nay, nên chi phí lãi vay của POM tăng 79% so cùng kỳ, thể hiện gần 100 tỷ đồng.
Biên lãi gộp của Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) còn thu hẹp đáng kể hơn nữa về mức 2.6% trong quý 3/2019. Lãi gộp thu về ở mức gần 33 tỷ đồng, giảm đến 63% so cùng kỳ. Do đó, dù đã tiết giảm các khoản chi phí hoạt động, TLH vẫn không thoát cảnh trắng tay quý đầu tiên trong năm 2019 với lỗ ròng gần 9 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2019 của các DN thép niêm yết
Đvt: Tỷ đồng
|
Con đường về đích còn xa
Với tình hình kinh doanh chưa khởi sắc như hiện nay, con đường hoàn thành kế hoạch năm 2019 của các doanh nghiệp ngành thép đang đầy sỏi đá. Hiện tại mới chỉ có HPG thực hiện trên 75% chỉ tiêu và duy nhất TNA vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đề ra. Trong khi đó, có tới 5 doanh nghiệp đang thua lỗ lũy kế.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các DN thép niêm yết
Đvt: Tỷ đồng
|
Duy Na
FILI
|