Không dễ cứu ngành mía đường
Trước lời “kêu cứu” khẩn thiết hoãn thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA) để ngành mía đường có thêm thời gian chuẩn bị, gần đây, đích thân Thủ tướng đã khẳng định giải pháp này là khó khả thi.
* Ngành mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn
* Ngành mía đường trong bối cảnh 'thập diện mai phục'
* Nhiều nhà máy mía đường thua lỗ: Bộ trưởng khuyên nên trồng nấm
Mới đây, đăng đàn trước Quốc hội, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định quyết tâm tái cơ cấu ngay trong một vài năm tới để ngành nông - công nghiệp quan trọng này có thể tiếp tục phát triển. Mặc dù vậy, cơ may thành công sẽ chỉ đến với số rất ít.
Năm 2017, năng suất ngành mía đường nước ta tăng lên 65,3 tấn/héc ta, nhưng chỉ bằng 86,8% của Thái Lan. Ảnh: THÀNH HOA
|
Việc “để dành” 20 năm
Ngay tại thời điểm chúng ta hoan hỉ với thành tựu sản xuất được 1 triệu tấn đường vào năm 2000, những ai quan tâm đến ngành mía đường Việt Nam cũng đều nhận ra không chỉ năng suất, mà cả chất lượng mía thấp là thế yếu của ngành mía đường được cấp tập hình thành chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn ở nước ta.
Chính vì vậy, kể từ đó đến nay, đã có không ít những cảnh báo về thực trạng này, đặc biệt là khi ngành nông - công nghiệp này bước vào những giai đoạn hội nhập quan trọng.
Tuy nhiên, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cho đến nay, thực tế này hầu như vẫn chưa được khắc phục.
Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, nếu như năng suất mía của Việt Nam ở thời điểm năm 2000 chỉ là 49,8 tấn/héc ta, chỉ bằng 84,1% của “ông kẹ” Thái Lan, thì năm 2017 tuy tăng lên 65,3 tấn/héc ta, nhưng do năng suất của Thái Lan cũng tăng lên 57,2 tấn/héc ta cho nên ta cũng chỉ nhích lên bằng 86,8% của Thái Lan.
Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của FAO và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng đường bình quân mỗi héc ta mía của Việt Nam năm 2000 chỉ là 3,14 tấn, bằng 50,2% so với của Thái Lan, còn năm 2017 tuy tăng khá mạnh lên 5,41 tấn, nhưng cũng chỉ bằng 73,7% so với của Thái Lan do mình tăng thì Thái cũng tăng.
Dù đã tiến bộ rất nhiều, nhưng khoảng cách giữa hai nước vẫn còn lớn, đồng nghĩa với giá thành sản xuất đường của Việt Nam vẫn còn quá cao khiến thị trường trong nước trở thành “cục nam châm” cực mạnh hút đường “Made in Thailand” ồ ạt đổ vào.
Trong bối cảnh như vậy, quyết tâm tăng mạnh năng suất mía lên 80 tấn/héc ta, thậm chí tăng vọt lên 100 tấn/héc ta chỉ trong vòng 2-3 năm mà người đứng đầu ngành nông nghiệp đã khẳng định khi đăng đàn trước Quốc hội là “gãi đúng chỗ ngứa” của ngành nông - công nghiệp này.
Bởi lẽ, từ chỗ chỉ chưa bằng 90% năng suất của Thái Lan mà vượt qua được năng suất của nước này chỉ trong vòng 2-3 năm đã là một bước tiến vô cùng lớn, còn đạt 100 tấn/héc ta, tức là cao hơn tới 38% so với của Thái Lan hiện nay sẽ là bước “đại nhảy vọt”. Nếu đạt được năng suất như vậy, đặc biệt là cộng thêm việc cải thiện được chất lượng mía nguyên liệu thì chắc chắn ngành mía đường không có lý do gì để phải kêu cứu, thậm chí rất có thể đường “Made in Vietnam” sẽ đẩy lùi được đường Thái Lan để chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Thế nhưng, chính vì quyết tâm quá cao mà lịch sử thế giới của ngành này có lẽ chưa từng chứng kiến như vậy, đặc biệt là chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn so với khoảng thời gian dài gấp 6-10 lần thực hiện chưa tốt đã qua, cho nên nó có thể trở thành điều rất khó tin. Bởi lẽ, không kể đến “chuyện muôn thuở” khó khăn về tài chính, chỉ riêng quá trình chọn tạo nhiều loại giống, tiến hành thực nghiệm để xác định khả năng phù hợp của từng giống với thổ nhưỡng và khí hậu của từng tiểu vùng mía nguyên liệu và phủ kín những giống này cho toàn bộ diện tích mía nguyên liệu tuy rất khiêm tốn chưa tới 300.000 héc ta, nhưng số hộ nông dân tham gia lại khổng lồ tới 400.000, chắc chắn là quá trình đòi hỏi không ít thời gian.
Hệ quả của một chương trình thiếu tầm nhìn
Có lẽ, không có ai quan tâm đến ngành công nghiệp đường của Việt Nam lại không biết đến chương trình mía đường được khởi động cách đây một phần tư thế kỷ đã hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn đường vào năm 2000 và nhờ đó đã kết thúc được quá trình nhập khẩu đường với quy mô ngày càng lớn. Và ẩn phía sau đó, sau năm năm rộn ràng, cấp tập xây dựng, 33 nhà máy đường đã mọc lên, đưa tổng số nhà máy đường lên kỷ lục 47, còn tính theo công suất thì từ 11.500 tấn mía/ngày đã tăng vọt gần gấp 7 lần, đạt 78.200 tấn/ngày.
Tuy nhiên, công suất bình quân của 33 nhà máy mới xây dựng này cũng chỉ đạt hơn 2.000 tấn mía/ngày, tức là bộ phận chủ yếu cấu thành ngành công nghiệp đường của chúng ta vẫn là những nhà máy đường mini.
Không những vậy, trước những khó khăn ngày càng lớn chỉ sau bốn năm vận hành, cuộc tái cơ cấu đầu tiên cũng đã được thực hiện và số lượng nhà máy đường đã bị “khai tử” tính đến năm 2007 là 11 nhà máy, còn công suất bình quân cũng chỉ đạt hơn 2.400 tấn mía/ngày, tức là bộ phận chủ yếu cấu thành ngành công nghiệp này vẫn là những nhà máy đường mini. Công suất thấp, không đủ sức cạnh tranh, cộng với căn bệnh kinh niên thiếu mía nguyên liệu trầm trọng là hai yếu tố chủ yếu khiến ngành mía đường không ngừng đối mặt với khó khăn do giá thành và giá bán đường cao, đường lậu ồ ạt tràn vào.
Rõ ràng, “di chứng” mà chương trình thiếu tầm nhìn này để lại cho đến nay là rất lớn, cho nên công cuộc tái cơ cấu sắp tới tuy chắc chắn sẽ đầy đau đớn, nhưng cũng rất khó bảo đảm thành công.
Trước hết, bởi lẽ, đúng như người đứng đầu ngành nông nghiệp nước ta đã bày tỏ “...ngành mía đường phải kiện toàn để đảm bảo có đủ nhà máy có sức mạnh, quy mô nhất định, đủ năng lực cạnh tranh về công suất”, tức là sẽ phải “biến” không ít trong số 31 nhà máy đường có công suất nhỏ, không đủ năng lực cạnh tranh hiện nay, trở thành những nhà máy có công suất 6.000-8.000 tấn mía/ngày và có đủ năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, những nhà máy đường được kiện toàn còn phải đối mặt với một vấn đề nan giải cố hữu của hầu như toàn bộ ngành công nghiệp đường nước ta hiện nay là mở rộng vùng nguyên liệu tương ứng với công suất chế biến tăng thêm, trong khi những vùng nguyên liệu của những nhà máy đường bị phá sản đương nhiên sẽ phải xóa bỏ để chuyển sang những loại cây trồng khác do không thể tiếp tục sử dụng được vì khoảng cách vận chuyển không kinh tế.
Nguyễn Đình Bích
TBKTSG Online
|