Kem trộn pha cả thau livestream, nghệ sĩ quảng cáo rượu
Kem trộn, kem trắng da, chống lão hóa, rượu bia, thực phẩm tăng cường sức khỏe đến thuốc chữa ung thư cùng đủ các dịch vụ làm đẹp đang được quảng cáo tràn lan trên mạng. Ranh giới thật - giả, tốt - xấu đang đánh đố người dùng.
Bật màn hình lên là thấy quảng cáo nhảy nhót trước mặt, bực mình và rối mắt kèm lo âu với kính thưa các kiểu quảng cáo này.
Khi nghệ sĩ quảng cáo rượu mạnh
Trong đoạn clip đăng tải ngày 12-10 trên fanpage một thương hiệu rượu, nghệ sĩ T. và L. xuất hiện quảng cáo cho một loại rượu whisky của hãng này. Theo thông tin quảng cáo, rượu này có độ cồn 29%.
Trong đoạn quảng cáo có lời nhạc vui tai, hai nghệ sĩ này tổ chức trò chơi "quay đồng hồ về hướng ai thì người đó uống", mọi người vui vẻ hát ca nâng ly. Hai nghệ sĩ còn hướng dẫn uống loại rượu có độ cồn cao này (rót rượu vào đá, pha thêm nửa lon bia rồi uống...).
Vừa qua, dư luận cũng lên tiếng mạnh mẽ việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo các loại thuốc trị ung thư, các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nghệ sĩ T. từng được khán giả yêu thích khi cô tham gia quảng cáo cho một nhãn hiệu sữa với nội dung rất thú vị, nhiều phụ huynh cũng vì yêu mến mà lựa chọn sản phẩm đó cho con họ (tôi cũng vậy).
Và lần này tôi vô cùng thất vọng khi cô tham gia quảng cáo rượu mạnh, vì đây là sản phẩm không được phép quảng cáo và nội dung quảng cáo có nói đến chuyện "nhậu thả ga"...
Cứ hễ tới "khung giờ vàng" cho quảng cáo, y rằng Facebook tràn ngập quảng cáo hầu như tất cả sản phẩm phục vụ đời sống, trong đó rất nhiều sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Nào là mỹ phẩm (kem trộn, kem trắng da, chống nám, chống lão hóa...), thẩm mỹ viện, dịch vụ làm đẹp, thuốc trị bệnh...
Nhiều trang mạng cũng đăng tải những quảng cáo tương tự với những lời "có cánh" kiểu như: hiệu quả nhanh chóng, không gây tác hại... Lắm khi mỹ phẩm và thuốc không rõ nguồn gốc (của ai sản xuất), nhiều cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp được cấp phép hay chưa.
Giữa "trận địa" quảng cáo
Và cùng với đó là những thông tin, hình ảnh về nhiều vụ tai biến từ dịch vụ và sản phẩm làm đẹp. Những gương mặt bị nhiễm trùng nặng, các kiểu biến chứng, thậm chí chết người sau làm đẹp ở các thẩm mỹ viện đang là nỗi ám ảnh đáng sợ trước màn hình. Chưa bao giờ các dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm làm đẹp được quảng cáo nhiều như hiện nay!
Đáng ngại ở chỗ: nếu như trên báo chí, các đài truyền hình, việc quảng cáo được siết chặt hơn bởi các đơn vị thường yêu cầu giấy phép trước khi đăng thì trên mạng xã hội, việc này khó có thể kiểm soát và kiểm chứng. Một người quen của tôi bán mỹ phẩm trên mạng, khi được hỏi nguồn gốc thì người đó chỉ trả lời rằng công ty phân phối, còn nguồn gốc thì không biết.
Nhiều người chọn cơ sở làm đẹp theo quảng cáo trên mạng, theo giới thiệu thay vì tìm hiểu về giấy phép, điều kiện hoạt động cũng như tự hiểu về những tác hại, tai biến có thể xảy đến khi chọn một sản phẩm hoặc một phẫu thuật làm đẹp.
Tôi bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm và sợ hãi những đoạn quảng cáo livestream trên mạng với cả một thau kem được trộn lại rồi chia ra từng hộp. Không hiểu quy trình sản xuất của những chất đó là gì và tại sao người tiêu dùng lại dám sử dụng?
Cơ quan chức năng có thể kiểm soát chặt chẽ hết nội dung những quảng cáo này không? Làm sao có thể "gạn đục khơi trong" các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe, nhan sắc và cả tính mạng con người nhan nhản trên mạng và lan nhanh sau mỗi cái click chuột?
Ngày 14-6-2019, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại rượu bia (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020). Theo mục a, khoản 2, điều 12 của luật này, quảng cáo rượu bia không thể hiện các nội dung thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.
Kiểm soát "trận địa" quảng cáo các sản phẩm liên quan sức khỏe con người đang cần có luật đủ mạnh và thực thi nghiêm, cần nhiều hơn nữa những vụ xử phạt đủ sức răn đe, chấn chỉnh. Mỗi người cũng cần sáng suốt, cân nhắc hơn giữa "mê hồn trận" quảng cáo kiểu này.
Dễ tin, dễ mang họa
Trong thời đại thông tin bùng nổ, nhiều nhà sản xuất đã không ngại bỏ ra một số tiền khổng lồ để đầu tư dịch vụ quảng cáo trên mạng. Lắm chiêu thức để đề cao sản phẩm, đôi khi tâng bốc thái quá đến mức gây khó chịu cho người xem.
Đáng lẽ quảng cáo là nhịp cầu giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất, nhiều khi lòng tin của khách hàng bị lợi dụng bằng những kiểu quảng cáo cố tình "vẽ rồng vẽ rắn". Nhiều người hoang mang, thậm chí nhầm lẫn không biết đâu là thật - giả, đúng - sai và hệ lụy đáng tiếc cũng từng xảy ra.
Một trong những mặt hàng quảng cáo nổi cộm nhất hiện nay trên mạng là nhóm thuốc đông dược và thực phẩm chức năng. Có người hết bệnh, cũng có người tiền mất tật mang, trong số đó có tôi. Tôi từng mua sản phẩm được quảng cáo như "thuốc tiên" cho chứng tiểu đêm và chứng đau thần kinh tọa của mình.
Cuối cùng, tôi đã đến bệnh viện vùng để mổ khối u và tìm đến bệnh viện y học cổ truyền để chữa bệnh. Cũng như tôi, nhiều người sử dụng thuốc quảng cáo vì dễ tin, nóng lòng muốn mau hết bệnh, không ảnh hưởng đến công ăn việc làm.
Quảng cáo trên mạng vàng thau lẫn lộn, nếu cả tin có thể gặp hệ lụy mang họa vào thân. Điều 168 Bộ luật hình sự đã quy định rõ về quảng cáo gian dối, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thể bị xử phạt bằng tiền, thậm chí phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Bên cạnh những lời quảng cáo chân thực, lành mạnh, thể hiện tính văn hóa cao vẫn còn không ít lời lẽ "đại ngôn" sai sự thật và bát nháo.
Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ những công ty đã quan tâm đưa vào quảng cáo lời lẽ chừng mực, nội dung lành mạnh, bổ ích. Mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát mạnh mẽ hơn nữa các kiểu quảng cáo trên mạng hiện nay.
HOÀI VŨ (Cần Thơ)
|
LÊ THẠCH
Tuổi trẻ