Dầu WTI tăng nhẹ trong tháng qua bất chấp 4 phiên giảm liên tiếp
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm vào ngày thứ Năm (31/10) để khép phiên tại mức thấp nhất trong hơn 1 tuần, trong đó dầu WTI giảm phiên thứ 4 liên tiếp nhưng vẫn tăng nhẹ trong tháng qua, MarketWatch đưa tin.
Các nhà đầu tư dầu mỏ đã quay lại chú ý đến nỗi lo về bối cảnh kinh tế toàn cầu, khi giá dầu sụt giảm sau một loạt dữ liệu sản xuất ảm đạm của Trung Quốc, và thông tin cho hay các quan chức Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về triển vọng cho một thỏa thuận thương mại dài hạn với Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex sụt 88 xu (tương đương 1.6%) xuống 54.18 USD/thùng. Hợp đồng này giảm phiên thứ 4 liên tiếp và đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/10/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Dẫu vậy, trong tháng qua, hợp đồng này đã tăng 0.2%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn lùi 38 xu (tương đương 0.6%) xuống 60.23 USD/thùng – mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/10/2019. Hợp đồng này, vốn đã hết hạn vào cuối phiên, tăng 0.9% trong tháng 10. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 mất 62 xu (tương đương 1%) còn 59.62 USD/thùng.
Robert Yawger, Giám đốc năng lượng tại Mizuho Securities USA, cho rằng sự suy yếu của giá dầu là do “sự bi quan trong thương mại Mỹ - Trung”.
Các quan chức Trung Quốc đang tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, lâu dài với Mỹ bất chấp tiến bộ hướng đến ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1”, Bloomberg đưa tin vào ngày thứ Năm. Báo cáo cũng cho biết các quan chức Trung Quốc lo ngại về bản tính nóng nảy của Tổng thống Mỹ Donald Trump và e rằng ông Trump thậm chí có thể rút khỏi thỏa thuận hạn chế mà cả Bắc Kinh và Washington đều cho thấy muốn ký kết trong vài tuần tới.
Thước đo hoạt động nhà máy chính thức của Trung Quốc, chỉ số PMI sản xuất, đã giảm từ 49.8 trong tháng 9 xuống đáy 8 tháng là 49.3 trong tháng 10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm. Chỉ số này thấp hơn 50 cho thấy sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Nỗi lo kinh tế ảm đạm đã làm tăng lo ngại về sự suy giảm nhu cầu năng lượng.
Các hợp đồng dầu thô cũng suy yếu vào ngày thứ Tư (30/10) sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 11 lùi 2% xuống 1.6312 USD/gallon, nhưng vẫn tăng 1.6% trong tháng qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 11 mất 1.9% còn 1.8780 USD/gallon và giảm gần 1.5% trong tháng 10.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 89 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 25/10/2019, cao hơn so với dự báo tăng 85 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 sụt 2.2% xuống 2.633 USD/MMBtu. Trong tháng 10, hợp đồng này đã leo dốc 13%, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.
An Trần
Fili
|