Đại biểu Quốc hội đề xuất không để xe hầm chung cư, bộ trưởng Xây dựng nói ‘đang nghiên cứu’
Trước thực trạng nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các chung cư thời gian qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất Quốc hội thêm vào luật quy định không cho để xe ở trong hầm chung cư, khách sạn.
Tầng hầm chứa đầy xe máy cháy rụi ở chung cư Carina Plaza - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm 13 người chết ở TP.HCM ngày 23-3-2018 - Ảnh: XUÂN HƯNG
|
Thảo luận báo cáo giám sát công tác phòng chữa cháy giai đoạn 2014-2018, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị trong Luật xây dựng nên quy định các chung cư, khách sạn cao tầng không để tầng hầm là nơi đậu xe.
Theo đại biểu Phương, mỗi xe có thùng xăng nên đậu ôtô, xe máy dưới tầng hầm chung cư sẽ biến đây thành những kho xăng, khi cháy sẽ không thể cứu chữa.
"Nếu phun nước vào thì xăng nổi lên, xăng vẫn cháy. Khi cháy thì không những nguy hiểm đến tính mạng, tài sản mà nguy hiểm là nhà cao tầng 50, 70 tầng, cháy thì các trụ sẽ bị nóng, bị ảnh hưởng, chắc chắn rất khó để đảm bảo an toàn của chung cư, khách sạn đó", đại biểu Phương nói.
Từ những phân tích trên, đại biểu Quảng Bình đề nghị khi xây dựng các khu chung cư trong tương lại, nên xây bãi đỗ xe riêng, không để xe dưới tầng hầm.
Trước đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết bộ đang nghiên cứu để xem xét có nên sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe nữa không.
Nói thêm về thực trạng cháy ở các công trình thời gian qua, bộ trưởng cho biết dù đã có nhiều luật, quy định, nghị định trong lĩnh vực xây dựng nhưng các văn bản pháp quy này vẫn còn nhiều hạn chế, tản mạn và nhiều nội dung đã lạc hậu.
Bộ trưởng lấy ví dụ hiện vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể trong lĩnh vực PCCC đối với các chung cư trên 150m. Bên cạnh những bất cập trong công tác quy hoạch, thẩm định liên quan đến PCCC, công tác thanh tra, xử lý vi phạm cũng chưa nghiêm, dẫn đến một số nhà đầu tư có biểu hiện "nhờn".
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận trách nhiệm và hứa khắc phục các tồn tại trong thời gian tới.
Lực lượng cứu hộ xử lý hỏa hoạn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian qua, các lực lượng đã tăng cường nhiều biện pháp xử lý trong lĩnh vực PCCC. Trong đó, công an đã công khai các chủ đầu tư vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, không cấp phép với các chủ đầu tư không khắc phục vi phạm.
Trong 4 năm qua, công an đã khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy, xử phạt hơn 200 tỉ đồng, đình chỉ hơn 1.900 trường hợp vi phạm liên quan đến PCCC.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết từ năm 2014 đến nay, có 5 chiến sĩ đã hi sinh và hàng chục chiến sĩ bị thương trong quá trình chữa cháy. Phương tiện chữa cháy của ta vẫn còn thiếu, lạc hậu, cần tiếp tục đầu tư bổ sung.
Nhắc lại vụ cháy trên tàu dầu Hải Hà 18 ở Hải Phòng ngày 10-3-2018 mà bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo chữa cháy, ông Tô Lâm cho biết nếu không dập tắt kịp thời thì đây có thể là "thảm họa quốc gia" bởi có 3 kho xăng lớn. Thời điểm đó lực lượng chức năng thậm chí đã tính đến phương án di dời dân ở quận Hải An.
Từ vụ việc cụ thể trên, bộ trưởng Bộ Công an cho biết việc chữa cháy vẫn còn nhiền vấn đề phức tạp, thời gian tới ngành công an sẽ thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó có kiên quyết xử lý các vi phạm trong lĩnh vực PCCC.
Đốt chợ vì "lợi ích nhóm"?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn số liệu trong vòng 1 năm từ tháng 7-2018 đến thời điểm báo cáo, có đến 43 vụ cháy nghiêm trọng, bằng 86% của 4 năm trước. TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương đứng đầu bảng về cháy.
Ông Nhưỡng đặt câu hỏi: Phát triển "nóng" quá nên cháy hay do trách nhiệm dẫn đến cháy? Vì sao không xử lý lãnh đạo, không khởi tố và "xử lý không tương xứng với các đám cháy".
Ông Nhưỡng còn nêu phản ánh của cử tri có trường hợp đốt chợ để xây dựng chợ mới, phục vụ "lợi ích nhóm".
Từ đó, đại biểu Bến Tre đề nghị xử lý quyết liệt trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra cháy, không nên chỉ tiếp tục "rút kinh nghiệm".
|
NGỌC HIỂN
Tuổi trẻ