Cuộc đua lợi nhuận của các ngân hàng bước vào hồi gay cấn
Chỉ còn vài tháng nữa là cuộc rượt đuổi lợi nhuận gắt gao giữa các nhà băng năm 2019 sẽ đến hồi kết. Trải qua 9 tháng đầu năm, những gương mặt sáng giá cho vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng đã được xướng tên, nhưng liệu thứ bậc này có được giữ nguyên cho đến phút cuối? Hãy cùng chờ đợi và ngắm nhìn thành quả của họ!
BIDV rớt hạng và sự trở lại của Sacombank
Trong 9 tháng đầu năm nay, ngoại trừ Agribank, đã có 10 ngân hàng báo lãi vượt mốc 2,000 tỷ đồng.
Quá đỗi quen thuộc khi vị trí quán quân vẫn thuộc về Vietcombank (VCB) với lợi nhuận trước thuế được ghi nhận 17,613 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, một phần nhờ vào Vietcombank giảm nhẹ 4% trích lập dự phòng so với cùng kỳ, chiếm 4,819 tỷ đồng.
Ở vị trí dẫn đầu trong ngành ngân hàng, Vietcombank bỏ xa á quân gần 8,752 tỷ đồng lãi trước thuế, đồng thời thực hiện 88% kế hoạch năm.
Mặc dù vẫn chưa lấy lại được ngôi vị á quân từ Techcombank (TCB), VietinBank (CTG) vẫn có niềm vui riêng khi đã thực hiện được 89% kế hoạch năm với lãi trước thuế đạt 8,456 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh nhà băng này đã tăng 39% trích lập dự phòng.
Còn lãi trước thuế của Techcombank tăng thấp hơn ở mức 14%, đạt 8,860 tỷ đồng, con số này đạt 75% kế hoạch cả năm mà Techcombank đề ra. Phải chăng, việc giảm mạnh 66% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đã giúp cho Techcombank có được thứ hạng cao hơn VietinBank?
Nếu như hồi 9 tháng đầu năm 2018, MBBank (MBB) còn ở ngoài top 5 thì đến năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 4 với 7,616 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với cùng kỳ mặc dù đã tăng 60% dự phòng rủi ro tín dụng, thực hiện được 77% kế hoạch năm.
Trong khi phần lớn các nhà băng khác đều có lợi nhuận tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm, thì BIDV - một trong 3 nhà băng có lãi sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 7,028 tỷ đồng và mới thực hiện được 67% mục tiêu đã đặt ra. Và lẽ đó, “ông lớn” ngày nào đã không thể chen chân vào Top 5 nhà băng có lợi nhuận khủng, nhường chỗ cho VPBank (VPB) với 7,767 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, VPBank thực hiện được 76% mục tiêu lãi trước thuế.
ACB và HDBank (HDB) có vị trí thứ hạng không đổi dù kết quả so với cùng kỳ thì tăng trưởng đáng kể. Trong đó, ACB đã đạt được 5,561 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 16% so với năm trước với chi phí dự phòng giảm đến 75%. Dù vậy, ACB mới thực hiện được 76% kế hoạch năm 2019.
Còn lại là HDBank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3,448 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, đã đưa HDB xếp trên VIB một hạng.
Điều bất ngờ hơn hết chính là Sacombank đã quay trở lại góp mặt trong top 10 ngân hàng báo lãi khủng 9 tháng năm nay, với lãi trước thuế đạt 2,491 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, cũng như đã thực hện được 94% kế hoạch cho cả năm. Kết quả ấn tượng này đã giúp Sacombank vượt mặt TPBank (TPB) và OCB.
Ngân hàng nào tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất?
Tính trên 27 ngân hàng đã công bố BCTC, trong 9 tháng đầu năm nay, 27 ngân hàng đã tạo ra 85,663 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 68,753 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 27% và 28% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Có đến 24/27 ngân hàng báo lãi trước thuế tăng trưởng trong 9 tháng. Trong đó, nhờ cắt giảm đến 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, PGBank là nhà băng đứng đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 70 tỷ đồng. Song, đã qua 9 tháng mà PGBank chỉ mới thực hiện được 33% kế hoạch năm. Kế đó là MSB có lợi nhuận đạt 1,064 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ.
Xét về con số tuyệt đối, có thể dễ dàng đoán được Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận tăng nhiều nhất với mức tăng là 5,929 tỷ đồng. Vị trí thứ hai thuộc về MBBank với mức tăng hơn 1,601 tỷ đồng nhờ các mảng kinh doanh tăng trưởng đáng kể. Trong đó, thu nhập lãi thuần của MBBank đạt hơn 13,111 tỷ đồng, tăng 26% và lãi thuần từ dịch vụ tăng 37% so với cùng kỳ, đạt gần 2,313 tỷ đồng.
Vietcombank, Sacombank và VIB là 3 ngân hàng có lãi tăng trên 50%. Trong đó, Sacombank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng cao nhất với 90%.
Trong khi hầu hết các nhà băng đều vui mừng với kết quả lợi nhuận khả quan hơn cùng kỳ năm trước, thì ở chiều ngược lại Viet Capital Bank, Eximbank (EIB) và BIDV (BID) lại ngậm ngùi với kết quả đi lùi. Đáng nói là dù đã giảm 24% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Viet Capital Bank vẫn phải chấp nhận lợi nhuận trước thuế tụt dốc 41%, còn hơn 84 tỷ đồng. Cùng với đó, tuy đã giảm 69% chi phí dự phòng, lợi nhuận của Eximbank vẫn sụt giảm 3%, còn 1,103 tỷ đồng.
Dự phòng giảm là bệ đỡ cho nhà băng tăng lợi nhuận?
Nguồn: VietstockFinance
|
Có 10/27 ngân hàng nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giúp tăng lợi nhuận. Trong đó phải kể đến ACB, Techcombank, PGBank, SGB, Vietbank (VBB), BAB, Viet A Bank…
Là nhà băng cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao nhất, ở mức 75%, qua đó ACB báo lãi trước thuế tăng 16%, hay như Techcombank cũng đã cắt giảm 66% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, đưa lợi nhuận tăng 14%.
Theo đó, việc mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng của ACB và Techcombank là do 2 nhà băng này đã tất toán hết nợ trái phiếu đặc biệt VAMC trong năm trước .
Bên cạnh đó, tuy tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, 12/28 ngân hàng vẫn có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với cùng kỳ. Đáng chú ý là Nam A Bank có lãi tăng 22% trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 4 lần cùng kỳ.
Ái Minh
FILI
|