Thứ Ba, 05/11/2019 13:39

Báo cáo HSBC Navigator: Công ty Việt Nam kỳ vọng tương lai kinh doanh tươi sáng

Phần lớn các công ty Việt Nam (97%) kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trưởng trong năm tới. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường trọng điểm đối với các công ty Việt Nam, đứng đầu là Trung Quốc (21%), Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (12%) và Thái Lan (9%).

Theo báo cáo mới nhất của HSBC, "HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp", các công ty Việt Nam đang kỳ vọng một tương lai kinh doanh tươi sáng khi được tiếp sức bởi một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và triển vọng quốc tế.

Cuộc khảo sát toàn cầu thường niên đối với các nhà quản lý tại 9,131 công ty tại 35 thị trường cho thấy gần như toàn bộ các công ty Việt Nam (97%) tin rằng doanh số bán sẽ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Con số này cao hơn trung bình toàn cầu và tại châu Á Thái Bình Dương (lần lượt là 79% và 77%). 39% các công ty tại Việt Nam được coi là các công ty kỳ vọng tăng trưởng cao với mức kỳ vọng tăng trưởng ít nhất là 15% trong năm tới, gần gấp đôi con số trung bình toàn cầu (22%). Quan điểm trong trung hạn tại Việt Nam thậm chí còn tươi sáng hơn với 100% các công ty kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trong vòng năm năm tới.

“Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế và các doanh nghiệp có lý do để lạc quan,” theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. “Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7.1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua, và động lực cho 2019 được duy trì khi tăng trưởng quý 3 vừa được công bố ở mức 7.31%. Thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ đang góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới.”

Đầu tư vào đổi mới và phát triển bền vững

Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty Việt Nam lạc quan khi nói tới những tác động của thương mại quốc tế. Trong năm năm tới, 98% doanh nghiệp khảo sát tin rằng thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo (so với trung bình 80% trên toàn cầu), trong khi 96% nói rằng thương mại quốc tế sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh mới (79% trên toàn cầu) và gia tăng hiệu quả (95% so với 78% trên toàn cầu).

Hơn một phần ba số doanh nghiệp khảo sát (32%) đang nghiên cứu việc áp dụng các công nghệ số để tăng cường chuỗi cung ứng, gia tăng tốc độ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường và tiến tới gần hơn với người tiêu dùng. Với việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tiếp tục là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào kỹ năng mới cho đội ngũ lao động.

Các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững đối với sự tồn tại lâu dài của công ty cũng như để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngày càng có nhiều công ty ở Việt Nam (28%) tin rằng kỳ vọng tăng trưởng doanh số bán của họ được dẫn dắt thông qua chiến lược phát triển bền vững, con số này cao hơn các doanh nghiệp khảo sát tại các thị trường khác.

Hợp tác toàn cầu đem lại những cơ hội mới

Trong vòng ba năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã ngày càng nhận thức hơn về các chính sách bảo hộ trên thế giới. Hơn bốn phần năm doanh nghiệp (87%) nghĩ rằng các chính phủ đang bảo hộ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp trong nước, so với mức 78% năm trước và 67% năm trước đó.

Tuy nhiên, cũng như nhiều công ty trên thế giới, 72% các doanh nghiệp Việt Nam thấy họ đang hưởng lợi nhiều hơn là mất từ chủ nghĩa bảo hộ, so với 57% trên toàn cầu và 56% tại châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ một trong mười doanh nghiệp thấy rằng họ đang mất nhiều hơn là hưởng lợi, ít hơn mức 16% trên toàn cầu và 17% tại châu Á - Thái Bình Dương.

“Các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ rằng thương mại quốc tế có thể đóng góp vào việc định hình tương lai của đất nước, đưa Việt Nam hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, trở nên tân tiến hơn về công nghệ và trở thành một nền kinh tế năng động hơn,” ông Evans nói.

Để đối phó với rủi ro địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ, các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội liên doanh và tiến hành kinh doanh qua mạng. Tìm kiếm nguồn cung trong nước và nắm bắt nguồn cung nguyên liệu thô và năng lượng cũng là những chiến lược để giảm thiểu rủi ro này.

Nguồn: HSBC

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương: Năm 2021, cả nước sẽ thiếu điện (05/11/2019)

>   Giá điện sinh hoạt bậc thang có thể rút xuống còn 5 bậc (05/11/2019)

>   Hà Nội ‘ưu ái’ nước sạch Sông Đuống, tỉ phú Thái Lan ‘trúng đậm’ (05/11/2019)

>   Tương lai bất định cho những 'tay chơi' trên thị trường gọi xe (05/11/2019)

>   Súc rửa bể xả thẳng ra suối Đồng Bãi, Công ty nước sạch Sông Đà lại bị 'tuýt còi' (05/11/2019)

>   Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (05/11/2019)

>   'Việt Nam nên sớm dừng đầu tư nhà máy điện than' (05/11/2019)

>   11 thủy điện từ Trung Quốc làm giảm 50% phù sa lưu vực sông Mekong (04/11/2019)

>   Tổng cục Hải quan gắn camera, giám sát 1,8 triệu tấn nhôm 4,3 tỉ USD (04/11/2019)

>   4 doanh nghiệp Việt sẽ xuất khẩu cá tra sang Mỹ với thuế suất 0 USD (04/11/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật