Việt Nam xứng đáng là một nền kinh tế “Goldilocks”
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF - quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cho rằng Việt Nam xứng đáng là một nền kinh tế Goldilocks trong quý 3, đặc trưng bởi sự tăng trưởng GDP nhờ các hộ gia đình tăng chi tiêu cùng với sự sụt giảm của lạm phát nhờ giá xăng dầu bán lẻ giảm 12% so cùng kỳ năm trước.
Một nền kinh tế Goldilocks là khi tăng trưởng không quá nóng dẫn đến lạm phát, cũng không quá lạnh đến mức tạo ra một cuộc suy thoái. Nguồn: Internet
|
Việt Nam là một nền kinh tế Goldilocks
Theo VOF, Việt Nam có thể được xem là một nền kinh tế Goldilocks trong quý 3, đặc trưng bởi sự tăng trưởng GDP (7.3%) nhờ các hộ gia đình tăng chi tiêu cùng với sự sụt giảm của lạm phát (còn 2%) nhờ giá xăng dầu bán lẻ giảm 12% so cùng kỳ năm trước.
Một nền kinh tế Goldilocks là khi tăng trưởng không quá nóng dẫn đến lạm phát, cũng không quá lạnh đến mức tạo ra một cuộc suy thoái; được dẫn từ một câu chuyện phổ biến “Goldilocks and the Three Bears”. |
Hơn nữa, VOF ước tính rằng mức chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng 9% suốt quý 3 một phần là nhờ hiệu ứng tăng giá bất động sản tại HCM và Hà Nội. Tóm lại, các cá nhân đã mua căn hộ và đất nền để đầu tư và các khoản đầu tư đó đã tăng 10% suốt 12 tháng qua.
Tiếp theo, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, mặc dù mức tăng trưởng sản lượng sản xuất giảm từ 12% trong 9 tháng 2018 xuống 11.4% vào 9 tháng năm 2019. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam về mức 50.5 trong tháng 9 nhưng vẫn ở mức tăng trưởng.
Điều đó nói lên rằng, triển vọng tăng trưởng liên tục trong sản xuất vẫn tích cực, một phần vì các khoản giải ngân FDI tăng 7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, đạt 14 tỷ USD. VOF ước tính hơn một nửa trong số đó sẽ chuyển sang lĩnh vực sản xuất.
Một rủi ro đối với triển vọng lạc quan đã nêu trên chính là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc - vốn dĩ đã ảnh hưởng Việt Nam ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, khách du lịch từ Trung Quốc từ tăng 49% năm 2017, xuống còn 30% trong 9 tháng đầu 2018 và chỉ còn 4% trong 9 tháng 2019. Điều này làm mức tăng trưởng trong ngành du lịch sụt giảm còn 11%.
Xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc giảm từ 27% trong 9 tháng 2018 xuống còn 4% trong 9 tháng 2019, dẫn đến xuất khẩu chung giảm còn 8% (từ 16% trong 9 tháng đầu 2018).
Cuối cùng, Việt Nam đạt thặng dư thương mại 7.2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, cao hơn con số 6.3 cùng kỳ năm trước. Với mức thặng dư thương mại 3% GDP, cộng hưởng cùng khoản dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hơn 10 tỷ USD dẫn đến VND tăng khoảng 0.3% từ đầu năm đến nay. Riêng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2019, tỷ giá USD/VND hầu như vẫn không thay đổi.
Đã đến lúc bán một số khoản đầu tư trong danh mục
Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu biến động ít trong tháng 9, chỉ số VN-Index tăng 1.3%, một thành tích đặc biệt nếu so sánh với các thị trường trong khu vực Asean (Philippines giảm 2.5%, Malaysia giảm 1.8%, Indonesia giảm 2.5%, Thái Lan giảm 1.1%).
Chứng khoán Việt Nam được cho là dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngân hàng khi phản ứng tích cực trước thông tin NHNN giảm lãi suất tái chiết khấu 0.25% và các cổ phiếu kín room đón nhận thông tin ra mắt các quỹ ETFs dựa trên các chỉ số mới (VN Diamond, VNFIN Lead, VNFIN Select). Thêm vào đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, một thành tích đáng nể khi kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều vấn đề bất ổn.
Theo báo cáo cập nhật tháng 9/2019 của VOF, NAV/ccq (giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ) của VOF chỉ tăng 0.2%.
Danh sách 10 khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất của VOF
Quỹ cho biết, trong những tháng gần đây, tận dụng đà tăng của thị trường, Quỹ đã thực hiện động thái bán bớt một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư vốn cổ phần (bao gồm cả thương vụ thoái vốn tại VJC trong tháng trước). Trước đây, hầu hết các khoản đầu tư trong danh mục của VOF là các khoản đầu tư vào công ty tư nhân. Và theo thời gian qua các giai đoạn IPO hay niêm yết, các khoản đầu tư này chuyển thành danh mục cổ phiếu niêm yết. Quỹ VOF cho rằng đã đến lúc bán một số cổ phần nhất định trong danh mục.
Trong khoảng 1 năm qua, Vinacapital đã đánh giá hơn 100 khoản đầu tư tư nhân (công ty chưa đại chúng) và lựa ra 6 công ty tiềm năng lớn nhất. Đến cuối tháng 9, Vinacapital cho biết sẽ đầu tư 21.4 triệu USD vào CTCP Công Nghiệp-Dịch vụ-Thương mại Ngọc Nghĩa. Trong đó, VinaCapital sẽ ”rót” 17 triệu USD thông qua VOF và nhận hai ghế trong HĐQT Ngọc Nghĩa.
Trừ khi phát sinh vấn đề không lường trước nào đó trong quá trình đàm phán, Quỹ kỳ vọng sẽ công bố nhiều thương vụ nữa trong thời gian sắp tới. Và khi đạt được thỏa thuận, tỷ trọng đầu tư vào những công ty tư nhân sẽ tăng lên, từ đó tạo ra sự ổn định khi mà thị trường chứng khoán tiếp tục có chút thất thường.
Phương Châu
FILI
|