Thay đổi nhận thức xã hội về chứng khoán
Mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hoạt động đã được 19 năm nhưng nhiều người dân vẫn còn xa lạ với việc đầu tư chứng khoán. Chứng khoán vẫn chưa phải là kênh đầu tư quen thuộc tại Việt Nam như bất động sản, tiết kiệm…
Thay đổi nhận thức của xã hội về chứng khoán sẽ thu hút thêm tiền cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc này chắc chắn không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.
Thành tựu
Sau 19 năm hoạt động, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của nhiều doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, cũng như kênh sinh lời tốt của giới đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thông qua TTCK tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn, giúp hình thành nên các doanh nghiệp lớn, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. TTCK cũng hỗ trợ đắc lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, nổi bật là tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống tài chính - ngân hàng. TTCK thúc đẩy cải cách DNNN thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước bằng các cơ chế đấu giá, gắn với niêm yết cổ phiếu trên thị trường; đồng thời thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp.
TTCK Việt Nam hiện có hơn 1,000 doanh nghiệp được giao dịch, với tổng giá trị vốn hóa hơn 4 triệu tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25/09/2019, quy mô TTCK đạt khoảng 81% GDP, tăng 13% so với cuối năm 2018, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch bình quân đạt 4,592 tỷ đồng/phiên - cao hơn đáng kể so với giai đoạn 5 năm đầu (2000-2005) với 55 tỷ đồng/phiên.
Cùng với sự phát triển của TTCK, số lượng công ty trung gian cũng tăng mạnh. Đến nay, Việt Nam có hơn 70 công ty chứng khoán và hàng chục công ty quản lý quỹ hoạt động.
TTCK đã thu hút đông đảo nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD), tính đến hết tháng 9/2019, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt hơn 2.3 triệu, bao gồm 32,098 tài khoản của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ... giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển nhiều DNNY thành các doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế và quảng bá hình ảnh kinh tế Việt Nam.
Đầu tư chứng khoán còn xa lạ
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 5/2019, Bộ Tài chính nhận định quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, việc triển khai hoạt động quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chứng khoán chưa hiệu quả, tiến trình cổ phần hóa DNNN chưa đạt kế hoạch.
Về phía người dân, hơn 2.3 triệu tài khoản trong tổng số hơn 96 triệu dân chỉ tương đương gần 2.4% dân số đầu tư chứng khoán. Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Đề án tái cấu trúc TTCK Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư lên 3% dân số, tương đương gần 3 triệu tài khoản đến năm 2020, và nâng lên 5% đến năm 2025. Mục tiêu này theo các thành viên trên thị trường là không khó, nhưng số lượng tài khoản tăng không quan trọng bằng số lượng thanh khoản tăng.
Thống kê của Vietstock cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, thanh khoản trên 3 sàn chứng khoán đạt trung bình 4,592 tỷ đồng/phiên - giảm hơn 35% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân thanh khoản giảm có ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô đến nhận thức của nhà đầu tư về chứng khoán.
Hai nhà đầu tư, từng làm công việc liên quan đến chứng khoán, nhận định: “Đầu tư chứng khoán chẳng lời được bao nhiêu. Đầu tư 10 triệu đồng, mỗi năm chỉ lãi 3-4 triệu đồng!”
Nhận định của hai nhà đầu tư trên cho thấy họ chưa thật sự hiểu về đầu tư chứng khoán, mặc dù làm những công việc có liên quan, chứ chưa nói đến những người không biết gì về chứng khoán. Bởi vì, chứng khoán không phải là kênh sinh lời nhanh, thêm nữa tỷ lệ sinh lời 30-40%/năm là khá cao, nếu muốn số lời tuyệt đối nhiều hơn thì vốn đầu tư phải nhiều hơn.
Thay đổi tư duy chứng khoán
Sáng ngày 12/02/2019, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân, Thủ tướng bày tỏ mong muốn TTCK gần với người dân hơn, nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán”, mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả. Để làm được điều này, người viết nghĩ rằng cần có những nơi đào tạo kiến thức, phương pháp đầu tư chứng khoán thực tiễn cho người dân.
Thủ tướng khẳng định phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa DNNN và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến một số hạn chế của TTCK Việt Nam để cùng tìm ra giải pháp phát triển thị trường như: Quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng còn chưa cao; nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán… Thủ tướng đề nghị nhìn thẳng vào các hạn chế yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và phải làm tốt hơn để TTCK sôi động, chất lượng, bền vững hơn.
Theo đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành, thành viên thị trường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chứng khoán và TTCK, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua; đưa ra giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN gắn với niêm yết giao dịch trên TTCK; triển khai giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Gia Nghi
FILI
|