Thứ Năm, 31/10/2019 09:15

Sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh Nhà hàng Món Huế?

Sau gần 10 ngày kể từ khi các nhà cung cấp tố chuỗi Nhà hàng Món Huế nợ tiền tỉ, Cục Thuế TP.HCM đã cưỡng chế tài khoản và cho biết sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh.

* Quỹ ngoại nói gì về nhà đầu tư bí ẩn muốn mua lại món Huế?

* 70 triệu USD rót vào Món Huế: Quỹ đầu tư thiên thần cũng “gãy cánh”

* Món Huế bị phong tỏa tài sản

* Nhà đầu tư chuỗi Món Huế bất ngờ khởi kiện nhà sáng lập Huy Nhật

Chuỗi Nhà hàng Món Huế đã đóng cửa. Ảnh: Ngọc Dương

Số liệu từ Cục Thuế TP.HCM cho thấy Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế có 43 chi nhánh trên cả nước, riêng tại TP.HCM là 35 chi nhánh. Công ty này còn nợ thuế khoảng 25 triệu đồng tại Chi cục Thuế Q.3 tính đến ngày 30.6.2019. Việc nộp thuế trước đó được đánh giá khá tốt, gần như không nợ thuế. Tuy nhiên thông tin ban đầu cho thấy không loại trừ khả năng trong quý 3/2019 có phát sinh nợ mới từ Chi cục Thuế Q.1.

Áp dụng biện pháp cưỡng chế

Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết sau khi có thông tin chuỗi Nhà hàng Món Huế đóng cửa, Chi cục Thuế Q.3 xuống xác minh địa điểm kinh doanh của văn phòng chính và phát hiện công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Vì vậy cơ quan thuế đã ra thông báo đơn vị không còn tồn tại tại địa chỉ kinh doanh, hóa đơn không còn giá trị sử dụng và ra quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng.

Việc thu hồi giấy phép kinh doanh không có nghĩa nợ thuế của doanh nghiệp được xóa. Khi người đại diện pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp xuất hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, cơ quan thuế sẽ thu số nợ thuế này

Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM

Nếu trong thời gian tới mà công ty không thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Theo giải thích của vị phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP.HCM, rất nhiều trường hợp khi cơ quan thuế yêu cầu thu hồi giấy phép, ngân hàng phát hiện doanh nghiệp (DN) vẫn có nguồn thu thì vẫn thực hiện cưỡng chế. “Việc thu hồi giấy phép kinh doanh không có nghĩa nợ thuế của DN được xóa. Khi người đại diện pháp luật, chủ sở hữu DN xuất hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, cơ quan thuế sẽ thu số nợ thuế này”, ông Minh nói.

Tuy luật cho phép nhưng nên cân nhắc khi áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh. Thay vào đó nên thực hiện mạnh hơn việc kiểm tra, phát hiện các tài sản của doanh nghiệp đang nằm ở nhiều nơi để kê biên, thanh lý và thu hồi nợ thuế sẽ nhanh hơn

Luật sư Trần Xoa

Trong quy định về các biện pháp cưỡng chế thuế, cưỡng chế tài khoản của DN tại ngân hàng là giải pháp thực hiện đầu tiên. Sau đó là cưỡng chế hóa đơn và cưỡng chế tài khoản bên thứ 3 (với điều kiện DN còn sổ sách kế toán cung cấp cho cơ quan thuế, cung cấp tài khoản của bên thứ 3). Nhưng trong trường hợp của chuỗi Nhà hàng Món Huế, theo ông Minh công ty đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không liên lạc được thì các bước cưỡng chế thuế bên thứ 3 không thực hiện được. Do vậy, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế tiếp theo, trong đó có biện pháp đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Không có tác dụng thu nợ thuế

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nếu DN bị rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc xóa bỏ tư cách pháp nhân. Như vậy công ty còn tài sản thì sẽ không thực hiện được các thủ tục khác theo quy định của luật Phá sản.

Chẳng hạn không thể phát mãi tài sản vì không thể làm thủ tục chuyển nhượng sở hữu cho đơn vị khác. Giải pháp này cũng không có tác dụng nhiều trong việc thu hồi nợ thuế của nhà nước.

Do đó theo ông Chí, các biện pháp cưỡng chế thuế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và cưỡng chế tài khoản ngân hàng là đủ. Nếu không được thì cơ quan thuế nên áp dụng giải pháp khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố DN phá sản và bắt đầu thực hiện thủ tục kê biên tài sản.

Sau đó xử lý các tài sản còn lại của DN và nợ thuế của nhà nước cũng sẽ được ưu tiên trả chỉ sau các khoản nợ có đảm bảo như nợ ngân hàng.

“Trong môi trường kinh doanh hiện nay khi VN muốn tiến lên theo thông lệ quốc tế thì các tranh chấp kinh tế nên sử dụng nhiều đến giải pháp tòa án. Trong đó bao gồm cả cơ quan thuế vì đây là đại diện chủ nợ nhà nước. Việc khởi kiện ra tòa vừa tuân thủ chuẩn mực văn minh như ở các nước phát triển vừa có thể giúp quá trình thu thuế có thể diễn ra nhanh hơn vì có cơ sở để xử lý các bước tiếp theo. Điều đó sẽ tốt hơn việc thu hồi giấy phép hoạt động của DN. Đó là chưa kể trường hợp chuỗi Nhà hàng Món Huế có số nợ thuế không quá lớn thì việc thu hồi giấy phép DN cũng không cần thiết”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Có quan điểm tương tự, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích theo quy định hiện hành, mỗi biện pháp cưỡng chế thuế đều phải được thực hiện theo trình tự. Để thực hiện giải pháp cuối cùng là rút giấy phép đăng ký kinh doanh đồng nghĩa món nợ đó đã chậm trả rất lâu.

Thực tế đến lúc đó DN cũng đã bỏ trốn, không tìm thấy người đại diện... nên cũng không còn tác dụng. Vì vậy đến luật Quản lý thuế sửa đổi và từ tháng 7.2020 mới có hiệu lực thì có cho phép cơ quan thuế được nhảy bước khi cưỡng chế thuế.

Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa cũng cho rằng khi thu hồi giấy phép đồng nghĩa khai tử DN. Khi DN không còn tồn tại thì cơ quan thuế cũng khó thi hành cưỡng chế thuế. Bên cạnh đó, DN không còn tư cách nào để thực hiện các nghĩa vụ với tòa nếu có những chủ nợ khác khởi kiện.

Trường hợp DN vẫn còn các tài sản ở nhiều nơi như đầu tư, góp vốn cổ phần ở các công ty khác thì cũng không thể xử lý được để trả nợ... Như vậy vô hình trung, việc thu hồi giấy phép kinh doanh của các công ty không có tác dụng để thu hồi nợ thuế, thậm chí còn làm khó khăn hơn cho hoạt động này.

“Tuy luật cho phép nhưng nên cân nhắc khi áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh. Thay vào đó nên thực hiện mạnh hơn việc kiểm tra, phát hiện các tài sản của DN đang nằm ở nhiều nơi để kê biên, thanh lý và thu hồi nợ thuế sẽ nhanh hơn”, luật sư Xoa bình luận.

Mai Phương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Viettel Global: LNTT 9 tháng đầu năm đạt 1,548 tỷ đồng, biên lãi gộp quý 3 lên gần 40% (31/10/2019)

>   Hàng Trung Quốc 'rửa' xuất xứ gia tăng (31/10/2019)

>   Phát triển hạ tầng, du lịch tăng tốc (30/10/2019)

>   Ngành mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn (30/10/2019)

>   Đường lậu 800.000 tấn, bắt giữ được hơn 3.000 tấn (30/10/2019)

>   Kho nhôm 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt đi Mỹ: Tuần tới, Hải quan thông tin chi tiết (30/10/2019)

>   31 triệu người Việt sống trong ngập lụt vào năm 2050? (30/10/2019)

>   Kiểm toán chuyển 2 hồ sơ có dấu hiệu hình sự cho cơ quan điều tra (30/10/2019)

>   Trung Quốc mở cửa cho 665 doanh nghiệp thủy sản Việt (30/10/2019)

>   Ngăn chặn giả mạo hàng Việt (30/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật