Sáp nhập 2 sàn để tránh "1 thuyền, nhiều người chèo"
Tại cuộc gặp gỡ với đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM vào chiều 10-10, một số ý kiến đã đề cập đến việc khả năng sáp nhập 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM về một đầu mối.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Hội đồng chuyên trách Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) tán đồng việc sáp nhập 2 sàn Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Hose vì nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng mô hình này, như sàn London, Mỹ, Nhật nhằm tạo ra cơ chế linh hoạt và tách biệt các hoạt động từ vận hành, giám sát nhằm tránh sự giậm chân lên nhau và tránh xung đột giám sát.
“Chẳng hạn tại Nhật, 2 sàn Tokyo và Osaka đã sáp nhập thành mô hình công ty mẹ con đã giúp tiết kiệm chi phí hơn 7 tỉ Yên và tăng doanh thu thêm 1,5 tỉ Yên vì do giảm chi phí vận hành, tăng hoạt động và sử dụng chung hệ thống công nghệ thông tin”, bà Hà nói.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay sau sáp nhập thì trung tâm chính sẽ đặt tại đâu TP.HCM hay Hà Nội, vẫn là ẩn số. Bà Việt Hà cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hose có sự tiên phong mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, chỉ tại Hose mới có các chứng quyền, chứng chỉ quỹ và trái phiếu doanh nghiệp chiếm áp đảo và có duy nhất trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hose về vốn doanh nghiệp, tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với HNX, dù số lượng doanh nghiệp 2 sàn tương đương nhau. Thậm chí giá trị vốn hóa trên Hose đã chiếm 95% thị trường. Và cũng là sàn tiên phong về khớp lệnh liên tục, là nơi đấu giá IPO thành công các doanh nghiệp lớn.
Ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành HĐQT cũng đồng tình là nên sáp nhập để có lợi hơn để tránh một thuyền, nhiều người chèo. Vì một người sẽ định hướng việc lái thuyền tốt hơn.
“Ai cũng biết TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp tỉ trọng lớn cho GDP cả nước, nơi có những điều kiện về mặt môi trường kinh doanh có thể nói là thông thoáng, cởi mở để các doanh nghiệp có thể phát triển. Chính vì vậy, với vị thế đó TP.HCM được chọn là nơi khai sinh thị trường chứng khoán từ năm 2000”, ông Trà nói.
Theo ông Nguyễn Kiên, hội đồng luật sư cao cấp của Quỹ Dragon Capital, là thành viên của thị trường chứng khoán thì không quan tâm việc đặt trụ sở chính sau sáp nhập ở đâu, mà quan trọng là tạo ra cấu trúc mạnh mẽ hơn để thị trường hoạt động hiệu quả hơn.
“Chúng tôi thấy mọi người vẫn đang quan tâm ai sẽ là người điều khiển trung tâm chứng khoán như là một người lái xe, thay vì quan tâm đến cấu trúc của chiếc xe. Hãy tạo ra một chiếc xe Việt mạnh mẽ không thua các nước khác thì lúc đó người lái nào cũng có khả năng đưa xe chạy như thế nào và chạy trên bất kỳ con đường nào”, vị đại diện Dragon Capital nói.
Theo ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM vấn đề đặt đặt trụ sở chính ở đâu sẽ được Thủ tướng quyết định và xem xét kỹ lưỡng, tất cả sẽ phải tính toán mọi yếu tố, lợi ích cũng như các ảnh hưởng trên thị trường.
Ông cũng cho rằng nên bỏ quy định doanh nghiệp không được chào bán dưới mệnh giá. Theo ông Trà, vấn đề chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đang gây ra bứt xúc trên thị trường. Về cơ bản, Việt Nam là nơi ít ỏi còn quan tâm đến cơ chế phát hành theo mệnh giá. Vì đã gọi là thị trường thì giá trị cổ phiếu luôn thay đổi cao hay thấp.
“Thông thường để thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường thì giá cổ phiếu càng hợp lý càng tốt. Nhưng thị trường Việt Nam bị vướng câu chuyện mệnh giá nên chỉ có thể làm bằng cách pha loãng bằng cách phát hành thêm hay cổ phiếu thưởng. Trong khi nước ngoài, họ cho tách hay gộp cổ phiếu để giải quyết vấn đề mệnh giá. Như giá cao quá thì được chia nhỏ ra, hay giá cổ phiếu thấp quá thì được quyền gộp lại”, ông Trà nói.
Đại diện Công ty chứng khoán SSI cho biết, gần đây nhu cầu chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá là có thực và cấp thiết, mà hiện giao dịch dưới mệnh giá trên thị trường không dưới con số trăm. “Chúng tôi thấy vấn đề mệnh giá để tính vốn điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp nên kết thúc sứ mệnh vì nếu bỏ mệnh giá sẽ giải quyết được rất nhiều chuyện như chào bán, góp vốn thực”.
Phương Minh
Pháp luật TPHCM