Thứ Hai, 07/10/2019 13:10

Rủi ro nào sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu gặp nguy?

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn (subprime) ở Mỹ buộc các ngân hàng trên thế giới ngừng cho vay lẫn nhau trong bối cảnh xuất hiện nỗi lo sợ ngày càng tăng về chất lượng “không mấy ai biết rõ” của bảng cân đối kế toán.

Chỉ trong vài tháng, sản lượng sản xuất và thương mại tụt dốc, qua đó đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh.

Mặc dù các ngân hàng trung ương và nhà làm luật đã cố gắng hết sức để “bôi trơn” bánh răng của thế giới tài chính, nhưng đà hồi phục vẫn còn quá mong manh và tốn kém. Triển vọng suy thoái trên toàn cầu dần hiện rõ khi Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và châu Á bắt đầu tiến chậm lại.

CNBC đưa ra một số tình huống có thể sớm tạo ra thêm căng thẳng về chính trị và tài chính.

Kinh tế Mỹ giảm tốc

Từ lâu đã từng tồn tại câu nói cho rằng “khi Mỹ hắt hơi thì thế giới cũng phải cảm lạnh”. Và khi tác động tích cực từ gói cắt giảm thuế khổng lồ trị giá 1.5 ngàn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu phai nhạt, những triệu chứng của căn bệnh “hắt hơi” dần dần hiện rõ ở nền kinh tế Mỹ.

Trong giai đoạn tháng 4-6/2019, đầu tư kinh doanh giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong tháng 9/2019, niềm tin tiêu dùng giảm mạnh nhất trong 9 tháng. Kỳ vọng từ người tiêu dùng đối với triển vọng ngắn hạn cũng giảm mạnh trong tháng trước.

Nối tiếp sau đó là một yếu tố khiến ai đó cũng bàng hoàng và lo lắng khôn nguôi. Một chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong 128 tháng. Con số này dường như đã châm ngòi cho đà giảm 800 điểm của chỉ số Dow Jones chỉ trong vòng 2 ngày. Lợi nhuận doanh nghiệp cũng tụt dốc. Thật vậy, tính trung bình, các công ty thuộc S&P 500 ghi nhận lợi nhuận suy giảm trong cả quý 1 lẫn quý 2/2019.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện dự báo tăng trưởng trong năm 2019 đạt 2.2% (xét bằng GDP Mỹ), thấp hơn mục tiêu 3% của chính quyền Trump.

Góp phần phản pháo lập luận trên là dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh hơn dự báo ở Mỹ, cũng như tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm và thu nhập khả dụng cao.

Để đạt được mục tiêu kinh tế tổng thể khi sắp bước vào năm bầu cử Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng sẽ hy vọng những nỗi lo sợ về tương lai sẽ bị lấn át bởi niềm khao khát chi tiêu khôn nguôi của người tiêu dùng Mỹ.

Núi nợ của Trung Quốc “phát nổ”

Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế nhờ động lực từ nợ và con số nợ đã lên đến mức ngất ngưởng. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở Washington ước tính, trong quý 1/2019, tổng lượng nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình và Chính phủ tại Trung Quốc đã chạm đến 303% GDP, đủ để khiến bất cứ ai cũng phải “há hốc mồm”.

Báo cáo từ IIF cho biết những nỗ lực kìm hãm nợ trong lĩnh vực phi tài chính của Bắc Kinh có lẽ đã thất bại khi những lĩnh vực khác lại gia tăng vay nợ. Và cũng bởi lẽ đó, tổng lượng nợ của Trung Quốc đã vượt ngưỡng 40 ngàn tỷ USD.

Hết lần này đến lần khác, Trung Quốc cho biết khoản vay nợ của họ đang nằm trong tầm kiểm soát, nhưng những đòn bẩy về chính sách lại bị cản trở bởi một rủi ro khác. Đó là việc kìm hãm nợ có thể dẫn tới kinh tế giảm tốc – vốn đã diễn ra từ trước.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s giữ bậc tín nhiệm nợ của Trung Quốc ở mức A1 trong tháng 7/2019, nhưng lên tiếng cảnh báo: “Những trường hợp căng thẳng tài chính đối với một số ngân hàng địa phương hoặc doanh nghiệp Nhà nước (SOE) có khả năng tiếp túc thử thách khả năng ngăn chặn sự lây lan của rủi ro từ chính quyền trung ương lẫn địa phương”.

Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu mỗi năm. Nếu như kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, điều đó sẽ lập tức gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những khu vực khác trên thế giới và nhà đầu tư sẽ gấp rút vào tư thế phòng thủ.

Hồi tháng 3/2019, Andy Rothman, Chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia, cho biết nợ của Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc khó mà xảy ra khả năng “hạ cánh cứng” hoặc khủng hoảng ngân hàng.

Rothman cho biết mặc dù vấn đề chính của Trung Quốc là nợ doanh nghiệp – vốn đã tăng dần dần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, phần lớn là do các doanh nghiệp Nhà nước vay nợ từ các ngân hàng Nhà nước.

Biểu tình ở Hồng Kông

Nỗi bất mãn từ người dân vẫn hiện rõ ở Hồng Kông trong hơn 4 tháng vừa qua và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mọi chuyện khởi đầu với mục tiêu phản đối dự luật dẫn độ đầy tranh cãi, nhưng sau đó lại chuyển sang yêu cầu rộng hơn từ người dân nơi đây: Họ muốn cải cách tài sản và lo sợ về sức ảnh hưởng ngày càng tăng từ Bắc Kinh.

Những cuộc biểu tình ồn ào và đầy bạo lực gây xôn xao cho những người quan sát bên ngoài và nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam khó lòng mà dập tắt nỗi giận dữ từ người dân.

Hồng Kông từ lâu đã là trung tâm then chốt cho hoạt động tài chính và thương mại. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính, Hồng Kông giám sát 437 tỷ USD về giao dịch ngoại hối trong năm 2016. Đây cũng là nguồn xuất khẩu to lớn – phân phối hàng hóa đến khắp nơi trên thế giới.

Trung tâm tài chính này cũng đóng vai trò là một cửa khẩu ra/vào nền kinh tế Trung Quốc, trong đó các ngân hàng Hồng Kông tuồn vốn từ các nhà đầu tư quốc tế vào Trung Quốc. Do đó, tình trạng bất ổn xã hội kéo dài có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới khi thương mại bị gián đoạn và đầu tư bị ngừng trệ.

Các công ty phương Tây có thể cũng suy xét lại về việc dựa vào nguồn lao động hoặc đầu tư vốn ở Hồng Kông, nhất là sau trường hợp đầy đau thương của Cathay Pacific. Dưới áp lực từ Bắc Kinh, Tổng Giám đốc của Cathay Pacific đã buộc phải từ chức sau khi Trung Quốc phát hiện ra những nhân viên, bao gồm cả phi công, tham gia vào các cuộc biểu tình.

Sự lây lan từ Argentina

Từ đầu năm 2019, nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius thông báo rằng công ty của ông đang né xa Argentina.

“Chất lượng cuộc sống suy giảm, trình độ giáo dục đi xuống và chúng tôi cũng không hài lòng với tình hình kinh tế vĩ mô ở đó. Có quá nhiều nỗi đau và người dân phải chịu đựng quá nhiều”.

Ông Mobius cho biết ông sẽ xem xét lại phương án đầu tư vào Argentina nếu Tổng thống Mauricio Macri có thể gia tăng quyền lực trong các cuộc bỏ phiếu tới. Cuộc bỏ phiếu chính đã diễn ra trong tháng 8/2019, trong đó ông Macri chịu thất bại nặng nề và nhà đầu tư cũng theo chân ông Mobius mà đi tìm lối thoát.

Thị trường chứng khoán Argentina tụt dốc hơn 30% trong những ngày sau bầu cử. Theo một thước đo, đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số chứng khoán ở bất kỳ quốc gia nào kể từ năm 1950. Ngay sau kết quả bầu cử đầy bất ngờ đó, đồng Peso mất 15% so với USD.

Vì thế, những khoản vay bằng đồng USD cũng trở nên đắt đỏ hơn. Argentina đang nợ 80 tỷ USD vốn sẽ đến hạn trong năm 2019 và 2020, qua đó làm dấy lên khả năng đất nước này có thể vỡ nợ lần thứ 3 trong chưa đầy 20 năm.

Argentina sắp áp các biện pháp kiểm soát tiền tệ cho đến hết năm 2019 để giảm bớt mất mát và mong chờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nới lỏng các điều khoản thanh toán nợ.

Andrea Iannelli, Giám đốc đầu tư tại Fidelity International, nói với CNBC trong tháng 8/2019 rằng ông dự báo “sẽ có một số tác động lan truyền đến các quốc gia khác”.

Quỹ Aberdeen Standard Investments cũng bi quan về Argentina và giảm bớt tỷ trọng đầu tư vào quốc gia này.

“Tôi nghĩ Argentina vẫn còn đối mặt với thách thức rất lớn và việc gia hạn nợ là không thể tránh khỏi”, Brett Diment, Trưởng bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi tại Aberdeen Standard Investments, cho hay.

Vương Đông (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Trước thềm đàm phán với Mỹ, Trung Quốc coi mình ở "cửa trên"? (07/10/2019)

>   Kinh tế Mỹ tiến gần đến bờ vực suy thoái (06/10/2019)

>   Trung Quốc phát triển "lợn khổng lồ" (06/10/2019)

>   Campuchia bật đèn xanh cho lao động nước ngoài làm việc tự do (06/10/2019)

>   Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra Boeing vi phạm luật chống độc quyền (05/10/2019)

>   Mỹ sẽ mất nhiều việc làm và giá cả tăng khi áp thuế với hàng hóa EU (04/10/2019)

>   Mỹ lạc quan về triển vọng chi tiêu trong mùa mua sắm cuối năm (04/10/2019)

>   Thêm một mặt hàng Trung Quốc trị giá hàng tỉ đô bị Mỹ đánh thuế bổ sung (04/10/2019)

>   Năng lượng tái tạo cung cấp gần 50% sản lượng điện toàn cầu vào 2050 (04/10/2019)

>   Ngành công nghiệp ôtô thế giới đứng trước nguy cơ mất 700 tỷ euro (03/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật