Phân lô bán nền đất nghĩa trang: Đơn vị quản lý hợp thức hóa ra sao?
Dù không có trong quy định, nhưng đơn vị quản lý nghĩa trang trên địa bàn TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã vẽ ra đủ các dịch vụ để thu tiền. Vậy đơn vị quản lý đã hợp thức hóa như thế nào?
Để làm rõ những khuất tất trong việc phân lô bán nền đất nghĩa trang tại TP.Hạ Long, PV Dân Việt đã liên hệ với Ban quản lý các dịch vụ công ích TP.Hạ Long. Ông Trần Doãn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý cho biết, việc quản lý nghĩa trang đúng là do Ban quản lý các dịch vụ công ích thành phố phụ trách. Tuy nhiên công việc này Ban đã chuyển giao cho Công ty CP Môi Trường Đô Thị Hạ Long Quảng Ninh thực hiện, muốn biết thông tin chi tiết đề nghị PV làm việc với công ty.
Người dân xây lăng mộ tại nghĩa trang Đèo Sen, phường Hà Khánh, TP.Hạ Long.
Thông tin với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Môi Trường Đô Thị Hạ Long Quảng Ninh cho biết, đơn vị được giao quản lý 3 nghĩa trang trên địa bàn TP.Hạ Long là: Hà Khẩu (phường Hà Khẩu), Đèo Sen (phường Cao Xanh), Gốc Khế (phường Hà Tu). Do việc quản lý các nghĩa trang công ty không được nhà nước chi trả nên phải tự thu tự chi.
Dù chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, nhưng Công ty CP Môi Trường Đô Thị Hạ Long Quảng Ninh vẫn áp dụng bảng giá mới.
Hiện các nghĩa trang chưa được bàn giao quy hoạch, mốc giới rõ ràng. Chỉ có nghĩa trang Hà Khẩu hiện nay là có bản đồ quy hoạch, tuy nhiên các mốc giới được giao từ năm 2004 được xác định trên hệ tọa độ giả lập. Việc chuyển mốc ranh giới quy hoạch trên hệ tọa độ giả lập (giả định) ra ngoài thực địa, UBND phường Hà Khẩu không xác định được. Do vậy, không xác định rõ được tên thực địa diện tích nằm trong quy hoạch và diện tích nằm ngoài quy hoạch. Sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh giao 129.969,9m2 đất vào năm 2010, công ty đã xây tường rào theo ranh giới được giao.
Theo bảng giá dịch vụ mới, hàng loạt dịch vụ nghĩa trang có giá cao gấp hàng chục lần so với bảng giá UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt trước đó.
Các dịch vụ chăm sóc, quản lý nghĩa trang là do công ty quản lý, còn các dịch vụ hung táng thì công ty thuê Công ty CP Dịch Vụ Mai Táng Hạ Long thực hiện. Ông Trung cũng khẳng định tất cả các dịch vụ mà công ty thực hiện đều được viết hóa đơn chứng từ đầy đủ để báo cáo thuế.
Một khu lăng mộ VIP được giới thiệu là của gia đình lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
“Mặc dù theo quy định không được phép bán đất để xây lăng mộ hoặc mua trước nhưng do phong tục tập quán nên công ty vẫn tạo điều kiện. Hiện nay, các nghĩa trang chưa có quy hoạch chi tiết, lại đang trong quá trình nhà nước thoái vốn nên việc quản lý nghĩa trang còn một số bất cập”, ông Trung nói.
Hiện công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ tang lễ từ năm 2011. Tuy nhiên, đến năm 2016 đơn vị đã điều chỉnh lại mức giá cho phù hợp nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện tại có 2 dịch vụ mộ vip có giá là 18,75 triệu đồng và 30,5 triệu đồng tùy gói, còn lại là dịch vụ hung táng có giá 12,8 triệu đồng/mộ và các dịch vụ kèm theo, gồm: đào đất, trông coi, chăm sóc. Bên cạnh đó còn hàng loạt các dịch vụ khác như: cải táng, bốc xếp hài cốt, trông coi 5 năm, thuê xe, thuê bạt, đốt vòng hoa… cũng có giá từ 1 đến 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo quyết định mức thu giá dịch vụ nghĩa trang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.Hạ Long do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011, chỉ có 4 dịch vụ là: Hung táng, cát táng, xây dựng mộ cải táng, công tác trông coi có giá chỉ bằng 1/10 so với mức giá công ty mới xây dựng.
Dù đã bị đình chỉ dịch vụ hung táng nhưng nghĩa trang Hà Khẩu vẫn thực hiện để thu tiền.
Theo nhiều người dân TP.Hạ Long, việc công ty vẽ ra hàng loạt các dịch vụ như: thuê xe, khiêng linh cữu, thuê ô dù, bốc xếp vận chuyển, xử lý vòng hoa đẩy giá dịch vụ nghĩa trang lên rất cao. Mỗi đám như thế có khi phải tốn kém từ 30 đến 50 triệu đồng, trong khi những việc đó bên ngoài có rất nhiều đơn vị cung cấp giá thấp hơn nhiều.
Phía ngoài tường rào nghĩa trang Hà Khẩu có nhiều lăng mộ mới xây kiên cố.
“Dịch vụ quy định đã cao như vậy nhưng vào việc thực tế thì họ sẽ tìm cách moi thêm tiền của người dân. Ví dụ như việc đào đất, họ bảo là nhiều đá phải chi thêm khoảng 1 triệu đồng, rồi mua cát đổ vào cho sạch lại thêm hơn 1 triệu đồng nữa. Nếu gia đình nào có ý kiến làm phật ý là họ không làm nữa, nên chẳng ai dám nói”, một tổ trưởng dân phố ở TP.Hạ Long cho biết.
Còn theo thông tin từ phòng kế toán, các dịch vụ mai táng không phải nộp thuế VAT, nên khách hàng nào có nhu cầu thì công ty sẽ xuất hóa đơn.
Đường đi vào bên trong khu nghĩa trang Gốc Khế, phường Hà Tu đã hư hỏng nhưng không được sửa chữa.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, các gia đình sau khi mua đất nghĩa trang làm lăng mộ chỉ có một giấy viết tay có dấu công ty, có hóa đơn nhưng chỉ là dịch vụ mai táng hoặc xây dựng mộ với số tiền vài triệu đồng. Tuy nhiên, hầu như các gia đình sau khi mua bán xong thì không có nhu cầu xuất hóa đơn. Như vậy số tiền bán đất để xây lăng mộ, dịch vụ mộ hung táng tạm… không được kê khai, báo cáo thuế hoặc báo cáo không đầy đủ.
Mỗi nghĩa trang Công ty CP Môi Trường Đô Thị Hạ Long Quảng Ninh quản lý có trên dưới 10.000 mộ, chưa kể hàng trăm lô đất đã san gạt để chờ làm lăng mộ. Nếu tính nhẩm qua cũng lên đến con số nhiều tỷ đồng tiền bán đất không được kê khai.
Dù ký hợp đồng mua đất nhưng hóa đơn lại ghi là quản lý, trông coi hoặc dịch vụ đầu tư xây dựng mộ.
Được biết, ông Phạm Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi Trường Đô Thị Hạ Long Quảng Ninh, người đại diện phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này vừa được bầu làm Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long trước khi doanh nghiệp này bị thoái hết phần vốn nhà nước.
PV
Dân Việt