Nữ doanh nhân gặp phải định kiến giới tính
Theo Báo cáo của Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam (HSBC), doanh nhân nữ gọi vốn ít hơn 5% so với doanh nhân nam, trong khi một trong ba doanh nhân nữ gặp phải định kiến về giới tính khi huy động vốn cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của HSBC được giới thiệu vào ngày 01/10/2019 cho biết hơn một phần ba (35%) nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới tính khi huy động vốn cho doanh nghiệp của mình.
Định kiến này được thể hiện một cách rõ ràng điển hình như trong quá trình đầu tư, các nữ doanh nhân thường ‘được’ đặt các câu hỏi về hoàn cảnh gia đình, uy tín của họ với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp hay làm sao phòng tránh thua lỗ…
Thông tin khảo sát toàn cầu được thực hiện với sự tham gia của hơn 1,200 doanh nhân ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và Hoa Kỳ, báo cáo Phụ nữ làm kinh doanh đã tìm thấy sự khác biệt lớn giữa các thị trường, trong đó các doanh nhân nữ ở Anh và Hoa Kỳ gặp mức độ định kiến về giới tính cao nhất (lần lượt là 54% và 46%), và những nữ doanh nhân ở Trung Hoa đại lục gặp phân biệt giới tính ít nhất, chỉ ở mức 17%.
Nghiên cứu cũng cho biết các doanh nhân nữ trên toàn cầu gọi vốn ít hơn 5% so với các doanh nhân nam. Ngoài ra, gần hai phần ba (61%) doanh nhân nữ phải dự thầu với toàn bộ hay đại bộ phận là các nhà đầu tư nam, trong khi chỉ 10% doanh nhân nữ phải dự thầu với tất cả hoặc đa phần là các nhà đầu tư nữ.
Tổng cộng có 58% nữ doanh nhân lo ngại về những định kiến khi huy động vốn. Mối quan tâm lớn thứ hai là chuẩn bị kế hoạch kinh doanh (58%) và thiếu sự hỗ trợ (41%). Các doanh nhân nữ Hồng Kông (68%) thường có khuynh hướng bị từ chối tài trợ vốn, kế tiếp là Singapore (59%), trong khi các nữ doanh nhân Hoa Kỳ (65%) và Pháp (62%) lại khá thành công trong vấn đề này.
Theo ông Tim Evans – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam: “Báo cáo này nhấn mạnh các tổ chức xã hội trên toàn cầu cần và phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các doanh nhân nữ phát triển mạnh mẽ; và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bằng cách hỗ trợ các doanh nhân nữ đạt được mục tiêu và chuyến biến ý tưởng của họ thành tham vọng kinh doanh, chúng ta có thể khám phá những lợi ích hữu hình cho nền kinh tế nói riêng và cho cả quốc gia nói chung.”
Phụ nữ Việt Nam trong các vị trí cao cấp
Một báo cáo khác của Grant Thornton có tiêu đề Phụ nữ trong Kinh doanh 2019 (Women in Business) cho biết phụ nữ hiện đang nắm giữ 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Tại ASEAN, khoảng 94% doanh nghiệp có ít nhất một phụ nữ làm quản lý cấp cao và tỷ lệ các vị trí cấp cao do phụ nữ nắm giữ là 28%.
Ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lý cấp cao, đứng thứ hai sau Philippines (37.5%) ở trong khu vực. Phụ nữ Việt Nam thường giữ bốn vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp bao gồm Giám đốc tài chính (36%); Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc điều hành (30%); Giám đốc nhân sự và Giám đốc tiếp thị (25%).
Báo cáo cũng cho biết những rào cản mà các nữ lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam phải đối mặt, bao gồm thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội làm việc phát triển (toàn cầu 27%; Việt Nam: 40%); tiếp cận các cơ hội kết nối (toàn cầu: 26%; Việt Nam: 35%); trách nhiệm chăm sóc khác ngoài công việc (toàn cầu: 25%; Việt Nam: 39%); tìm thời gian bên cạnh trách nhiệm công việc cơ bản (toàn cầu: 32%; Việt Nam: 35%). Đây là những thách thức mà các nữ doanh nhân cho biết đã cản trở họ đạt được các kỹ năng và thẩm quyền để thành công trong vai trò của mình.
Phụ nữ làm kinh doanh do cơ hội thúc đẩy
Theo Chỉ số Nữ doanh nhân của MasterCard (Mastercard Index Women Entrepreneurs 2018), nhu cầu sinh tồn thúc đẩy phụ nữ Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong các mô hình kinh doanh quy mô nhỏ, ít công nghệ. Nghiên cứu của MasterCard cũng cho biết phụ nữ ít có cơ hội vươn lên làm lãnh đạo doanh nghiệp khi trong bốn nhà lãnh đạo chỉ có một người là nữ.
Điều thú vị là các nữ doanh nhân Việt Nam có xu hướng do cơ hội ‘đưa đẩy’ (43.8%) hơn là sự cần thiết (56.3%) trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu và họ nhận thức khá cao về các khả năng cần thiết để thực hiện điều đó. Các doanh nhân nữ cũng nhận thực tốt về những rủi ro trong kinh doanh và có thể so sánh với nam giới.
Hàn Đông
FILI
|