Nợ xấu đã thực chất?
Điều quan trọng là liệu con số nợ xấu đã phản ánh thực chất hay vẫn còn lấp ló đâu đó những khoản nợ đã xấu, hoặc có khả năng trở thành nợ xấu, nhưng chưa được ghi nhận chính xác. Việc nhận diện nợ xấu đầy đủ là vô cùng quan trọng, vì như thế mới có quyết tâm, mục tiêu và giải pháp rõ ràng, phù hợp để xử lý
Hoang mang nợ xấu
Theo số liệu báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành xác định theo thông tư 02 là 1.98%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4.84%, giảm mạnh so với mức 7.36% năm 2017 và 5.85% năm 2018.
Kết quả đạt được này là nhờ vào tiến độ xử lý nợ xấu tiếp tục khả quan, cụ thể tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968.89 ngàn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629.2 ngàn tỷ đồng, chiếm 64.94% tổng nợ xấu xử lý, còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35.06%.
Đặc biệt, tốc độ xử lý nợ xấu từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã khả quan hơn, với con số xử lý lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019 đạt 236.8 ngàn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, tương đương 24% tổng số xử lý trong 7 năm qua.
Như vậy, với tỷ lệ 4.84% kể trên, quy mô nợ xấu còn lại cần xử lý đến cuối tháng 8/2019 chỉ vào khoảng 368.3 ngàn tỷ đồng. Nếu nhìn vào con số nợ xấu gần 970 ngàn tỷ đồng đã được xử lý trong 7 năm qua, thì rõ ràng số nợ xấu còn lại cần xử lý không phải là thách thức quá to lớn, nhất là khi tiềm lực tài chính của các ngân hàng thời gian qua đã được nâng lên đáng kể, nhờ vào việc tăng vốn tự có cũng như nguồn lợi nhuận giữ lại tích lũy khá lớn và quy mô lợi nhuận ngày càng lên cao, do đó nguồn lực để xử lý nợ xấu cũng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu con số nợ xấu kể trên đã phản ánh thực chất hay vẫn còn lấp ló đâu đó những khoản nợ đã xấu hoặc có khả năng trở thành nợ xấu, nhưng chưa được ghi nhận chính xác. Ngoài ra, những khoản nợ xấu phát sinh mới dường như đang nhanh hơn, thể hiện qua số liệu báo cáo tài chính của các TCTD thời gian qua, mà nếu không có giải pháp khả thi ngăn chặn thì áp lực nợ xấu vẫn sẽ chưa thể giải tỏa.
Việc nhận diện nợ xấu đầy đủ là vô cùng quan trọng, vì như thế mới có quyết tâm, mục tiêu và giải pháp rõ ràng, phù hợp để xử lý. Nói như vậy, bởi vì trong quá khứ đã từng có những lúc số liệu về nợ xấu vênh nhau khá lớn. Cụ thể cũng cách đây 7 năm theo báo cáo của các TCTD đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chỉ chiếm 4.47%. Tuy nhiên, theo số liệu NHNN đã mạnh dạn công bố tỷ lệ nợ xấu tới 8.82% vào năm 2012, vượt xa số liệu các NHTM công bố.
Trong khi đó, cũng vào năm 2012, theo số liệu của Fitch Ratings tỷ lệ nợ xấu Việt Nam lên đến 13% trên tổng dư nợ. Thậm chí, tới thời điểm tháng 5/2015, khi đánh giá lại toàn diện các nguồn nợ xấu, NHNN đưa ra một tỷ lệ nợ xấu gấp đôi tới 17.21% tại thời điểm 30/9/2012 tương đương 465.000 tỷ đồng cho vay không có khả năng thu hồi. Tỷ lệ này gần với các đánh giá của Fitch là 15% vào tháng 9/2012 và tỷ lệ tới 20% theo đánh giá của Barclay.
Nhận diện đầy đủ
Tại Việt Nam, việc xác định nợ xấu hiện nay theo quy định ngân hàng, trước hết phải thông qua việc phân loại nợ tại Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, phân thành 05 nhóm theo thứ tự gồm Nợ đủ tiêu chuẩn, Nợ cần chú ý, Nợ dưới tiêu chuẩn, Nợ nghi ngờ và Nợ có khả năng mất vốn. Trong đó, nợ xấu tính từ nhóm 3 đến nhóm 5 và tỷ lệ nợ xấu an toàn cho phép là dưới 3% như thông lệ quốc tế.
Kể từ sau khi VAMC ra đời, nợ xấu của hệ thống TCTD công bố thường phải bao gồm nợ ngoại bảng đã bán cho VAMC. Ngoài ra, nếu tính luôn nợ đã được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN có khả năng chuyển thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam luôn cao hơn con số tỷ lệ nợ xấu nội bảng công bố định kỳ trên trang web NHNN.
Cũng cần biết rằng đối với các TCTD yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu hoặc vẫn chưa chuyển đúng nhóm nợ hoặc được phép chuyển nhóm và thoái thu lãi, trích lập dự phòng dần trong khoảng thời gian 5-10 năm theo đề án tái cơ cấu. Điều này nhằm tránh việc một khoản vay của khách hàng nếu bị một ngân hàng chuyển nhóm trên CIC, thì các khoản vay còn lại đang ở những TCTD khác cũng bị chuyển lên nhóm cao nhất theo quy định, mà có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu toàn ngành lên cao hơn. Do đó, nếu tính đầy đủ luôn số nợ xấu này thì con số cũng có thể cao hơn.
Một vấn đề cũng cần phải lường trước, là các khoản vay có thể đánh giá bằng phương pháp định tính, để xác định nợ xấu liệu đã được ghi nhận hay chưa. Ngoài ra, nguy cơ nợ xấu mới đang tăng nhanh hơn, thể hiện qua số liệu hoạt động gần đây của các ngân hàng cũng gây không ít lo ngại. Lý giải về việc này, có ý kiến cho rằng năm nay cũng là thời hạn 5 năm mà những đợt trái phiếu đầu tiên do VAMC phát hành với số lượng lớn vào năm 2014 đến thời gian đáo hạn, theo đó nhiều nhà băng cũng bắt đầu mua lại những khoản nợ này, và đưa lại vào bảng cân đối của các ngân hàng nên đẩy nợ xấu tăng vọt.
Dù vậy, cần lưu ý rằng với quy mô tín dụng đã tăng mạnh trong 3 năm qua, nên dĩ nhiên số nợ xấu tuyệt đối mới phát sinh cũng theo đó tăng lên là tất yếu, nhất là khi thời gian qua các ngân hàng vẫn đẩy mạnh rót vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng, các dự án BOT, BT….
Cũng theo số liệu cập nhật mới nhất từ NHNN, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng, đến cuối tháng 8/2019 tăng 14.58% so với cuối năm 2018, chiếm 19.14% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 1.5 triệu tỷ đồng; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8.7%, chiếm 0.4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13.92%, chiếm 20.69%.
Như vậy, dù NHNN thời gian qua liên tiếp có những chính sách hạn chế dòng vốn tín dụng rót vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và cho vay tiêu dùng, thì thực tế là dư nợ ở những lĩnh vực trên vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên, trong đó tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản đang dẫn đầu đà tăng trưởng và cao hơn gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Trong trường hợp các kênh đầu tư này, vẫn ổn định thì không có vấn đề gì, nhưng nếu thị trường bị đóng băng, suy giảm trở lại thì rủi ro nợ xấu ngân hàng gia tăng là tất yếu.
Một ví dụ cụ thể là với lĩnh vực cho vay các dự án BOT, BT mà NHNN đã từng cảnh báo từ cách đây 2 năm, thì mới đây theo báo cáo Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội, người đứng đầu NHNN đã bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53,000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.
Tổng kiểm toán Nhà nước mới đây cũng công bố kế hoạch trong năm 2020 sẽ kiểm toán các ngân hàng lớn, để xác định thực trạng sở hữu chéo và nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Quá khứ cho thấy các đợt thanh tra toàn diện như trên đã hé lộ không ít nhà băng có nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với con số đã báo cáo.
Đối với các TCTD yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu hoặc vẫn chưa chuyển đúng nhóm nợ, hoặc được phép chuyển nhóm và thoái thu lãi, trích lập dự phòng dần trong khoảng thời gian 5-10 năm theo đề án tái cơ cấu. Điều này, nhằm tránh việc một khoản vay của khách hàng nếu bị một ngân hàng chuyển nhóm trên CIC, thì các khoản vay còn lại đang ở những TCTD khác, cũng bị chuyển lên nhóm cao nhất theo quy định, mà có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu toàn ngành lên cao hơn. |
Nhung Võ
FILI
|