Thứ Tư, 30/10/2019 06:21

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản: Gian nan khắc phục cảnh báo

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" thủy sản mà Ủy ban châu Âu áp đặt vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết

Trong suốt 2 năm qua, cả hệ thống chính trị đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện các khuyến nghị cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Kiểm soát đánh bắt

Ngày 23-10-2017, EC đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Suốt 2 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các bộ, ngành, địa phương, đã quyết liệt, nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo.

NỖ LỰC GỠ THẺ VÀNG THỦY SẢN: Gian nan khắc phục cảnh báo - Ảnh 1.
Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt cá ngừ từ ngư trường Trường Sa Ảnh: KỲ NAM

Trong đó, các ngành chức năng dồn lực tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC: Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý xây dựng hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); tăng cường công tác quản lý tàu cá; tăng cường các biện pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

NỖ LỰC GỠ THẺ VÀNG THỦY SẢN: Gian nan khắc phục cảnh báo - Ảnh 2.
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận từng bước được hiện đại hóa, trang bị hệ thống kiểm soát đánh bắt Ảnh: VIỆT KHÁNH

Tại cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đánh giá 2 năm triển khai việc khắc phục cảnh báo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết thực hiện theo các nhóm giải pháp trên, đến nay, ngoài thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, 28 tỉnh, thành ven biển cũng đã thành lập các văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Việt Nam cũng đã cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi để đáp ứng yêu cầu của EC là phát triển khai thác bền vững. Các địa phương đã và đang tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá nhằm quản lý tàu cá, hạn chế tối đa việc tàu cá vi phạm.

Bộ NN-PTNT đánh giá hệ thống giám sát tàu cá, chống khai thác IUU phát huy nhiều tác dụng. Thông qua hệ thống giám sát này đặt tại Tổng cục Thủy sản, ngành chức năng đã thực hiện giám sát được gần 32.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có 28.923 tàu thân dài từ 15 m trở lên và 2.618 tàu thân dài từ 24 m trở lên. Đặc biệt, từ tháng 9-2019, các địa phương ven biển, các cơ quan chức năng liên quan có thể truy cập hệ thống giám sát tàu cá để khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Về triển khai thực thi pháp luật chống khai thác IUU, chúng ta đã tăng cường các biện pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, ngoài việc kiểm soát chặt tàu cá ra, vào cảng, các lực lượng chấp pháp trên biển tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước tại khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Song song đó, áp dụng các biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

Còn nhiều bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được như nói trên, quá trình khắc phục cảnh báo của EC vẫn còn nhiều bất cập, bộc lộ những khó khăn, trở ngại mà Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết.

Tổng cục Thủy sản đánh giá những hạn chế trong quá trình thực hiện là khung pháp lý như Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ban hành chưa đáp ứng được tiến độ cam kết với EC. Đặc biệt, quy định mức xử phạt còn thấp, ảnh hưởng đến đánh giá của EC đối với các nỗ lực cấp trung ương trong quá trình giải quyết các khuyến nghị về chống khai thác IUU. Cho đến nay, sau hơn 4 tháng kể từ ngày Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực, các địa phương chưa xử phạt được trường hợp vi phạm hành vi nghiêm trọng (theo điều 20). Bên cạnh đó, một số địa phương còn chủ quan, chưa tập trung nguồn lực, chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Đáng quan ngại hơn cả là vẫn còn tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong 9 tháng đầu năm 2019, xảy ra 113 vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo ngại tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng", thậm chí nếu không có biện pháp giảm thiểu triệt để thì khả năng bị EC cảnh báo "thẻ đỏ" sẽ rất cao. Cần biết, việc kiểm soát, giảm thiểu tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài là một điều kiện tiên quyết cần phải giải quyết trong nhóm các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay EC đang phải chịu áp lực rất lớn trước cộng đồng quốc tế đối với việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài do các nước trong khu vực liên tục cung cấp.

Ngoài ra, ông Phùng Đức Tiến cũng cho rằng việc chậm chễ trong khâu phê duyệt cấp kinh phí thuê cơ sở hạ tầng giám sát nghề cá còn chậm dẫn đến việc triển khai lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đáp ứng được quy định tại điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

"Theo quy định, đến ngày 1-7-2019, 100% tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh nhưng mãi đến ngày 30-9, các địa phương mới lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.733/2.618 (66,19%) tàu cá loại này. Còn nhóm tàu cá từ 15 đến 24 m mới chỉ có 15,4% được lắp đặt. Tỉ lệ tàu cá bật thiết bị giám sát hành trình 24/7 khi hoạt động khai thác trên biển cũng chỉ đạt 32%. Việc cơ sở hạ tầng giám sát tàu cá triển khai chậm dẫn đến chưa đủ căn cứ để triển khai các quy định về xử phạt đối với các vi phạm về thiết bị giám sát hành trình" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn chỉ rõ. 

Kỳ tới: Doanh nghiệp Việt sẵn sàng đến đâu?

Truy xuất nguồn gốc còn khó khăn

Một trong những bất cập khác được Bộ NN-PTNT chỉ rõ là công tác truy xuất nguồn gốc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu. Đó là do nguồn lực cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại các địa phương còn hạn chế để có thể kiểm soát hiệu quả tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng cập bến, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm

Trước tình hình tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực chưa được khắc phục, một số nhiệm vụ, công việc đề ra chưa thực hiện đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đã đề ra. Theo đó, Bộ Quốc phòng tập trung triển khai các lực lượng, kiên quyết ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, bảo đảm việc chấp hành các quyết định xử phạt của người dân.

UBND các tỉnh, thành phố ven biển cùng với Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm.

Phó Thủ tướng còn giao Bộ NN-PTNT chủ động tổ chức các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương và có trách nhiệm báo cáo các trường hợp thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao làm chậm trễ, ảnh hưởng lớn đến công tác gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC, đề xuất hình thức xử lý thích hợp.

Văn Duẩn

Người lao động

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Asanzo: 'Bốn dấu hiệu vi phạm không đủ căn cứ buộc tội' (29/10/2019)

>   Việt Nam khó thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu (29/10/2019)

>   Doanh nghiệp Việt thâu tóm "ông lớn" ngoại (29/10/2019)

>   Nhà máy 7.000 tỷ: PVTex được “giải cứu” nhưng càng làm càng lỗ (29/10/2019)

>   10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9.5% (29/10/2019)

>   Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 cao kỷ lục (29/10/2019)

>   10 tháng đầu năm xuất siêu 7 tỷ USD (29/10/2019)

>   Hơn 12 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10 (29/10/2019)

>   Bị truy về vi phạm của Asanzo, đại diện VCCI nói gì? (29/10/2019)

>   Chặn kho nhôm khổng lồ 4,3 tỷ USD của Trung Quốc 'đội lốt' (29/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật