Tổng thống Donald Trump ngày 1/10 một lần nữa chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cho rằng Fed là "thủ phạm" gây ra sự suy giảm tệ hại nhất trong 10 năm của ngành sản xuất Mỹ.
Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nói Chủ tịch Fed Jerome Powell và Fed "đã để cho đồng USD trở nên quá mạnh, nhất là trong tương quan so sánh với tất cả các đồng tiền khác, đến nỗi các nhà sản xuất của Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực". Ông Trump cũng cho rằng Fed đặt lãi suất ở mức "quá cao".
"Họ chính là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, họ chẳng biết cái gì hết!", ông viết.
Trong lúc cuộc chiến thương mại mà ông Trump châm ngòi với Trung Quốc chưa có hồi kết, ông liên tục chỉ trích chính sách lãi suất của Fed, xem chính sách này là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ giảm tốc. Ông cho rằng Fed đã tăng lãi suất quá nhanh trong 2018 và không hạ lãi suất đủ mạnh trong 2019.
Sau khi nâng lãi suất 4 lần với tổng mức nâng 1 điểm phần trăm trong năm ngoái, Fed đã hạ lãi suất 2 lần với tổng mức giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Những lời phê phán mới nhất mà ông Trump nhằm vào Fed được đưa ra sau số liệu xấu về ngành sản xuất Mỹ.
Báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm về mức 47,8 điểm. Chỉ số này tiếp tục giảm sâu hơn sau khi đã sụt mạnh trong tháng 8, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo 50,1 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó. Mức điểm dưới 50 cho thấy sự suy giảm của hoạt động sản xuất.
Chỉ số Dollar Index, một thước đo tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng hơn 3% trong năm nay. Ngày 1/10, chỉ số này có thời điểm đạt gần 99,46, cao nhất trong hơn 2 năm.
Theo lý thuyết kinh tế, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của Mỹ, theo đó đặt ra tác động tiêu cực với các nhà sản xuất của Mỹ vì khiến hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn và khó cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.
Báo cáo của ISM cho rằng tỷ giá có thể là một nguyên nhân kéo tụt ngành sản xuất Mỹ trong tháng 9, nhưng thương chiến cũng là một lý do.
"Thương mại toàn cầu vẫn đang là vấn đề quan trọng nhất, thể hiện qua sự suy giảm của lượng đơn hàng xuất khẩu mới bắt đầu từ tháng 7/2019. Nhìn chung, tâm lý của các nhà sản xuất về tăng trưởng trước mắt vẫn đang rất thận trọng", chuyên gia Timothy Fiore của ISM nhận định.
Ông Trump, người sẽ ra tranh cử một nhiệm kỳ Tổng thống nữa vào năm 2020, luôn bác bỏ những đánh giá cho rằng kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái. Ông cũng luôn nói thương chiến Mỹ-Trung chẳng gây hại gì cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, trong khi giới phân tích nói xung đột này đã bắt đầu gây tổn thất cho các công ty Mỹ và khiến người dân nước này lo lắng.
Nếu thương chiến thực sự khiến kinh tế Mỹ giảm tốc, hoặc tệ hơn là suy thoái, thì ông Trump sẽ "mất điểm" khá nhiều trong mắt cử tri. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi ông thường xuyên đổ lỗi cho Fed những khi nền kinh tế có dấu hiệu xấu.