Ngân hàng “hối hả” tăng vốn những tháng cuối năm
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho một loạt các ngân hàng tăng vốn điều lệ. Việc thời hạn áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN sắp đến có thể được xem là động lực thúc đẩy cho việc tăng vốn ồ ạt của các nhà băng.
Ngày 11/10/2019, NHNN ban hành quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, vốn điều lệ của VIB được sửa đổi từ 7,835 tỷ đồng lên 9,245 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành gần 18% để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cùng ngày, Thống đốc NHNN cũng có quyết định sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Theo đó, vốn điều lệ của OCB được chấp thuận tăng từ 6,599 tỷ đồng lên 7,899 tỷ đồng. OCB tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%.
Trước đó không lâu, NHNN cũng chấp thuận việc NamABank thực hiện tăng vốn điều lệ từ hơn 3,353 tỷ đồng lên hơn 3,890 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, HĐQT NamABank đã xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lên 5,000 tỷ đồng, thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 16%, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động...
Ngày 10/10 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng thông báo hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 7,688 tỷ đồng lên 9,369 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của các ngân hàng tính đến 15/10/2019. Đvt: Tỷ đồng
|
Theo số liệu cập nhật được từ 29 ngân hàng, mặc dù thời gian gần đây không có động thái tăng, nhưng các ngân hàng gốc Nhà nước vẫn dẫn đầu về vốn điều lệ. Đứng đầu là VietinBank (CTG) với 37,234 tỷ đồng vốn điều lệ, sau đó là Vietcombank (VCB) suýt soát với 37,089 tỷ đồng. BIDV (BID) với 34,187 tỷ đồng cũng chỉ xếp sau Techcombank. Trong top đầu có sự xuất hiện của các ngân hàng cổ phần là Techcombank (TCB, 34,966 tỷ đồng) và VPBank (VPB, 25,300 tỷ đồng). Ở nhóm các ngân hàng TMCP mặc dù đang ráo riết tăng vốn, tuy nhiên, thứ tự giữa các nhà băng vẫn không có sự thay đổi nhiều.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được NHNN đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Việc làm thế nào tuân thủ quy định của Basel II mà vẫn đảm bảo an toàn vốn là một trong những câu hỏi khiến các nhà điều hành ngân hàng phải đau đầu giữa bối cảnh kinh tế phát triển, đi kèm theo nhiều hành lang pháp lý ngày càng siết chặt.
Từ đầu năm 2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN sẽ có hiệu lực thi hành, theo đó việc các ngân hàng rốt ráo tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo chuẩn Basel II cũng là điều dễ hiểu.
Nếu áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu 8%. Thay vì dùng công thức vốn tự có chia tổng tài sản “Có” rủi ro theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì nay phần mẫu số tính cả Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường...
Do đó, nếu ngân hàng không tăng được vốn thì sẽ tác động mạnh đến kế hoạch tăng trưởng của nhà băng, của nhóm cũng như của toàn ngành.
Cát Lam
FILI
|