Theo cập nhật mới nhất từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), lũy kế từ năm 2017 đến hết tháng 9/2019 cho thấy, SCIC đã bán vốn thành công tại tại 53 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 49 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 4 doanh nghiệp. Tổng giá trị thu được là 20.133 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.483 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.651 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần so với giá vốn (trong khi mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).
Kết quả của công tác thoái vốn này phản ánh nỗ lực vượt bậc của SCIC trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ giao với nguyên tắc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt được hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Nói về chiến lược thoái vốn của Tổng công ty, Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp chưa thoái được vốn mà nhu cầu đầu tư đang có, SCIC phải lên phương án cho từng trường hợp cụ thể, nhất là khi SCIC chưa thể bơm vốn vào lúc này.
"Có thể chúng tôi đầu tư thêm để thoái vốn hiệu quả hơn, hoặc phân tích dự án nếu thấy hiệu quả thì sẽ có thể đầu tư thêm. Không để doanh nghiệp đứt quãng chỉ vì việc thoái vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông Thành bày tỏ quan điểm.
Gỡ nhanh những nút thắt
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tăng số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công. Ngoài khó khăn về cơ chế và thị trường, trong danh mục của SCIC còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công.
Cũng như nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước, khó khăn trong hoạt động tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước tại SCIC đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan như: hành lang pháp lý, thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến các nguyên nhân chủ quan về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và bản thân doanh nghiệp. Trong đó không loại trừ một số trường hợp, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn hoặc chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC xuất phát từ ý thức chấp hành văn bản pháp luật của cơ quan, đơn vị có liên quan, cũng như mong muốn duy trì ảnh hưởng và mối quan hệ với doanh nghiệp.
"Pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh", đại diện SCIC cho biết.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch hóa thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành cũng khiến cho bán vốn khó khăn. Các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm và danh mục doanh nghiệp thoái vốn.
Do đó, trong không ít trường hợp phải thoái vốn tại những doanh nghiệp có hiệu quả cao để sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những doanh nghiệp /dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do doanh nghiệp đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm giữ lâu dài.
Đặc biệt, sự khác biệt giữa quy định hiện hành về bán vốn nhà nước và thông lệ quốc tế đã không tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn. Bởi để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch thì phương thức đấu giá công khai cổ phần nhà nước luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu cả đối với các doanh nghiệp niêm yết hoặc chưa niêm yết. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần như hiện nay, đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa quy định về bán vốn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra còn những khó khăn khác theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CPC ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Thông tư số 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, như: quy định tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để bán vốn; trách nhiệm pháp lý của tổ chức thẩm định giá; trình tự bán cổ phần ba bước gồm đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận…
Về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn, khó khăn còn phụ thuộc vào cơ cấu cổ đông, thực trạng doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước.
Hoặc doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; doanh nghiệp có nhiều mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp có vi phạm pháp luật và đang bị xử lý. Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư; Phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc; thời điểm bán vốn không phù hợp…
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn, một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 của Đảng.
Đối với SCIC, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được thể hiện thông qua việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước từ doanh nghiệp, sắp xếp-cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chủ trương này còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và SCIC cũng không phải là ngoại lệ.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh công tác bán vốn hiệu quả, SCIC đã chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền như: tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, gửi công văn báo các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… đề nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các quy định mới về cơ chế bán vốn tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP,Tổ chức hội thảo với các công ty chứng khoán, công ty thẩm định giá… để rà soát, thống nhất triển khai thực hiện Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
SCIC đã báo cáo Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về khó khăn trong công tác bán vốn, doanh nghiệp thuộc diện khó bán và đề xuất Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù (hạ giá khởi điểm) quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC đối với những doanh nghiệp đã triển khai bán vốn theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP nhưng không thành công.
Sau khi lấy ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, ngày 25/9/2019, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Công văn số 1431/UBQLV-TH báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù.