Giảm hoàn nhập chi phí dự phòng, PVD sụt giảm 76% lợi nhuận trong quý 3/2019
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần hơn 1,069 tỷ đồng và lãi ròng hơn 27 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 20% và 76% so cùng kỳ.
Kết thúc quý 3/2019, PVD có tổng doanh thu hơn 1,069 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng chiếm gần 135 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ khoan chiếm gần 502 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ giếng khoan và các dịch vụ khác gần 433 tỷ đồng.
Lý giải về việc doanh thu đi xuống so với cùng kỳ, phía PVD cho biết trong quý 3/2018, Công ty có doanh thu từ giàn thuê Hakuryu 5 cho Premier Oil, tuy nhiên cùng kỳ năm nay vẫn chưa ghi nhận phát sinh. Thứ hai, hiệu suất sử dụng giàn Jackup giảm nhẹ so cùng kỳ (91% so với 94%) do có thời gian di chuyển giàn khoan PV Drilling II và VI từ Việt Nam sang Malaysia và ngược lại.
Mặt khác, Công ty cho biết giàn khoan Landrig 11 không hoạt động trong quý 3/2019. Doanh thu hoạt động kỹ thuật, cung ứng khác cũng ghi nhận sụt giảm.
Khoản thu tài chính trong quý đạt gần 54 tỷ đồng, tăng gần 122% so cùng kỳ. Trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm hơn 29 tỷ đồng; lãi chênh lệch tỷ giá chiếm hơn 24 tỷ đồng.
Quý 3/2019, PVD đã bỏ ra 58 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp; trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận âm gần 20 tỷ đồng. Công ty ghi nhận giảm mức hoàn nhập chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi, cụ thể, quý 3/2019 thu hồi 50 tỷ đồng trong khi quý 3/2018 thu hồi 200 tỷ đồng.
Do đó, PVD ghi nhận lãi ròng hơn 27 tỷ đồng trong quý 3, giảm gần 76% so với quý 3/2018.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019 của PVD
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2019 của PVD
|
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PVD có doanh thu thuần gần 2,982 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Lãi ròng ghi nhận gần 49 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước Công ty lỗ ròng hơn 197 tỷ đồng. Năm 2019, PVD đặt kế hoạch doanh thu đạt 3,850 tỷ đồng và không thua lỗ kinh doanh.
Phía Công ty cho biết, kết quả kinh doanh lũy kế chuyển biến lớn so với cùng kỳ chủ yếu do tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan và đơn giá cho thuê giàn. Bên cạnh đó, cách tính khấu hao đã có sự thay đổi. Cụ thể, Công ty này đã áp dụng thời gian khấu hao lên 35 năm khi tính khấu hao giàn khoan cho một giờ hoạt động của PV Drilling II, PV Drilling III và PV PVD Drilling VI.
Mảng dịch vụ khoan hiện chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của PVD. PVD cho biết các giàn khoan tự nâng đã có hợp đồng làm việc ổn định đến cuối năm 2020, đầu 2021 với giá cho thuê có những chuyển biến hơn trước cùng với việc gia tăng thêm 2 giàn khoan thuê trong thời gian tới. Nhờ vậy, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tăng lên 88% trong 9 tháng đầu năm, con số này năm 2018 là 81.5%; hiệu suất vận hành giàn đạt 99.6%.
Giàn khoan biển tự nâng IDUN. Nguồn: PVD
|
Với khối lượng công việc hiện tại, PVD cho biết doanh thu mảng dịch vụ khoan dự báo sẽ tăng 15-20%, nên tỷ trọng đóng góp của dịch vụ khoan trong tổng doanh thu lên khoảng 60% trong thời gian tới.
Tính đến ngày 30/09/2019, giá trị tài sản cố định của PVD giảm gần 3% so với hồi đầu năm, về mức gần 14,066 tỷ đồng. Giá trị hao mòn lũy kế tài sản cố định hữu hình ghi nhận hơn 9,475 tỷ đồng, tăng 5%, chủ yếu là hao mòn máy móc thiết bị.
Duy Na
Fili
|