Thứ Hai, 14/10/2019 09:08

Doanh nghiệp đổ tiền làm mạng xã hội: Tìm cơ hội trong muôn trùng thách thức

Không tính mạng xã hội Mocha của Viettel ra đời hơn 4 năm về trước, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3 mạng xã hội Việt là Hahalolo, Gapo và Lotus chính thức ra mắt trong bối cảnh Facebook, YouTube, TikTok, Viber… đang chiếm lĩnh gần hết các phân khúc thị trường người dùng tại Việt Nam.

Trong khi mạng xã hội Gapo đã ra mắt cả hai phiên bản di động và máy tính thì Lotus mới chỉ sử dụng được phiên bản di động. Ảnh: PK

Đổ hàng nghìn tỉ đồng vào mạng xã hội Việt…

Sau khi Hahalolo ra mắt, tiếp đến mạng xã hội Việt Gapo chính thức ra đời cùng với thông tin công bố được quỹ G-Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính của G-Group) đầu tư 500 tỉ đồng và bên cạnh đó Gapo cũng có kế hoạch gọi thêm vốn vào các vòng tiếp theo. Song khoản đầu tư trên cũng mới chỉ bằng khoảng hơn 40% so với khoản vốn được công bố đầu tư vào mạng xã hội Lotus của VCCorp, với mức khoảng 1.200 tỉ đồng.

Mạng xã hội nói riêng và các nền tảng online hướng đến người dùng đầu cuối nói chung hiện nay để thu hút được người dùng thường phải tốn không ít chi phí. Theo một số doanh nghiệp vận hành các nền tảng trực tuyến (ngoại trừ mảng game online, nhạc, phim thuộc lĩnh vực giải trí), ví điện tử..., để thu hút mỗi một người dùng (user) thường chi phí marketing ban đầu tại thị trường Việt Nam phải tốn khoảng từ 7 - 10USD. Tuy nhiên, để người dùng ở lại với các ứng dụng trực tuyến hay mạng xã hội thì chi phí còn phải tốn kém hơn cho các khoản quà tặng, khuyến mãi, phát triển nội dung, thuê celeb (người nổi tiếng) quảng bá…

Năm 2012 khi ứng dụng OTT Zalo gọi điện và nhắn tin miễn phí trên nền Internet ra đời, để đấu với các ứng dụng cùng loại là LINE, KakaoTalk và thậm chí Viber, phía công ty phát triển là VNG đã phải đổ đến cả nghìn tỉ đồng trong vài năm. Việc “đốt tiền” đúng hướng khi ấy đã giúp Zalo “thắng” LINE, KakaoTalk và thậm chí cả Viber về lượng người dùng tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng đến thời điểm này, Zalo cho dù đã vượt mức 100 triệu người dùng trong và ngoài nước nhưng trên bình diện thương mại hóa thì vẫn chưa thể thu hồi được những khoản đầu tư khổng lồ ngày trước.

Phiên bản di động của mạng xã hội Gapo.
Một giao diện trang trên Lotus. Ảnh: PK

“Đốt tiền” tìm cơ hội nhưng cũng dễ rước lỗ vào thân

Nếu làm một cuộc khảo sát trên diện rộng thì có lẽ đa phần ý kiến sẽ cho rằng các mạng xã hội Việt như Hahalolo, Gapo, Lotus sẽ “không có cửa” qua được Facebook hay YouTube ngay tại thị trường Việt chứ chưa nói là đi được ra “biển lớn” quốc tế. Luồng ý kiến này thêm vững chắc vì có sự hỗ trợ từ thực tế là khoảng 9 năm về trước tại thị trường Việt Nam từng rộ lên một làn sóng doanh nghiệp lập mạng xã hội. Thế nhưng sau khi Facebook xâm nhập thị trường Việt Nam, các mạng xã hội của doanh nghiệp Việt cũng như nước ngoài dần dần mất hút trên thị trường. Đầu tư làm mạng xã hội tại Việt Nam dù bước vào làn sóng thứ hai nhưng cũng đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, hay nói chính xác đó là những khoản đầu tư rất mạo hiểm.

Nhưng cũng rất thực tế là nếu không đầu tư, không làm thì làm sao biết được có thể thành công hay có thể tìm ra được con đường thành công ít nhất là về lượng người dùng. Chắc chắn các doanh nghiệp phát triển Hahalolo, Gapo và Lotus đã phải tính đến những thách thức, rủi ro cũng như nhìn thấy cơ hội trong lối đi mà họ đã chọn và cũng đang phải mày mò tìm kiếm thêm.

Theo ông Vũ Thanh Long - Giám đốc ứng dụng eDoctor và cũng là một người từng có kinh nghiệm làm mạng xã hội - trong khoảng 10 năm trở lại đây trên cả bình diện thế giới chưa đối thủ nào đánh bại được Facebook. Việc thu hút người dùng đến và ở lại dài lâu với các mạng xã hội Việt theo ông Long chính là thách thức lớn nhất, tiếp theo mới là cách thương mại hóa sản phẩm trên thị trường.

Từ góc nhìn của cây bút chuyên viết về công nghệ, nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng, các mạng xã hội Việt nên đi vào thị trường ngách đáp ứng các nhu cầu người dùng mà những “ông lớn” toàn cầu như Facebook không thể đáp ứng được, từ đó có thể thu hút tập khách hàng của riêng mình và tập người dùng này có khả năng sẽ sử dụng song song hai tài khoản mạng xã hội khác nhau trở lên.

Theo VCCorp, khoản đầu tư 1.200 tỉ đồng có thể giúp duy trì hoạt động cho mạng xã hội Lotus từ 2 - 3 năm trong trường hợp chưa có doanh thu. Trường hợp nếu Lotus đạt lượng 3 - 4 triệu người sử dụng thường xuyên thì có thể đạt được điểm hòa vốn và sẽ có doanh thu trực tiếp để tái tục đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bài toán riêng tính theo năng lực thương mại hóa sản phẩm của từng doanh nghiệp vận hành mạng xã hội Việt chứ trên thực tế không phải mạng xã hội nào cứ đạt được vài triệu người dùng thường xuyên cũng đều đạt được điểm hòa vốn và có được nguồn thu hàng chục tỉ đồng mỗi tháng.

Cho đến thời điểm này, doanh thu của các mạng xã hội hàng đầu trên thế giới như Facebook, YouTube, Twitter… chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ truyền thông quảng cáo nhưng không phải mạng xã hội nào cũng thu được nhiều như Facebook và YouTube. Việc phát triển các phương thức kinh doanh, thương mại mới để tạo nguồn thu cũng là một thách thức không nhỏ khi các mạng xã hội Việt dần lớn mạnh bởi đây đang chính là một trong những “điểm nghẽn” lâu nay mà Zalo chưa thể cải thiện.

Trong sự kiện ra mắt, Gapo công bố sẽ chia sẻ doanh thu quảng cáo với người dùng và đây được cho là một nét mới trong chính sách của mạng xã hội Việt vừa ra đời.

Sinh sau đẻ muộn, yếu về cả tiềm lực tài chính cũng như năng lực công nghệ so với những “ông lớn” Facebook, Google, do đó các mạng xã hội Việt càng cần phải có những chính sách táo bạo hơn trong kinh doanh để thu hút người dùng cùng hợp lực ngõ hầu tạo ra sự bứt phá. Nếu không có những nét mới, khác biệt so với các “ông lớn” để thuyết phục được người dùng, mạng xã hội Việt sẽ chẳng thể nào lớn nổi cho dù có “đốt” bao nhiêu tiền đi nữa.

Thế Lâm

Lao Động

Các tin tức khác

>   Chính phủ thừa nhận cao ốc vẫn “mọc” trong nội đô và nền đất nhà máy di dời (14/10/2019)

>   Đường dây đánh bạc ngàn tỉ: Đề nghị xử lý trách nhiệm cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn (12/10/2019)

>   "Ma ngoại" lừa doanh nghiệp nội (12/10/2019)

>   Ồ ạt tăng đàn, người nuôi gia cầm lỗ nặng (12/10/2019)

>   Thủ tướng đề nghị Samsung chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp phụ trợ (11/10/2019)

>   Tốc độ giải ngân vốn đầu tư bắt đầu tăng từ 2020 (12/10/2019)

>   Cao ốc đua nhau thế chỗ nhà máy di dời (11/10/2019)

>   Cựu chủ tịch Vinashin bị đề nghị tăng án (11/10/2019)

>   Chưa có bằng chứng nông sản "Trung Quốc đội lốt Việt Nam" xuất sang Mỹ (11/10/2019)

>   Mỗi cuốc xe, Grab, GoViet, Be đang "đốt" 1-2,5 USD? (11/10/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật