Đến bao giờ Dự án đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh mới về đích?
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt Hà Nội-Quảng Ninh (Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân) gồm 4 dự án tiểu thành phần. Với nguồn vốn ngân sách đầu tư dự án hạn hẹp, do đó tuyến đường sắt này đang thi công dở dang đã phải dừng lại và bị bỏ quên qua nhiều năm nay, gây lãng phí.
Dự án đường sắt Hà Nội-Quảng Ninh không báo ngày về đích.
|
Năm 2005, Bộ Giao thông Vận tải khởi công tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân (Quảng Ninh) tốc độ 120km/giờ để thay thế cho tuyến đường sắt cũ lâu nay.
Thiết kế sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1.435mm và 1.000mm), ray hàn liền; có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại. Tàu khách có thể đạt tốc độ 120km/h và tàu hàng là 80km/giờ. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, năm 2011, dự án đang thi công dở dang đã phải dừng lại và chưa hẹn ngày về đích.
Trong quá trình thực hiện dự án, căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án đã bị tạm dừng dãn tiến độ và chỉ thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi vốn đã được bố trí (đến nay dự án mới hoàn thành Tiểu dự án Hạ Long-cảng Cái Lân và đưa vào sử dụng từ năm 2014).
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khaỉ rà soát, đánh giá tổng thể về dự án. Theo kết quả rà soát của tư vấn cho thấy, dự án có hiệu quả về kinh tế; nếu tiếp tục dừng dãn, dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh hiện có.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đang rà soát danh mục dự án (trong đó có dự án này) để xem xét, đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới khi cân đối được nguồn vốn.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành dự án theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Như vậy, khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án bảo quản số lượng vật tư, thiết bị đã mua sắm nhưng chưa được lắp đặt vào công trình, chờ dự án tái khởi động lại hoặc đưa vào sử dụng trong các dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp đường sắt nhằm sử dụng có hiệu quả các vật tư, thiết bị này.
Minh Hạnh
Lao Động
|