Cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường sẽ quay lại dẫn dắt FTM?
Dự kiến ngày 29/10, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HOSE: FTM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019. Được biết, nội dung của cuộc họp sẽ xoay quanh việc bầu bổ sung nhân sự, tái cấu trúc hoạt động của Công ty sau những chuỗi ngày “sóng gió” vừa qua.
Giữa lúc cổ phiếu FTM vẫn đang "đổ đèo không hồi kết", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Giang đã gửi đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và FTM đã ra quyết định chấp thuận việc miễn nhiệm của ông Giang kể từ ngày 16/09/2019.
Kể từ đó, “chiếc ghế nóng” này vẫn bị bỏ trống. Để đảm bảo cho việc bầu Chủ tịch mới đủ điều kiện điều hành các công việc, trong tài liệu Đại hội bất thường được công bố, HĐQT FTM sẽ thực hiện bầu bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 gồm ông Lê Mạnh Thường, ông Đỗ Văn Sinh và bà Đỗ Thị Bích Vân.
Đáng chú ý, trong danh sách đề cử là trường hợp của ông Lê Mạnh Thường, ông Thường được biết đến là “thuyền trưởng” của FTM khi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty trong giai đoạn 06/2016 - 04/2019. Tại FTM, ông Thường là cổ đông lớn khi nắm giữ 5.1 triệu cổ phiếu FTM, tương ứng với sở hữu 10.2% vốn Công ty.
Hiện tại, ông Thường đang là Phó Chủ tịch Long Hậu (HOSE: LHG), Phó Chủ tịch Chiếu sáng Công cộng TP HCM (UPCoM: CHS) và Chủ tịch Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD).
Cũng là nội dung trong cuộc họp sắp tới, FTM dự kiến đề xuất thay đổi và áp dụng mô hình quản trị một cấp, không có Ban kiểm soát. Theo FTM, mô hình quản trị một cấp đang được áp dụng thực tiễn tại nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Coteccons, REE, Novaland, Hoa Sen, Yeah1,… điều này chứng minh được tính hiệu quả và tính đúng đắn trong việc áp dụng mô hình quản trị một cấp.
Do vậy, FTM trình ĐHĐCĐ việc bỏ Ban kiểm soát và thay bằng Ban kiểm toán nội bộ có thành viên HĐQT độc lập chịu trách nhiệm. HĐQT còn xin ĐHĐCĐ phê chuẩn đề xuất thành lập các tiểu ban trực thuộc HĐQT để hỗ trợ hoạt động bao gồm Tiểu ban chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban kiểm toán và các tiểu ban khác nếu xét thấy cần thiết.
Nội dung cuối được đưa ra trong tài liệu liên quan đến chủ trương tái cơ cấu Công ty. FTM cho biết, trong thời gian qua thương chiến Mỹ - Trung đã ảnh hưởng bất lợi đến ngành sợi Việt Nam, trong đó có cả FTM do Trung Quốc là thị trường chủ lực của ngành sợi nên hoạt động sản xuất của Công ty bị ảnh hưởng rất lớn. Để đạt được sự đồng thuận trong công tác quản trị và điều hành giúp cho FTM phát triển ổn định thì HĐQT trình ĐHĐCĐ xem xét chủ trương tái cơ cấu Công ty và giao cho HĐQT xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp, cấu trúc.
Kết phiên giao dịch 18/10, cổ phiếu FTM có giá 3,620 đồng/cp, bốc hơi 85% thị giá trong 3 tháng qua.
Cp FTM "bốc hơi" 85% thị giá trong 3 tháng
|
Về “sóng gió” của FTM, kể từ phiên 14/08, với chuỗi giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM đánh mất hơn 88% thị giá sau đợt tăng điểm mạnh. Trước đó, tính tới 13/08, cổ phiếu này đạt mức tăng gần 60% so với thời điểm một năm trước. May thay, chuỗi giảm sàn liên tiếp 30 phiên của cổ phiếu FTM đã kết thúc trong phiên sáng 27/09.
Trước những biến động tiêu cực này, FTM đã nhanh chóng “trấn an” cổ đông và cho biết, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sản lượng tiêu thụ và giá bán sợi của FTM sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Điều này dẫn đến doanh thu của FTM sụt giảm mạnh. Trong khi đó, giá bông nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể dẫn đến Công ty ghi nhận lỗ hơn 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.
Với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM đã lo ngại và bán số lượng cổ phiếu lớn ra thị trường. Khó khăn chồng chất khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ cộng với giá trị cổ phiếu giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu cũng như các nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Công ty trên thị trường.
Đồng thời, Công ty khẳng định vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với 3 ca sản xuất liên tục.
|
Minh Nhật
FILI
|