Ba cách tư duy đối với công cụ Relative Strength
David Keller đã gợi ý cho các nhà đầu tư một số cách thức kinh điển để sử dụng công cụ kỹ thuật Relative Strength.
Chứng khoán cơ bản - Nền tảng tốt, đầu tư thành công
Phân tích kỹ thuật nâng cao - Học để trở thành người dẫn đầu
Giới thiệu về David Keller
David Keller, CMT là một trong những chuyên gia được kính trọng nhất trong giới phân tích tài chính quốc tế. Ông là cựu chủ tịch của Hiệp hội Phân tích kỹ thuật Hoa Kỳ (CMT Association).
David Keller từng đảm nhiệm các vị trí như Giám đốc Nghiên cứu của Fidelity Investment, chuyên gia phân tích kỹ thuật cao cấp cho Bloomberg… Hiện nay, ông đang là Giám đốc Chiến lược thị trường tại StockCharts.com. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch và Giám đốc chiến lược của Sierra Alpha Research LLC, một công ty chuyên về quản trị rủi ro đầu tư.
Nhà đầu tư có thể theo dõi thêm các bài viết của ông về tâm lý học và thị trường tài chính tại trang web MarketMisbehavior.com.
David Keller (ngồi bên phải) đối thoại cùng Brett Villaume tại Hội nghị thường niên của CMT Association. Nguồn: CMT Association
Chú thích: Brett Villaume, CMT, CAIA là phó chủ tịch của FIG Partners LLC và Opus Bank. Từ năm 2014 đến nay, ông cũng giữ vị trí phó chủ tịch của CMT Association.
Phân biệt giữa Relative Strength và Relative Strength Index
Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn nhầm tưởng hai chỉ số này là một. Đây là sai lầm hết sức tai hại. Relative Strength Index là một chỉ số dao động điển hình và thường được sử dụng để xác định các vùng quá mua/quá bán cũng như tìm tín hiệu phân kỳ (divergence). Tại các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…) thì công cụ này khá quen thuộc khi xuất hiện trong rất nhiều bài phân tích thị trường của các chuyên gia.
Chỉ báo Relative Strength so sánh sự thay đổi giá của một chứng khoán với sự thay đổi giá của một chứng khoán/chỉ số cơ sở (thường là chỉ số thị trường chung). Thông thường, Relative Strength được sử dụng để so sánh mức sinh lời của một cổ phiếu với chỉ số thị trường (DJIA, S&P 500, Nasdaq...)
Ngoài ra, Relative Strength cũng có thể được sử dụng để so sánh với chỉ số ngành. Điều này có thể xác định xem một cổ phiếu đang mạnh hay yếu hơn các cổ phiếu trong cùng ngành.
Chỉ số Relative Strength có tầm quan trọng to lớn đối với các tổ chức. Nó giúp họ tìm được các cổ phiếu tăng nhiều hơn khi thị trường tăng (bull market) và giảm ít hơn khi thị trường giảm (bear market).
Dùng chỉ số Relative Strength để chọn cổ phiếu
Các chỉ báo kỹ thuật thông thường như Moving Average, Stochastic Oscillator… chỉ cho bạn biết điểm vào và điểm ra. Relative Strength sẽ cho bạn biết nhiều hơn thế.
Hiểu một cách đơn giản, đường Relative Strength cho các tổ chức đầu tư biết cổ phiếu họ chọn xuất sắc/kém cỏi như thế nào.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, đường Relative Strength cho biết liệu họ có đang chọn đúng đồ thị cổ phiếu để quan sát hay không.
Đồ thị của Target Corp trên sàn NYSE. Nguồn: StockCharts.com
Nếu chỉ tập trung vào lợi nhuận tuyệt đối thì bạn có thể đưa ra những phân tích khá hoành tráng và có vẻ thuyết phục về việc có nên mua một cổ phiếu nào đó hay không. Tuy nhiên, nếu đường Relative Strength đi ngang sẽ đồng nghĩa với việc hiệu quả đầu tư của bạn chỉ ngang ngửa với các sản phẩm đầu tư thụ động. Ở một kịch bản tệ hại hơn, Relative Strength lao dốc thì bạn vẫn có thể kiếm lời nhưng sẽ kém hiệu quả hơn so với mặt bằng chung của toàn thị trường.
Nhìn chung, mục tiêu của nhà đầu tư là phải tăng cường nắm giữ những cổ phiếu vượt trội và giảm thiểu những cổ phiếu có mức sinh lời kém hơn thị trường.
Dùng chỉ số Relative Strength để chọn ngành
Chọn ngành cũng là một vấn đề hóc búa mà các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp cũng như các nhà đầu tư các nhân đều phải đối diện thường xuyên. Nếu bạn đầu tư vào các cổ phiếu trong một ngành yếu thì cho dù bạn có sở hữu các kỹ thuật mua bán, lướt sóng đỉnh cao thì hiệu quả sinh lời cũng sẽ không được tốt.
Bằng cách phân loại ngành hay lĩnh vực nào đang vượt trội/kém cỏi, bạn có thể rút ra những góc nhìn hợp lý về tổng quan thị trường. Nhóm ngành tấn công hay nhóm phòng thủ sẽ vượt trội hơn? Một ngành với mức sinh lời kém trong thời gian dài đã bắt đầu có chỉ số Relative Strength tích cực hơn hay chưa? Trả lời được những câu hỏi này có thể giúp bạn nhìn nhận một cách chi tiết và chân thực hơn về tình hình chung của thị trường.
Một trong những ví dụ yêu thích của tôi là nhóm cổ phiếu chất bán dẫn (đại diện là VanEck Vectors Semiconductor ETF). Khi so sánh với chỉ số S&P 500, nhóm này có xu hướng tăng mạnh hơn trong giai đoạn thị trường đi lên và giảm ít hơn trong giai đoạn thị trường giảm.
Đồ thị của VanEck Vectors Semiconductor ETF trên sàn ARCA. Nguồn: StockCharts.com
Sử dụng như một chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu mua bán
Cuối cùng, Relative Strength cũng được sử dụng như là một chỉ báo kỹ thuật. Tôi thường dùng loại tín hiệu này trong các bài đánh giá hàng tuần và hàng tháng của mình về các cổ phiếu trong rổ S&P 500.
Tôi thường lọc ra các cổ phiếu có tạo đỉnh mới cao hơn (new high) và sau đó tìm kiếm sự xác nhận trên Relative Strength. Đỉnh mới của giá sẽ được hỗ trợ bởi đỉnh mới của Relative Strength. Theo quan điểm của tôi, điều này ám chỉ rằng các định chế đang đứng đằng sau sự phục hồi của những cổ phiếu này và bơm tiền mạnh vào chúng.
Đồ thị của KLA Corporation trên sàn NASDAQ. Nguồn: StockCharts.com
Một người bạn thân của tôi rất thích so sánh quá trình thiết lập và quản trị danh mục đầu tư tài chính với việc huấn luyện, điều hành một đội bóng chày hay bóng đá trong lĩnh vực thể thao.
Hãy tưởng tượng rằng bạn đang sắp xếp đội hình cho trận đấu tối nay. Bạn có muốn bắt đầu với đội hình toàn những cầu thủ đang xuống sức hay bạn muốn bắt đầu với các cầu thủ tốt nhất với thể lực sung mãn nhằm giúp đội bóng có cơ hội chiến thắng cao nhất? Hãy trả lời câu hỏi này trước khi làm bất cứ điều gì khác!
David Keller, CMT - Giám đốc Chiến lược thị trường của StockCharts.com
FiLi
|