Xóa nợ thuế: Tính cho kỹ!
Xóa nợ thuế hoàn toàn phù hợp thực tiễn nhưng cần được thực thi công khai, minh bạch và công bằng.
Tại kỳ họp tháng 10-2019 sắp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và được thực hiện trong 3 năm.
Nhắm đến 7 đối tượng
Theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi, đối tượng được xóa nợ thuế là doanh nghiệp (DN) bị tuyên bố phá sản; cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự nhưng không còn tài sản để nộp; DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN và các khoản nợ đã quá 10 năm và không còn khả năng thu hồi; các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh không có khả năng nộp thuế.
Dự thảo Nghị quyết quy định xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày 1-7-2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực thi hành).
Cụ thể, dự thảo đề xuất xóa nợ thuế đối với 7 nhóm đối tượng không còn khả năng nộp thuế, bao gồm người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, DN tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…
Doanh nghiệp, cá nhân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
|
Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội chỉ ra nhiều lý do khiến nợ thuế không có khả năng thu ngày càng tăng, trong đó có nguyên nhân từ Luật Quản lý thuế quy định tiền phạt chậm nộp là 0,03%/ngày/số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế không còn khả năng nộp nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền lãi phạt đến cuối năm 2018 là 11.896 tỉ đồng song thực tế không có khả năng thu hồi. Đơn cử, 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; hơn 24.000 DN tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể; trên 731.696 người nộp thuế (trong đó 197.336 DN, 534.360 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc không còn hoạt động… Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế đến cuối tháng 8-2019 là hơn 82.700 tỉ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 39.000 tỉ đồng, chiếm 47,3% tổng số tiền nợ thuế.
Theo ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 chỉ cho phép khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với khoản nợ phát sinh sau thời điểm này. Vì thế, cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ thuế trước ngày 1-7-2020 đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp bởi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ không phản ánh tình hình tài chính thực chất vì ngoài số tiền nợ gốc, nợ thuế khó đòi chủ yếu là tiền phạt nộp chậm. Việc xóa nợ thuế là cần thiết cho việc bảo đảm cơ cấu ngân sách, góp phần lành mạnh, minh bạch tài chính.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), tin tưởng việc xóa nợ thuế sẽ minh bạch nguồn thu ngân sách. Khi DN chậm nộp thuế, số nợ tính từ giai đoạn chậm nộp cộng dồn với các khoản tiền lãi, tiền phạt tích lũy khiến số nợ ngày một lớn dần dẫn đến khoản phải thu của nhà nước tăng lên nhưng thực chất không thu được. "Nếu để nợ thuế khó đòi kéo dài năm này qua năm khác sẽ thành một con số treo, làm mất cân đối bảng kế toán ngân sách" - ông Toàn nói.
Tránh tình trạng lợi dụng
Vấn đề mà nhiều người quan tâm là làm thế nào để xóa nợ thuế đúng địa chỉ? Chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá nhà nước xem xét xóa nợ thuế là hoàn toàn phù hợp thực tiễn. Vấn đề quan trọng là quá trình thực thi xóa nợ phải bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. "Những trường hợp được đề nghị xóa nợ cần phải rà soát cẩn thận nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, tránh tình lợi dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước" - ông Long nói.
Dưới góc nhìn pháp luật, LS Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law, cho rằng xóa nợ thuế không còn khả năng thu là việc cần làm vì thực tế cơ quan thuế có dùng biện pháp nào chăng nữa cũng không thể đòi được, trừ khi có căn cứ để khởi tố hình sự về tội trốn thuế.
LS Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế TP HCM, cho hay việc xóa nợ thuế theo nghị quyết của Quốc hội hay Luật Quản lý Thuế đều phù hợp với thông lệ quốc tế bởi hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ chế xóa nợ cho những khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi. Theo đó, cơ quan thuế giảm được chi phí, vật lực, nhân lực tham gia theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng để thu, giải thoát nghĩa vụ pháp lý cho người nộp thuế trong các trường hợp họ không nộp được do bất khả kháng, đồng thời phù hợp với thực tế vì đây là các khoản nợ mà cơ quan thuế đã sử dụng các biện pháp thu hồi nhưng không thu được.
"Tuy vậy, để việc xử lý nợ thuế hiệu quả, cơ quan thuế cần tính kỹ và phân loại sắc thuế, nhất là việc xóa nợ thuế GTGT bởi đây là sắc thuế thu gián tiếp, người nộp thuế đã thu hộ ngân sách nhưng không nộp lại cho nhà nước, được xem là hành vi xâm phạm ngân sách. Đặc biệt, nhà nước cần lưu ý trường hợp nợ thuế từ các công ty bán hóa đơn hoặc các công ty sử dụng hóa đơn được mua bất hợp pháp để kê khai thuế GTGT và đã bỏ trốn… Mặt khác, để bảo đảm tính khách quan, việc kiểm tra số liệu xóa nợ nên được thực hiện bởi một cơ quan tư vấn thuế độc lập, các công ty kiểm toán. Danh sách xóa nợ cũng cần được công khai để các DN tham gia đóng góp, bảo đảm các dữ liệu thêm chính xác, không bị nhầm lẫn, sai sót" - ông Nghĩa kiến nghị.
Ông Phạm Hoàng Nam, chủ một DN tư vấn kế toán và dịch vụ thuế ở TP HCM, đề xuất đối tượng được xóa nợ thuế phải là những DN trên thực tế đã được xác định chính xác không còn hoạt động hoặc đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép kinh doanh nhằm tránh việc DN đang nợ thuế lại lập ra một DN khác để né nghĩa vụ thuế.
Thủ tướng quyết định xóa nợ từ 10 tỉ đồng trở lên
Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ thuế quy định DN còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt sẽ được cơ quan thuế phối hợp với các sở, ngành của các tỉnh, thành phố kiểm tra tình hình thực tế không còn khả năng nộp ngân sách (tài khoản ngân hàng; tài sản; công nợ; thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh...) để lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Về thẩm quyền xử lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ thuế đối với người nộp thuế nợ từ 10 tỉ đồng trở lên; bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ từ 5 tỉ đồng đến dưới 10 tỉ đồng; tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với người nộp thuế nợ dưới 5 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định xóa nợ thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh trên cơ sở đề nghị của cơ quan thuế sau khi phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, UBND cấp xã, phường và Hội đồng Tư vấn thuế xã, phường xác minh hộ, cá nhân đó đã chấm dứt hoạt động kinh doanh, đồng thời cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện thu hồi giấy phép hoạt động và cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.
|
TP HCM công khai danh sách 1.144 doanh nghiệp nợ thuế
Cục Thuế TP HCM vừa công khai danh sách 1.144 DN nợ thuế với tổng số tiền hơn 2.170 tỉ đồng. Theo đó, có 3 DN nợ trên 100 tỉ đồng, 30 DN nợ từ 10 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng. Nhóm DN nợ từ 30 tỉ đồng đến dưới 40 tỉ đồng gồm 5 DN, nợ từ 20 tỉ đồng đến dưới 30 tỉ đồng có 5 DN và 17 DN nợ từ 10 tỉ đồng đến dưới 20 tỉ đồng, 228 DN nợ từ 1 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng... Lũy kế 8 tháng năm 2019, Cục Thuế TP HCM đã thu được trên 5.260 tỉ đồng nợ thuế của năm 2018 chuyển sang, đạt tỉ lệ 59,1%. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 3.000 tỉ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.211 tỉ đồng.
Cơ quan này phấn đấu tổng nợ đến cuối tháng 9-2019 giảm xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước và thu tối thiểu được 97% các khoản tiền thuế nợ (có khả năng thu) của năm 2018 chuyển sang.
|
Thy Thơ
Người lao động