Vì sao thanh tra chuyển cơ quan điều tra một loạt vụ sai phạm tại IPC?
UBND TP.HCM đã đồng ý chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc liên quan dự án An Phú Tây, Long Thới, KCN Hiệp Phước 2 theo kiến nghị của Thanh tra TP.HCM, liên quan tới sai phạm đất đai của IPC.
Cơ quan thanh tra xác định IPC bán đất nền dự án khu định cư An Phú Tây “giá bèo”, có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Ảnh: Khả Hòa
|
Trong kết luận mới đây của Thanh tra TP.HCM, cơ quan này đã kiến nghị chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM 4 vụ việc sai phạm về đất đai tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
4 vụ việc gồm: chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây (xã An Phú Tây, H.Bình Chánh); thực hiện và chuyển nhượng đất tại dự án khu dân cư Long Thới (xã Long Thới, H.Nhà Bè); chuyển nhượng dự án KCN Hiệp Phước 2 (xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè); việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển KCN Sài Gòn - IDP thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn - ESL không tuân thủ quy định và các sai phạm sau cổ phần hóa tại Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn có liên quan IPC.
Ngày 15.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, UBND TP.HCM đã đồng ý chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc liên quan dự án An Phú Tây, Long Thới, KCN Hiệp Phước 2 theo kiến nghị của Thanh tra TP.HCM.
Bán đất “giá bèo”
Theo tìm hiểu của PV, dự án khu định cư An Phú Tây được triển khai trên quỹ đất rộng gần 47 ha; do vị trí nằm giáp ngay QL1, đường Nguyễn Văn Linh, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, gần Bến xe Miền Tây và chợ đầu mối Bình Điền..., nên được đánh giá khá thuận lợi. Năm 2001, dự án An Phú Tây được UBND TP.HCM giao cho Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) làm chủ đầu tư. Sau đó, HĐQT SADECO có nghị quyết về việc xây dựng dự án phục vụ bố trí tái định cư các dự án trong khu đô thị Nam TP.HCM.
Từ 2005 - 2008, IPC ký hợp đồng góp hơn 492 tỉ đồng vốn đầu tư vào dự án với SADECO (là công ty liên kết với IPC và IPC góp 28% vốn tính vào thời điểm cuối 2018; đã thanh toán hơn 473 tỉ đồng). Từ năm 2016, sau khi đầu tư hạ tầng, IPC ký 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu/m2, tổng diện tích chuyển nhượng hơn 24.000 m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng (4 hợp đồng năm 2016 do ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC ký; và 2 hợp đồng năm 2018 do ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC ký).
Sau khi vào cuộc, Thanh tra TP.HCM kết luận việc IPC chuyển nhượng số lượng lớn nền đất tại dự án An Phú Tây cho một số cá nhân thay vì tổ chức bán qua sàn giao dịch bất động sản, không tổ chức đấu giá, bán với giá chưa phù hợp là không cần thiết, vì thời điểm bán IPC chưa cần vốn. Việc chuyển nhượng nền đất không mang lại hiệu quả, bởi năm 2008 IPC góp vốn vào SADECO với giá 6,6 triệu đồng/m2, đến năm 2016 chuyển nhượng với giá 7 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT); giá bán so với giá mua tăng 6%, trong khi tính lãi suất ngân hàng trong 8 năm tăng khoảng 42% (tạm tính lãi suất ngân hàng 6%/năm).
Đáng chú ý, riêng 2 hợp đồng chuyển nhượng vào năm 2018, thời điểm này giá bất động sản chuyển biến tốt hơn 2016, nhưng IPC vẫn bán giá thấp hơn giá SADECO công bố vào năm 2016! Thời điểm diễn ra các phi vụ mua bán đất “giá bèo” này, ông Tề Trí Dũng còn giữ thêm chức Chủ tịch HĐQT SADECO. Thanh tra TP.HCM khẳng định việc chuyển nhượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước; bởi cũng thời điểm 2016, theo các hợp đồng chuyển nhượng tại dự án An Phú Tây do Chi cục Thuế H.Bình Chánh cung cấp, giá thị trường chuyển nhượng ghi trên hợp đồng từ khoảng hơn 15 đến hơn 16 triệu đồng/m2. Trách nhiệm chính trong phi vụ này thuộc về tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách, phòng kinh doanh IPC.
Chuyển nhượng dự án “khủng”
Đối với dự án khu dân cư Long Thới do chính IPC đầu tư, Thanh tra TP.HCM cũng xác định việc thực hiện, chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường, nguy cơ gây thiệt hại cho IPC và vốn nhà nước.
Cụ thể, theo Quyết định số 500 năm 1998 của Thủ tướng, IPC được giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư Long Thới phục vụ việc giải tỏa, di dời dân trong khu vực quy hoạch KCN Hiệp Phước, khẳng định là dự án tái định cư. Như vậy, IPC không được chuyển nhượng (kinh doanh có thu tiền) các nền đất trong dự án Long Thới cho các đối tượng khác không phù hợp với mục đích được giao đất. Tuy nhiên, sau đó IPC đã thực hiện chuyển nhượng 341 nền đất (giai đoạn 2000 - 2007) cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư từ KCN Hiệp Phước, vi phạm quy định luật Đất đai năm 2003 và 2013. Riêng về giá, lãnh đạo IPC tự quyết định, dẫn đến theo tính toán của cơ quan thanh tra, có nguy cơ gây thiệt hại hơn 43 tỉ đồng.
Không những thế, IPC chuyển nhượng 2 block chung cư dự án Long Thới không xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, giá chuyển nhượng do đơn vị tự tính (bằng giá trị thực tế đã bỏ ra). Theo thanh tra, việc làm này vi phạm quy định pháp luật.
Dự án KCN Hiệp Phước 2 tại xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè) được UBND TP.HCM giao cho IPC làm chủ đầu tư vào năm 2008, được giao hơn 513 ha đất. Sau đó, IPC chuyển nhượng dự án cho Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC; công ty liên kết IPC và IPC góp gần 41% vốn) với giá hơn 468 tỉ đồng.
Theo Thanh tra TP.HCM, việc chuyển nhượng dự án này thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường cho HIPC, không đấu giá để xác định giá thị trường. Việc xác định giá trị lợi thế thương mại khi chuyển nhượng dự án hơn 145 tỉ đồng (trong tổng 468 tỉ đồng) nhằm bảo đảm vốn điều lệ của IPC nắm giữ tại HIPC là không có cơ sở, không đảm bảo >quyền lợi chủ đầu tư (là IPC).
Xác định trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, Ban Giám đốc IPC thời kỳ liên quan, theo Thanh tra TP.HCM, cần làm rõ những sai phạm trong việc chuyển nhượng sai quy định để có cơ sở kết luận những thiệt hại. Bên cạnh đó, tại dự án này, việc phân bổ, tính toán giá vốn không sát thực tế và xây dựng giá cho thuê không phù hợp dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, gây thiệt hại cho công ty cũng như cổ đông nhà nước. (còn tiếp)
Với khoảng 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ, được giao nhiều dự án đầu tư với quỹ đất lớn, nhưng theo các kết luận của Thanh tra TP.HCM, IPC (100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM) gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, như xem thường pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, có dấu hiệu lợi ích nhóm; sai phạm trong những “phi vụ” ném tiền qua cửa sổ; lũng đoạn tài sản nhà nước thông qua việc chuyển nhượng dự án, "phù phép" tăng vốn điều lệ… Đáng chú ý, sai phạm “bùng nổ” trong giai đoạn 2015 - 2017 khi ông Tề Trí Dũng (38 tuổi) làm Tổng giám đốc IPC; được IPC cử làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty con, liên doanh, liên kết IPC.
Trong thời gian nắm quyền chi phối, ông Tề Trí Dũng đã có những phi vụ làm trái chủ trương của UBND TP.HCM, bằng nhiều “chiêu thức” khác nhau, “phù phép” nhằm giảm tỷ lệ sở hữu vốn, cho tư nhân vào “thao túng” tài sản nhà nước. Sự lũng đoạn này, bước đầu được xác định không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng giá trị vốn nhà nước trong định giá bán cổ phần trái quy định mà còn làm tụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Minh chứng là lợi nhuận thực hiện năm 2016 hơn 804 tỉ đồng, nhưng qua năm 2017 còn khoảng 650 tỉ đồng.
Giữa tháng 5.2019, Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc SADECO để điều tra về tội "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Hiện cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra vụ án sai phạm tại IPC và các công ty con, liên doanh, liên kết IPC
|
Nhật Mai
Thanh niên
|