Thứ Ba, 03/09/2019 10:05

Vì đâu lợi nhuận nhóm doanh nghiệp kinh doanh tân dược chưa “cất cánh”?

Quý 2/2019 ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ở nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dược phẩm. Tuy vậy, tăng trưởng lợi nhuận của các DN này vẫn chưa ghi nhận sự đồng điệu. Lợi nhuận một số DN kinh doanh đông dược được cải thiện, trong khi của nhóm kinh doanh tân dược vẫn chưa cất cánh.

Theo dữ liệu tài chính của Vietstock, 18 DN dược niêm yết đã tạo ra gần 9,132 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 12% so với quý 2/2018; lãi ròng tổng cộng hơn 529 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với kết quả cùng kỳ. Trong đó, có 16 DN báo lãi và 2 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2/2019.

Kinh doanh tân dược: Lợi nhuận chưa “cất cánh”

Có đến 11/15 DN kinh doanh tân dược tăng trưởng doanh thu trong quý 2/2019. Trong đó, không ít DN có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm so với cùng kỳ như VDP, IMP, PME, SPM và DBD.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tân dược trong quý 2/2019 (Đvt: Tỷ đồng)

 

Tăng mạnh nhất về doanh thu chính là Dược phẩm Trung ương Vidipha (HOSE: VDP) với mức tăng hơn 63%. Tuy nhiên, phía VDP cho biết giá vốn trong kỳ cũng ghi nhận tăng đến 78% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc chi phí bán hàng tăng gần 60% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 157% đã kéo lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này xuống mức gần 7 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa kết quả cùng kỳ.

Hay như trường hợp của Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP), Công ty này đạt doanh thu thuần quý 2/2019 ở mức gần 286 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn lại tăng tới hơn 21%, điều này khiến IMP ghi nhận lãi ròng gần 33 tỷ đồng trong quý 2/2019, chỉ tăng 5% so với quý 2 năm trước. Kết quả của DMC và PMC cũng trong tình trạng tương tự.

Xét về giá trị tuyệt đối, Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) là doanh nghiệp dược có doanh thu cao nhất trong quý 2/2019 với 4,552 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ. Thế nhưng, lãi ròng của Công ty này cũng đi lùi 5%, ghi nhận ở mức gần 8 tỷ đồng.

Trong số 8 doanh nghiệp kinh doanh tân dược ghi nhận lãi quý 2 tăng trưởng có sự góp mặt của ông lớn Dược Hậu Giang (HOSE: DHG). Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý 2/2019 của DHG chỉ tăng trưởng 2% cùng lãi thuần tăng trưởng 3%. Mức tăng trưởng 25% về lãi ròng của Công ty này so với cùng kỳ chủ yếu lại do khác biệt trong ghi nhận các khoản thuế thu nhập.

Có thể thấy, bức tranh chung của nhiều DN kinh doanh tân dược vẫn chưa khởi sắc so với cùng kỳ, thậm chí trường hợp của Dược phẩm Cửu Long (HOSE: DCL) còn thua lỗ.

Theo lý giải của CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) (trong báo cáo ngắn về ngành dược công bố ngày 03/06/2019), các DN dược trong nước vẫn phụ thuộc phần lớn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao góp phần giảm biên lãi gộp, đặc biệt đối với các DN sản xuất nhóm thuốc generic như DHG, DBD, DCL, DMC,… Mặt khác, các DN dược Việt Nam vẫn chưa thúc đẩy mạnh các sản phẩm mới, phân khúc chủ yếu vẫn là sản phẩm dược phẩm cho kênh OTC, do đó chi phí bán hàng tạo sức ép không nhỏ lên kết quả kinh doanh.

Cũng theo DAS, hiện nay, ngành công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu nước ta chưa phát triển mạnh, vì vậy khoảng 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc đến từ nhập khẩu. Theo đó, các khoản chi phí nhập khẩu, biến động tỷ giá hối đoái và giá cả sẽ khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các DN dược phẩm.

Nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm 2010 - 2017
Đvt: Triệu USD
Nguồn: Hải quan Việt Nam, DAS tổng hợp

Trước đó, hồi đầu năm 2019, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng có báo cáo về ngành dược với trọng tâm cho rằng các doanh nghiệp dược dựa vào nguồn API (active pharmaceutical ingredients) giá rẻ từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tác động suy giảm tỷ suất lợi nhuận gộp trong thời gian dài do nguồn từ Ấn Độ và các quốc gia khác có giá bán và cước phí vận chuyển không cạnh tranh bằng Trung Quốc. Nguyên liệu đầu vào từ châu Âu và châu Mỹ có thể sẽ đắt hơn do căng thẳng chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá hối đoái.

Do đó, đối với nhóm DN kinh doanh tân dược, việc gia tăng lợi nhuận đang còn gặp nhiều chướng ngại do còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Kinh doanh đông dược: Lợi nhuận gộp cải thiện

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đông dược trong quý 2/2019
Đvt: Tỷ đồng

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực sản phẩm đông dược như TRA, OPC và LDP thì sự ảnh hưởng của nguyên liệu nhập khẩu sẽ ít hơn do chủ động được nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước. Quý 2/2019, nhóm doanh nghiệp này tiếp tục ghi nhận sự cải thiện về biên lợi nhuận gộp.

Trong quý 2/2019, Traphaco (HOSE: TRA) đạt doanh thu gần 433 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ. Với biên lãi gộp tiến lên mức 58%, Công ty này lãi ròng hơn 25 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ.

Tình hình kinh doanh của CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) cũng khá suôn sẻ. Quý 2/2019, OPC ghi nhận doanh thu thuần gần 260 tỷ đồng, tăng gần 13% và lãi ròng gần 27 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp ghi nhận ở mức 43%, nhỉnh hơn con số 41% trong cùng kỳ năm trước.

Về phần Dược Lâm Đồng (HNX: LDP), doanh thu sụt giảm nhưng Công ty này vẫn ghi lợi nhuận gộp quý 2/2019 ở mức 17 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp trong kỳ ở mức gần 19%, tăng so với con số 17% trong cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tới gần 20 tỷ đồng khiến LDP tiếp tục báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp.

Biên lãi gộp của các doanh nghiệp đông dược niêm yết cải thiện qua 5 quý gần đây

Đa phần chưa đi được nửa chặng đường kế hoạch

Về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2019, đa phần các DN dược niêm yết chưa đạt được một nửa chặng đường lợi nhuận, trong đó 2 DN đang thua lỗ. Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3) là trường hợp duy nhất vượt kế hoạch kinh doanh năm 2019 sau 6 tháng. Theo đó, DP3 báo lãi trước thuế nửa đầu năm gần 72 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch cả năm 2019.

Tuy nhiên, so với thực hiện năm 2018, DP3 đặt kế hoạch năm nay khá thấp với 60 tỷ đồng.

Chỉ có 3 đơn vị thực hiện trên 50% chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2019 sau 6 tháng bao gồm DHT, OPC và VMD, trong đó OPC đặt kế hoạch đi lùi, còn DHT và VMD kế hoạch gần như đi ngang.

Tình hình thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của các doanh nghiệp dược phẩm
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance, (*): Xét theo LNST

Duy Na

Fili

Các tin tức khác

>   FLC: BCTC Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2019 (30/08/2019)

>   FLC: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2019 (30/08/2019)

>   HWS: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 (30/08/2019)

>   DTL: BCTC Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2019 (30/08/2019)

>   DTL: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2019 (30/08/2019)

>   NTF: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (30/08/2019)

>   Sau soát xét lãi ròng 6 tháng đầu năm của SFG “vơi” mất 7.4 tỷ đồng (30/08/2019)

>   CRC: BCTC Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2019 (30/08/2019)

>   DHC: Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (30/08/2019)

>   BRC: Nghị quyết HĐQT về kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 2 và kế hoạch SXKD 6 tháng cuối năm 2019 (30/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật