Trong cơn say trái phiếu
Trong cơn say sưa trái phiếu, nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng tích cực tư vấn, đầu tư và phân phối thông qua mạng lưới của mình, chấp nhận đánh đổi việc khách hàng rút tiền gửi tại ngân hàng để mua trái phiếu.
Say sưa với trái phiếu
Thống kê cho thấy năm 2018, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ hơn 224,430 tỷ đồng, còn lớn hơn số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thành công trong cùng năm, đưa tổng quy mô thị trường TPDN năm 2018 là 474,500 tỷ đồng, tương đương 8.6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 6.19% GDP của năm 2017.
Còn trong 8 tháng đầu năm nay, tổng lượng chào bán là 129,016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117,142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90.8%. Quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10.2% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển thị trường vốn của Chính phủ đến năm 2020.
Đạt được kết quả như trên là nhờ các doanh nghiệp thời gian qua phát hành trái phiếu nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân nhiều hơn, thay vì các tổ chức kinh tế, ngân hàng như trước đây. Với việc trái phiếu được tính vào dư nợ tín dụng, trong khi ngân hàng bị hạn chế về nguồn vốn cho vay trung dài hạn do tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn liên tiếp giảm xuống trong 3 năm trở lại đây, và sắp tới sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh giảm về chỉ còn 30%, thì các doanh nghiệp muốn huy động vốn trung dài hạn gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận vay vốn ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, khó khăn này càng tăng lên do các ngân hàng cũng buộc phải thắt chặt dòng vốn vào lĩnh vực này theo định hướng của NHNN, cũng như những rủi ro trong thị trường bất động sản đã ngày càng gia tăng. Vì vậy, giải pháp tìm kiếm vốn nơi các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ thông qua con đường phát hành trái phiếu được ưa thích hơn cả, nhất là khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.
Các NHTM đã vươn lên trở thành nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, với tổng giá trị phát hành là 56,060 tỷ đồng. Nguồn: Internet
|
Lựa chọn giữa đầu tư trái phiếu và tiền gửi ngân hàng
Một thuận lợi khác nữa là giờ đây các sản phẩm trái phiếu này được chính các công ty chứng khoán bảo lãnh phát hành và phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân qua mạng lưới giao dịch của ngân hàng mẹ, hoặc chính các ngân hàng cũng tích cực tham gia mua sỉ và bán lẻ lại cho các khách hàng tiền gửi của mình, cũng như lôi kéo các khách hàng đang gửi tiền tại các nhà băng khác tham gia đầu tư.
Rõ ràng khi không thể cung ứng vốn cho các doanh nghiệp như yêu cầu, ngân hàng cũng có động lực hỗ trợ các khách hàng của mình tìm kiếm nguồn tài trợ ở nơi khác và mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Ngoài ra, do phí tư vấn phát hành, bảo lãnh hoặc ăn chênh lệch lãi suất qua hình thức “mua sỉ bán lẻ” quá hấp dẫn, nên đã thu hút không ít công ty chứng khoán và ngân hàng tham gia chào mời, lôi kéo khách hàng, thậm chí sẵn sàng đánh đổi bằng việc chấp nhận khách hàng rút tiền gửi ở ngân hàng mình để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến tăng trưởng huy động vốn của nhiều nhà băng đã tăng trưởng chậm lại trong những tháng vừa qua.
Thậm chí nhiều ngân hàng đã giao KPI bán trái phiếu doanh nghiệp cho các nhân viên của mình, bên cạnh các chỉ tiêu như huy động vốn, cho vay, phát triển khách hàng hay bán bảo hiểm. Trớ trêu là để hoàn thành chỉ tiêu KPI đặt ra, không ít nhân viên đã vay tiền ngân hàng để ôm luôn lượng trái phiếu được giao bán và sau đó cầm cố lại cho chính ngân hàng, khiến dư nợ cho vay của các nhà băng phản ánh thiếu thực chất cũng như tích lũy những rủi ro tiềm ẩn.
Do phí tư vấn phát hành, bảo lãnh hoặc ăn chênh lệch lãi suất qua hình thức “mua sỉ bán lẻ” quá hấp dẫn, nên đã thu hút không ít công ty chứng khoán và ngân hàng tham gia chào mời, lôi kéo khách hàng, thậm chí sẵn sàng đánh đổi bằng việc chấp nhận khách hàng rút tiền gửi ở ngân hàng mình để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. |
Đứng về phía góc độ khách hàng, nếu như gửi tiết kiệm khi cần rút trước hạn sẽ bị áp lãi suất không kỳ hạn, thì đối với trái phiếu nhà đầu tư có thể bán lại trên thị trường khi cần tiền hoặc yêu cầu tổ chức phát hành mua lại trước thời hạn nếu như có quy định theo điều khoản cam kết. Do đặc tính tiện lợi này nên không ít khách hàng chấp nhận rút tiền gửi ngân hàng để tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua ồ ạt và rầm rộ đến nỗi mà NHNN mới đây đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, khi số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của các ngân hàng và tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát hoặc tập trung quá nhiều vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Ngân hàng ra tay
Trước thực trạng dòng vốn đang bị kênh trái phiếu doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt với lãi suất rất cao, phổ biến trên 10%, thậm chí lên đến 14%, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp bất động sản luôn có nhu cầu hút vốn bất tận, khiến huy động vốn của nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ ngày càng gặp nhiều khó khăn, số dư tiền gửi tăng trưởng không đáp ứng được nhu cầu phát triển cho vay như kỳ vọng.
Vì vậy, chính bản thân các ngân hàng cũng ra sức phát hành trái phiếu để tăng cường huy động vốn, cũng như để tăng cường nguồn vốn trung dài hạn đáp ứng các tiêu chí an toàn. Thống kê cho thấy các NHTM đã vươn lên trở thành nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, với tổng giá trị phát hành là 56,060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47.9%, cao hơn đáng kể so với nhóm xếp thứ 2 là bất động sản với tỷ trọng 31.5%, dù lãi suất trái phiếu do ngân hàng phát hành là thấp nhất và chủ yếu là lãi suất cố định.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây các ngân hàng còn tích cực phát hành các chứng chỉ tiền gửi (CCTG) để thu hút khách hàng gửi tiền trở lại. Như VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất lên đến 9.1%/ năm. Hay như ngân hàng Bản Việt đã phát hành CCTG cho cả khách hàng cá nhân lẫn tổ chức từ giữa tháng 8, với lãi suất cao nhất lên tới 10.2%/năm, đánh dấu mức cao nhất trên thị trường hiện nay. Cụ thể, CCTG kỳ hạn 24 tháng là 9.5%/năm, 36 tháng là 9.8%/năm, 48 tháng là 10%/năm và 60 tháng là 10.2%/năm.
Ngoài ra, kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng với lãi suất gần 9%/năm, như Việt Á, SHB, Sacombank, SeABank…Song song đó, các ngân hàng trong 2 tháng trở lại đây cũng liên tiếp điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi để cạnh tranh huy động vốn tốt hơn.
Phan Thụy
FILI
|