TP.HCM thêm 1 triệu người, lấy đâu ra chỗ ở?
Nhiều giải pháp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp đã được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo quốc tế về phát triển nhà ở, đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP. HCM) đưa vào sử dụng năm 2011 trên diện tích 30,9ha hiện còn nhiều căn hộ bỏ hoang - Ảnh: Q.ĐỊNH
|
Hội thảo do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17-9 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước.
Nhà giá rẻ không là tất cả
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay thống kê mới nhất dân số TP hiện khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại TP.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm TP gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người. Đây là áp lực lớn cho quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đạt 19,9m2. Tuy nhiên vẫn còn người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp đang sinh sống trong nhà chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Phần lớn những hộ này không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí đi thuê cũng khó. "Qua hội thảo, TP.HCM muốn tìm kiếm những giải pháp để xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người nhập cư" - ông Phong nói.
Đáp lại, GS Yap Kioe Sheng - Viện Công nghệ châu Á - cho rằng trong việc xây dựng nhà ở cho người mới đến lập nghiệp ở đô thị đa phần có thu nhập thấp, yếu tố giá nhà rẻ không phải quan trọng nhất.
Yếu tố quyết định là giải pháp tạo việc làm, thu nhập đi kèm nhà ở, đây mới làm nên thành công của dự án nhà ở thu nhập thấp.
Ông Yap Kioe Sheng dẫn chứng tại Thái Lan, từ năm 1980 chính phủ đã xây nhiều nhà và trợ giá cho người nghèo mua. Nhưng cũng giống tình trạng nhà tái định cư "vắng người" ở Việt Nam, sau một thời gian phần lớn căn hộ trợ giá được bán lại cho những người khá giả, do nơi ở không đảm bảo được nhu cầu sống và mưu sinh của dân nghèo.
Từ đó, ông đề xuất thay vì làm các dự án lớn, TP có thể xây nhà tại nhiều điểm nhỏ với các loại nhà đa dạng khác nhau. Trong đó có nhà bán, cho thuê. Đồng thời, có chính sách kết nối ngân hàng cho người dân vay mua nhà trả góp.
Cùng góc nhìn nhà cho người nghèo nhưng chất lượng không thấp, TS Bernadette Pinnel - tổng giám đốc Compass Housing New Zealand - cho rằng việc tăng số lượng nhà cho người nghèo là không đủ.
Dự án nhà ở, kể cả cho người nghèo đều phải cân nhắc những giá trị kết nối cộng đồng và có hạ tầng trường học, bệnh viện, chợ... đi kèm, nhờ vậy mới tạo nên khu dân cư bền vững, lâu dài.
Do đó, theo bà, chính quyền TP.HCM phải tìm kiếm những đối tác từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân hỗ trợ TP trong phát triển nhà ở cho người nghèo ở các khía cạnh khác nhau như: xây dựng, vốn vay, việc làm... cho người dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với các đại biểu dự hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển nhà đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm, giai đoạn 2021-2035” - Ảnh: T.TRUNG
|
Mua nhà ở xã hội, tất cả phải xếp hàng
Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây nhà ở thu nhập thấp cần tính đến lộ trình "thoát nghèo" của người dân.
Ông David Koh - chủ tịch Hội đồng trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam - chia sẻ: Chính phủ Singapore xây dựng nhiều loại nhà với diện tích và giá thành bán, cho thuê khác nhau. Một gia đình trẻ lúc đầu có thể thuê căn hộ nhỏ, sau thời gian đi làm tích góp sẽ thuê hoặc mua căn hộ. Dần dà như vậy, các hộ dân sẽ thay đổi căn hộ họ sinh sống.
Cũng theo ông David Koh, một điều quan trọng khi làm dự án nhà ở xã hội là điều hành minh bạch. Tất cả thông tin người mua nhà ở xã hội của Singapore đều được công khai. "Không ai, kể cả người có chức quyền có quyền can thiệp việc xây dựng, mua bán nhà ở xã hội. Mọi người đều phải xếp hàng chờ, đủ tiêu chuẩn mới được mua" - ông David Koh chia sẻ.
Ông Ben Wong - giám đốc quan hệ quốc tế và các bên liên quan Compass Housing Services - cho rằng TP cần kêu gọi các tổ chức phi lợi nhuận, tư nhân để phát triển nhà ở xã hội. Để "hấp dẫn" doanh nghiệp, Nhà nước cần có các ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất cũng như hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục hành chính để chi phí xây dựng nhà ở thấp hơn.
Trong khi đó, ông NOH Tae Keuk - quản lý cấp cao Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc - khuyến nghị TP.HCM nên tính đến xu hướng làm nhà chung cư, vì làm nhà ở riêng lẻ không đủ nguồn cung cho người dân.
Mặt khác, TP nên kiến nghị xây dựng khung pháp lý để Nhà nước có thể ưu tiên mua đất của người dân để làm dự án. Từ lợi nhuận thu được, TP sẽ tiếp tục làm nhiều dự án khác. Bên cạnh đó, chính quyền cần đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở.
Đồ họa: T.ĐẠT
|
Ông Lê Hữu Nghĩa (giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành):
Rút ngắn thủ tục cho dự án nhà ở xã hội
Hiện nay, thủ tục phê duyệt một dự án nhà ở xã hội không khác gì so với dự án thương mại bình thường khác.
Thủ tục phải thực hiện trong 3 năm mới xong, thậm chí còn vướng những quy định rất khó gỡ. Tôi đề nghị rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư dự án trong vòng 1 năm. Cần có một tổ liên ngành để xem xét tất cả các thủ tục trên một hồ sơ do doanh nghiệp nộp.
Khi phát văn bản hỏi ý kiến của cơ quan khác mà trong vòng 10 ngày, cơ quan được hỏi không trả lời thì cơ quan có văn bản hỏi xem như bên kia đã đồng ý và xử lý thủ tục cho doanh nghiệp.
Quy định dự án nhà ở xã hội được tăng 50% mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất. Tuy nhiên, quy hoạch về dân số của khu vực có dự án thì không cho tăng dân số nên số lượng căn hộ được tăng thêm nhờ tăng hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng không thể phê duyệt được.
Hoặc quy định buộc doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải đóng tiền hỗ trợ để phát triển hạ tầng xã hội. Việc này không nên vì sẽ làm tăng giá nhà ở, không có lợi cho người thu nhập thấp.
Hay quy định dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm các thủ tục tính tiền sử dụng đất xong rồi mới cho miễn. Vì vậy, quyết định giao đất cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội ghi rõ miễn tiền sử dụng đất để doanh nghiệp không phải làm thủ tục này nữa.
Ông Nguyễn Quang (giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc):
Nhà ở đừng quá xa nơi sinh kế
Người dân phải là trung tâm trong chương trình nhà ở. Trong đó, người dân có quyền hưởng dụng, chương trình nhà ở phải hướng đến sinh kế của người dân và sản phẩm nhà ở phải có giá thành hợp lý để người dân có khả năng chi trả; phải có đầy đủ các điều kiện về hạ tầng, văn hóa...
Một thực tế cho thấy nhà ở xã hội tại TP.HCM xây dựng ở những khu ven đô nên người nghèo ở vùng ven phải đi làm xa. Nhà nước có trách nhiệm giảm khoảng cách này bằng việc phát triển giao thông hay tạo công ăn việc làm tại chỗ...
Bên cạnh đó, Nhà nước phải xây dựng những quỹ đầu tư, những gói vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi cho người dân.
Vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, cũng rất quan trọng trong việc phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Chính quyền chỉ tạo cơ chế, khuyến khích áp dụng khoa học và công nghệ, phát huy những tư duy mới để phát triển nhiều mô hình nhà ở giá rẻ.
Ông Võ Văn Hoan (phó chủ tịch UBND TP.HCM):
Giúp dân có chỗ ở tốt hơn
Hội thảo cho chúng ta có tầm nhìn mới hơn, yêu cầu cao hơn về nhu cầu phát triển nhà ở của TP. Cụ thể: quy hoạch nhà ở cho người dân TP.HCM phải gắn liền với quy hoạch của TP, quy hoạch phát triển kinh tế của vùng, miền...
Khi kinh tế - xã hội ở các đô thị trong vùng phát triển thì sẽ giảm bớt áp lực di dân cho TP. Phát triển một đơn vị hoặc một khu ở phải đi đôi với phát triển hạ tầng đô thị để người dân dễ dàng tiếp cận và gắn bó với căn nhà của mình.
TP sẽ phát triển mô hình phát triển nhà ở cao tầng, dành nhiều diện tích đất hơn để có công viên, cây xanh và những tiện ích khác.
Trong phát triển nhà ở, Nhà nước sẽ định hướng, doanh nghiệp cung cấp nguồn lực, người dân là trung tâm của chính sách phát triển nhà ở. Nhà nước làm quy hoạch, tạo điều kiện để kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt là xây dựng quy trình rút ngắn thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội.
|
DƯƠNG NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Tuổi trẻ