Thứ Sáu, 13/09/2019 09:20

Tiền đồng tăng giá - Buồn hay vui?

Thông thường, đồng tiền của một nền kinh tế tăng giá có vẻ là điều đáng mừng, tuy nhiên trong một số trường hợp và bối cảnh cụ thể, điều này có thể gây ra những lo ngại và thách thức không mong muốn.

Vì đâu có những diễn biến ngược chiều?

Kể từ đầu quý 2 đến nay, VNĐ có dấu hiệu tăng giá đáng kể so với USD, ngược chiều với xu hướng mất giá của nhiều đồng tiền khác trong khu vực và cũng không “ăn nhập” gì với đà đi lên của tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đến ngày 12/09 niêm yết tại 23,138 đồng, tăng 73 đồng so với thời điểm cuối tháng 5, tương ứng giá bán ra tại Sở giao dịch NHNN cũng đã tăng thêm 75 đồng. Ngược lại, giá mua bán tại ngân hàng Vietcombank so với cùng thời điểm đã giảm 215 đồng, trong khi giá giao dịch trên thị trường tự do cũng giảm 230 - 235 đồng.

Diễn biến ngược chiều trên đã thu hẹp khoảng cách giá mua vào, bán ra so với tỷ giá trung tâm về mức 40 - 60 đồng, đây là mức chênh lệch gần như thấp nhất từ trước đến nay. Một quan sát khác cũng cho thấy, giá bán trên thị trường tự do và giá giao dịch giữa các thành viên liên ngân hàng đã nhiều lần xuyên thủng mức giá Sở giao dịch NHNN mua vào, một hiện tượng hiếm hoi trong nhiều năm qua.

Xu hướng trên là rất đáng chú ý. Thực tế cho thấy tiền đồng thời gian qua vẫn chịu áp lực rất lớn từ diễn biến đồng nhân dân tệ (CNY) bị phá giá mạnh cũng như USD tăng giá trên thị trường quốc tế, khiến NHNN phải điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo hướng đi lên xuyên suốt. Thống kê cho thấy, đồng nhân dân tệ đã bị phá giá hơn 2.6% so với USD trong cùng khoảng thời gian trên, thậm chí có thời điểm rớt hơn 4.1% và hệ quả là tiền đồng cũng vô hình chung tăng giá so với nhân dân tệ.

Tuy nhiên, giá mua bán USD tại các ngân hàng và trên thị trường phi chính thức lại phụ thuộc nhiều hơn vào cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế, và những quan sát cho thấy nguồn cung ngoại tệ lại đang thể hiện vượt trội hơn, đặc biệt là từ tháng 7 đến nay. Về dòng vốn đầu tư, lượng vốn FDI giải ngân trong 8 tháng qua là 12 tỷ USD, tăng 6.3%, còn giá trị vốn đầu tư gián tiếp lên đến 9.51 tỷ USD, tăng vọt 80% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở hoạt động thương mại, Việt Nam đã quay trở lại xuất siêu lớn từ tháng 7 và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Cụ thể, nếu như 6 tháng đầu năm nay vẫn đang ghi nhận nhập siêu 34 triệu USD, thì sang tháng 7 đã xuất siêu lũy kế hơn 1.78 tỷ USD và con số mới nhất của 8 tháng xuất siêu tăng gần gấp đôi lên hơn 3.4 tỷ USD. Ở nguồn kiều hối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh đạt 3.45 tỷ USD và dự kiến cả năm nay, nguồn kiều hối chuyển về thành phố đạt trên 5 tỷ USD.

Buồn hay vui?

Về cơ bản, đồng tiền của một quốc gia tăng giá cho thấy sức mạnh, tiềm năng tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế đó. Với trường hợp của VNĐ, sự ổn định và giữ vững giá trị thời gian qua khiến những ai đang nắm giữ tiền đồng gửi ngân hàng sẽ không quá thất vọng, ngược lại những ai đã lướt sóng đầu cơ tỷ giá ắt hẳn sẽ không mấy vui vì diễn biến lại đi ngược với dự tính và mục tiêu mà mình đặt ra.

Đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào Việt Nam, giá trị tiền đồng ổn định càng khiến các nhà đầu tư thêm tin tưởng và hài lòng với lựa chọn rót vốn trước đây. Điều này là cần thiết và có lợi lớn cho nền kinh tế trong việc thu hút đầu tư, nhất là khi xu hướng dịch chuyển vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia khác đang tiếp tục diễn ra.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp đang phải vay nợ bằng ngoại tệ, thì đồng nội tệ tăng giá cũng sẽ có lợi và tránh được những rủi ro thiệt hại về tỷ giá. Tương tự, nợ quốc gia bằng ngoại tệ cũng không bị quá nhiều áp lực tăng lên khi quy đổi sang đồng nội tệ.

Đồng nội tệ tăng giá có thể có những tác động bất lợi lên hoạt động thương mại. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất hàng ra nước ngoài sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh, nhất là khi các nền kinh tế khác lựa chọn phá giá tiền tệ, trong khi hoạt động nhập khẩu có xu hướng gia tăng. 

Tuy nhiên, đồng nội tệ tăng giá có thể có những tác động bất lợi lên hoạt động thương mại. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất hàng ra nước ngoài sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh, nhất là khi các nền kinh tế khác lựa chọn phá giá tiền tệ, trong khi hoạt động nhập khẩu có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7.3% so cùng kỳ năm 2018, trong khi kim ngạch nhập khẩu dù thấp hơn là 166.6 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ tăng cao hơn đến 8.5%.

Đi sâu hơn vào các đối tác thương mại chính mới thấy nhiều vấn đề. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38.6 tỷ USD, đặc biệt tăng mạnh 25.3% so với cùng kỳ, khi các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam hiện đang được lợi về thuế quan so với hàng Trung Quốc và có thể tận dụng được thị phần mà các doanh nghiệp Trung Quốc bỏ lại.

Tuy nhiên, đối với các thị trường khác lại không mấy khả quan. Cụ thể, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) chỉ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu là 27.7 tỷ USD, giảm 0.5% so với cùng kỳ, dù hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được ký kết vào cuối tháng 6 vừa qua. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng đến 11.8% so với cùng kỳ.

Trên mặt trận tiền tệ, theo tỷ giá chính thức thì VNĐ đã tăng giá hơn 2.4% so với đồng Euro kể từ đầu năm đến nay. Và như đã nói, nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do thì tiền đồng có lẽ còn tăng giá nhiều hơn thế.

Với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm đến 2.5% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải ghi nhận kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh 18.2% so với cùng kỳ, lên mức 49.2 tỷ USD, theo đó Trung Quốc tiếp tục củng cố ngôi vị thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi cao hơn gần 1,6 lần so với quốc gia xếp thứ 2 là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu là 31 tỷ USD.

Trong tình hình hàng Trung Quốc liên tiếp bị phía Mỹ áp các hàng rào thuế quan, thì một lượng lớn hàng Trung Quốc đang tìm cách đổ vào Việt Nam để lách thuế tìm đường vào Mỹ, hoặc để giảm bớt lượng hàng hóa dư thừa tại nước này, thì giờ đây, trước tình trạng tiền đồng tăng giá so với nhân dân tệ càng khiến xu hướng nhập hàng từ Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ. Hệ quả là tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng thêm trầm trọng. Với những dự báo cho thấy nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục mất giá, có vẻ như thách thức từ hàng Trung Quốc tràn vào sẽ còn là vấn đề đau đầu trong thời gian tới của các nhà điều hành.

Diễn biến tỷ giá chéo VNĐ/CNY từ đầu năm đến nay
Nguồn: Tradingeconomics.com

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   HDBank muốn mua lại tối đa 5% vốn làm cổ phiếu quỹ (12/09/2019)

>   Chuyển tiền định cư siêu tốc với mức phí giảm tới 50% (12/09/2019)

>   Saigonbank sắp họp bất thường để bầu nhân sự cấp cao (12/09/2019)

>   Giá USD vẫn “lặng yên” khi chỉ số DXY tiến lên mức 98.64 điểm (12/09/2019)

>   Băng nhóm cho vay lãi 540% một năm (11/09/2019)

>   Đầu tháng 9, Ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng cao nhất? (11/09/2019)

>   Đó là ABBank (11/09/2019)

>   Tỷ giá USD/VND không đổi trong tuần đầu tiên của tháng 9 (11/09/2019)

>   Có 5 NHTM phát hành trái phiếu nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2019 (11/09/2019)

>   TP.HCM: Trường học, bệnh viện triển khai thu phí không dùng tiền mặt (11/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật