Thống đốc PBoC: Trung Quốc phải tránh tung ra gói kích thích khổng lồ và kiểm soát nợ
Trung Quốc phải né tránh tung ra gói kích thích khổng lồ, giữ mức nợ ổn định và duy trì lập trường chính sách tiền tệ thận trọng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Yi Gang, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Yi Gang
|
Các rủi ro tài chính nhìn chung vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát và rủi ro từ lĩnh vực ngân hàng ngầm (shadow banking) cũng như một số định chế khác đã được giải quyết, ông Yi cho biết, đồng thời nhấn mạnh lại lập trường của ngân hàng trung ương tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, cùng với sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun và người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Ning Jizhe.
Lãi suất hiện đang ở mức thích hợp và Ngân hàng vẫn còn nhiều công cụ chính sách tiền tệ, PBoC cho biết trong tuyên bố trước cuộc họp báo.
Trung Quốc đang đương đầu với nhiều thách thức, trong đó tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong gần 30 năm và sản lượng công nghiệp tháng 8/2019 tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2002, xuất khẩu bất ngờ thu hẹp và chỉ số giá sản xuất (PPI) chìm sâu vào phạm vi giảm phát. Những yếu tố tiêu cực này càng gây thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách và buộc họ phải tung ra thêm biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc xuất hiện rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
PBoC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thấp nhất kể từ năm 2007, nhưng vẫn chần chừ trong việc giảm lãi suất trên diện rộng. Các chuyên gia phân tích đang lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Trung ương phát tín hiệu nới lỏng chính sách mạnh hơn sau khi một thước đo về chi phí đi vay chỉ giảm nhẹ trong ngày thứ Sáu (20/09).
Trong ngày thứ Sáu (20/09), lãi suất tham chiếu cho khoản vay ngân hàng kỳ hạn 1 năm được ấn định ở mức 4.2% cho tháng 9/2019, thấp hơn một chút so với mức 4.25% của tháng 8/2019. Mặc dù PBoC điều chỉnh chính sách trong những tháng gần đây để ngăn chặn đà giảm tốc, nhưng dường như họ vẫn không muốn tung ra các gói kích thích mạnh hơn vì nỗi lo về ổn định tài chính và mức nợ cao ngất ngưởng.
Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Cả Fed và ECB đã hạ lãi suất hoặc phát tín hiệu sẵn lòng làm vậy.
Vương Đông (Theo CNBC)
FiLi
|