Thanh khoản cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ suy yếu
Trong tuần giao dịch 09 - 13/09, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy sự kém thu hút với dòng tiền. Hàng đại diện như DLG, NTL, HQC, DPG, HAR và FLC chịu cảnh thanh khoản sụt giảm.
Nhờ nhịp tăng mạnh trong phiên cuối tuần, tuần giao dịch 09 - 13/09, thị trường chứng khoán đã có sự cải thiện đáng kể về mặt chỉ số. Cụ thể, VN-Index tăng hơn 1.35% trong tuần, chốt ở mức 987.22 điểm; HNX-Index tăng 1.27% lên mức 102.2 điểm.
Xét về thanh khoản, sàn HNX ghi nhận thanh khoản cải thiện cả về mặt khối lượng giao dịch lẫn giá trị giao dịch. Bình quân mỗi phiên trong tuần sàn này ghi nhận khối lượng giao dịch hơn 27.4 đơn vị, tăng 8.5% so với tuần trước; giá trị giao dịch bình quân tăng hơn 12% lên mức gần 386 tỷ đồng/phiên.
Trong khi đó, thanh khoản sàn HOSE lại không biến chuyển nhiều, giá trị giao dịch bình quân trên sàn này tuần qua ở mức 3,845 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với tuần trước đó. Song, khối lượng giao dịch bình quân lại giảm gần 3.5% về còn 160 triệu đơn vị/phiên.
Tổng quan thanh khoản thị trường tuần từ 09 - 13/09
|
Trong tuần, dòng tiền không có dấu hiệu tập trung vào nhóm ngành nào cụ thể. Tuy vậy, vẫn có một số nhóm ngành cho thấy sự ưu ái của dòng tiền so với các nhóm khác.
Một số cổ phiếu xây dựng như HBC, PC1, TGG ghi nhận thanh khoản tăng tích cực so với tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần hoặc hơn gấp đôi so với tuần trước đó. Trong đó, HBC ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng tới 125% lên mức hơn 1.7 triệu đơn vị/phiên.
Bên cạnh nhóm xây dựng, một vài mã cao su như DRC, PHR cũng có thanh khoản tăng tốt so với tuần trước. Tuy nhiên, thị giá của hai mã này lại có diễn biến trái chiều. DRC tăng giá hơn 5% lên 22,900 đồng/cp trong khi PHR giảm giá tới gần 7%. Đáng chú ý, PHR đang trải qua một đợt giảm sâu sau khi tăng giá ấn tượng so với một năm trước. Tính từ đỉnh 75,000 đồng/cp (05/08/2019) tới phiên 13/09 mã này đã giảm giá gần 27%.
Một vài đại diện nhóm chứng khoán như SSI, APG tăng khối lượng giao dịch bình quân gấp đôi. SSI ghi nhận mức tăng hơn 105% so với tuần trước lên hơn 1.2 triệu đơn vị/phiên. Đặc biệt, khối lượng giao dịch bình quân trong phiên cuối tuần 13/09 của SSI đạt tới hơn 2.8 triệu đơn vị/phiên.
Xét ở chiều giảm, dòng tiền đang không mấy “mặn mà” với nhóm bất động sản. Một loạt mã bất động sản như DLG, NTL, HQC, DPG, HAR và FLC ghi nhận thanh khoản sụt giảm trong tuần qua. Mức sụt giảm khối lượng giao dịch bình quân của các mã này trải rộng từ 40% tới gần 60%.
Đáng chú ý, các mã này đều thuộc nhóm vón hóa vừa và nhỏ.
Trên HNX, tình trạng thanh khoản sụt giảm xảy ra đối với một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp. BII ghi nhận khối lượng giao dịch dịch bình giảm tới gần 80% so với tuần trước về mức 138,000 đơn vị/phiên. Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân của IDJ giảm tới hơn 32% so với tuần trước, còn 265,000 đơn vị/phiên.
Nhiều mã xây dựng trên HNX chịu cảnh giảm thanh khoản. MST, LIG, L14 giảm tới phân nửa khối lượng giao dịch trong tuần qua. Tuy nhiên, với MST và LIG việc giảm thanh khoản hay không cũng không quá quan trọng khi thị giá hai mã này đứng yên trong tuần qua. Còn với L14, mã này giảm giá gần 5% về còn 56,600 đồng/cp.
Top 20 cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HOSE
|
Các cổ phiếu tăng/giảm thanh khoản mạnh nhất trên HNX
|
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Chí Kiên
FILI
|