Quỹ PYN Elite: Việt Nam nhiệt tình giảm thặng dư thương mại với Mỹ và tiền đồng vẫn ổn định
Theo quỹ ngoại PYN Elite, trong dài hạn, để giảm thiểu rủi ro và các tác động tiềm ẩn từ hàng rào thuế quan của Mỹ, Việt Nam cho thấy sự nhiệt tình hợp tác với Mỹ để giải quyết tình trạng thặng dư thương mại, cùng với đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã không để tiền đồng mất giá. Điều này cũng phần nào lý giải cho việc triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục vững vàng bất chấp bước leo thang căng thẳng Mỹ-Trung.
Trong tháng 8/2019, NAV/ccq (giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ) của PYN Elite tăng 1.27%. Trong đó, cổ phiếu (mà PYN sở hữu) dẫn đầu đà tăng là MWG (tăng 9.5% so với thời điểm cuối tháng trước), TPB (tăng 2%) và KDH (tăng 8.3%), trong khi VN-Index lại giảm 0.77% vì những cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS (giảm 5.7%), VCB (giảm 3.1%) và HVN (giảm 13%).
Danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của PYN
Nguồn: PYN Elite
|
Tính trong 8 tháng đầu năm 2019, NAV/ccq của PYN đã tăng 4.05%. Một điểm cần lưu ý là tỷ trọng tiền mặt trong tổng tài sản của PYN là 8% vào thời điểm cuối tháng 8/2019, trong xu hướng tăng dần trong những tháng gần đây. So sánh với thời điểm cuối tháng 1 (tỷ trọng tiền mặt ở mức 5%, tương ứng khoảng 436 tỷ đồng*), lượng tiền mặt mà PYN nắm giữ vào cuối tháng 8 đã tăng thêm 321 tỷ đồng*.
*Tính theo tỷ giá VNĐ/USD là 23,200 đồng.
Việt Nam vẫn vững vàng!
Tổng cục Thống kê Việt Nam gần đây thông báo về việc đánh giá lại GDP của quốc gia và theo đó, GDP Việt Nam tăng 25.4% trong giai đoạn 2011-2017. Tổng cục Thống kê không sử dụng phương pháp tính toán mới và cũng không bao gồm những hoạt động kinh tế phi chính thức. Thay vào đó, Tổng cục Thống kê cộng thêm 76,000 công ty mới (vào con số 715,000 hiện hành) vào công thức tính toán GDP, dựa theo các thông tin được Tổng cục Thuế cung cấp.
136 công ty từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam cũng được tính vào. Nếu sử dụng con số GDP mới, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm từ 50% xuống 40% và tín dụng nội địa dành cho khu vực tư nhân sẽ giảm từ mức 133% xuống còn 106% của GDP. PYN đánh giá rằng, điều này có thể tác động tích cực đến khả năng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, và chắc chắn sẽ khả quan đối với lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam.
Vào ngày 23/08, thương chiến Mỹ-Trung leo thang, khi Trung Quốc thông báo “một sự trả đũa được chờ đợi từ rất lâu rồi”, là áp thuế đáp trả lại hàng rào thuế quan của Mỹ, và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lập tức đáp trả bằng cách nâng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ngay ngày sau đó (24/08), chỉ số VN-Index hòa mình vào sắc đỏ của thị trường toàn cầu, giảm 1% xuống 982.9 điểm, nhưng sau đó lại tăng trở về 984.1 điểm vào cuối tháng 8/2019. Theo PYN, điều này là nhờ triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục vững vàng bất chấp bước leo thang căng thẳng Mỹ-Trung, vốn là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
Hiện tại, các công ty nước ngoài đang tiếp tục chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam. Chẳng hạn, Google sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh Pixel 3A ở Việt Nam vào cuối năm 2019. Sharp cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất màn hình LCD mới tại đất nước này để nhắm đến thị trường Mỹ. Vì thế, PYN cho rằng chẳng có gì bất ngờ khi chỉ số sản xuất PMI của Việt Nam tiếp tục trên mức 50 (thể hiện sự mở rộng sản xuất) tháng thứ 45 liên tiếp. Đây là bức tranh tương phản hoàn toàn với chỉ số PMI sản xuất tính chung khu vực ASEAN, vốn đã giảm từ 49.5 xuống 48.9 trong tháng 8/2019.
Theo PYN, về tầm nhìn dài hạn, để giảm thiểu rủi ro và các tác động tiềm ẩn từ hàng rào thuế quan của Mỹ, Việt Nam cho thấy sự nhiệt tình hợp tác với Mỹ để giải quyết tình trạng thặng dư thương mại, cùng với đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã không để tiền đồng mất giá. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các quốc gia trên khắp thế giới. Trong đó Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) là thỏa thuận mới nhất. Những động thái tích cực đó đã cùng nhau củng cố thêm niềm tin vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Thừa Vân - Vũ Hạo
FILI
|