Nhịp đập Thị trường 05/09: “Cầm vàng lại để rơi vàng”
VN-Index đã không thể giữ được sắc xanh dù tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch hôm nay. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 186 triệu cp, tương ứng 3,582 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó VNM, MWG giảm mạnh thêm, FPT và VIC đảo điều giảm điểm. Hay như VEA khi nối dài chuỗi giảm điểm lên 4 phiên, tính trong 1 tháng gần đây nhất thì cổ phiếu này giảm gần 15%.
MBB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất, mất 1.74%, tiếp đó là SHB trên sàn HNX khi giảm 1.59%. Hôm nay, TCB và VPB tăng tích cực, trong đó TCB còn khớp lệnh hơn 4.4 triệu cp, chỉ đứng sau nhóm cổ phiếu họ nhà FLC.
Nhóm cổ phiếu bất động sản nhìn chung khá cân bằng với 22 mã tăng và 24 mã giảm. Song, sức nặng giảm giá của nhiều ông lớn như VIC, KDH, VPI, DXG, KBC đã khiến chỉ số ngành này giảm điểm. Nhóm khu công nghiệp D2D, SIP, NTC, SZL, SZC, SNZ thì cũng không còn tăng ấn tượng như đầu phiên, ngoại trừ TIP vẫn trần.
HPG duy trì sắc xanh cho hết phiên dù khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp.
Nhắc đến khối ngoại, hôm nay họ bán ròng hơn 100 tỷ đồng cả hai sàn.
Phiên sáng: Tiền đứng ngoài, ngân hàng đỡ chỉ số
Kết thúc phiên sáng, khối lượng giao dịch cả 3 sàn chỉ hơn 105 triệu cp, tương ứng giá trị gần 1,880 tỷ đồng, trong đó riêng giao dịch thỏa thuân trên HOSE đã chiếm giá trị 645 tỷ đồng.
Con số cho thấy dòng tiền dường như chỉ đứng ngoài thị trường, phản ánh mức độ thận trọng đáng kể của nhà đầu tư. Điều này phù hợp với diễn biến thị trường gần đây cũng như những nhận định từ phía các công ty chứng khoán.
ITA là cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất hai sàn, chỉ 4.7 triệu cp. ITA cũng là cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận hơn 12 triệu ở mức giá 3,220-3,230 đồng/cp.
Giao dịch nhiều sau ITA có TCB, FLC, ROS và DLG. Trong đó TCB đột biến gần 3 triệu cp, tăng đáng kể so với nhiều phiên giao dịch trước. Cổ phiếu TCB cũng bật tăng 2.76% sau thông tin sẽ phát hành tối đa 10,000 tỷ đồng trái phiếu.
Nhóm ngân hàng sáng nay đóng vai trò giữ nhịp tốt cho thị trường, điển hình như VCB, TCB, BID, STB, CTG và VBP. Ngoại trừ TPB và MBB còn giảm nhẹ.
Sản phẩm cao su là ngành tăng mạnh nhất và đến từ đà tăng của DRC và SRC. Hai mã RAL và VTB giảm mạnh là nguyên nhân kéo ngành thiết bị điện đi xuống.
Sáng nay khối ngoại bán mạnh ở HPG, HDB, DXG và STB, ngược lại thì mua vào ở PVT, VHM và E1VFVN30.
10h30: Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp dứt chuỗi giảm giá
Giao dịch trên thị trường nhìn chung trá trầm lắng, dòng tiền phân hóa khá nhiều. Hai chỉ số chính theo đó cũng đảo chiều, sự chú ý chỉ diễn ra ở một vài nhóm cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu vốn mang đến đòn “sát thương” hạng nặng trong khoảng 1 tuần trở lại đây là bất động sản khu công nghiệp đang tăng đồng loạt sáng nay. Những D2D, SIP, NTC, SZL, SZC, SNZ… đều bật tăng sau chuỗi ngày giảm giá. Nguyên nhân có thể là nhà đầu tư “cảm thấy” giá giảm đã đủ nhiều để vào bắt đáy.
RAL sau 2 phiên tăng thì sáng nay giảm sàn lại sau khi có kết luận chính thức từ vụ cháy nhà kho của Bộ Tài nguyên Môi trường. Nếu nhà đầu tư nào bắt đáy phiên cuối tháng 8 (30/08) thì đến nay khả năng vẫn chưa thoái được hàng.
ROS đang có giao dịch thỏa thuận 16 triệu cp, tương ứng giá trị 400 tỷ đồng. KDC cũng thỏa thuận 4 triệu, giá trị 89 tỷ đồng.
Mở cửa: YEG tăng trần, FTM dư bán sàn hơn 19 triệu cp
Thị trường mở cửa trong sắc xanh khi giới đầu tư giảm bớt lo ngại trước diễn biến tích cực của chứng khoán thế giới.
Cả hai chỉ số chính sàn HOSE và HNX đều nhích nhẹ đầu phiên. Riêng VN-Index đang giằng co khi vượt nhẹ mốc 980 điểm. VIC chính là cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường bên cạnh những cái tên vốn hóa lớn khác như GAS, SAB, VNM, HVN…
Nhóm ngân hàng mở cửa giảm nhẹ, chủ yếu do anh cả VCB. Song, vẫn có nhiều mã tăng điểm như DIB, VPB hay TCB. Liên quan TCB, HĐQT Ngân hàng này vừa thông qua kế hoạch phát hành tối đa 10,000 tỷ đồng trái phiếu trong nửa cuối năm 2019.
Sự quan tâm giới đầu tư trên thị trường còn dành cho hai cổ phiếu nóng là FTM và YEG.
Diễn biến hai mã này đang trái ngược hoàn toàn, với YEG thì đang tăng kịch trần, lên mốc 61,700 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp đối với công ty truyền thông này.
Trong khi đó, FTM nối dài chuỗi giảm sàn lên con số 15 phiên, giá rớt một mạch từ 22,000 đồng/cp xuống 8,140 đồng/cp. Điều đó có thể còn kéo dài khi sáng nay, FTM có dư bán sàn hơn 19.3 triệu cp, trong khi lượng khớp lệnh chỉ 460 cp.
Được biết, trong nửa đầu năm 2019, FTM báo lỗ hơn 31 tỷ đồng. Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã khiến sản lượng xuất khẩu quý của FTM trong quý 2/2019 chỉ còn hơn 2,800 tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó dẫn tới việc sụt giảm mạnh doanh thu so với cùng kỳ 2018.
FTM cho biết thêm, không chỉ sản lượng xuất khẩu giảm mà giá bán sợi còn giảm mạnh trong kỳ. Nếu như quý 2/2018 giá bán sợi luôn duy trì ổn định ở mức 3.02-3.2 USD/kg thì trong quý 2/2019 đơn giá ghi nhận cao nhất cũng chỉ đạt 2.85 USD/kg và giảm dần xuống 2.58 USD/kg.
Phương Châu
FILI
|