Ngân hàng giảm cho vay, doanh nghiệp bất động sản tìm hướng mới
Theo dữ liệu tài chính của Vietstock, trong nửa đầu năm 2019, hầu hết các ngân hàng có xu hướng giảm tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản (BĐS). Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trong ngành phải tìm thanh khoản từ nhiều nguồn khác, bao gồm cả phát hành trái phiếu.
Các ngân hàng đang cho vay bất động sản ra sao?
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhiều chính sách siết vốn tín dụng vào BĐS bằng các biện pháp như giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng trị giá trên 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 với những thay đổi trong quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay BĐS. Những tín hiệu đó đều cho thấy, NHNN đang “nắn” lại dòng tín dụng vào BĐS.
Thống kê của Vietstock cho thấy, 12 ngân hàng có công bố thuyết minh chi tiết đang cho vay hơn 1,584 ngàn tỷ đồng vào bất động sản, tăng 11% so với con số hồi đầu năm.
Về con số tuyệt đối, VPB là ngân hàng cho vay BĐS cao nhất, hơn 48 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với con số đầu năm. Bên cạnh một số ngân hàng có dư nợ cho vay BĐS lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ, dư nợ cho vay khá thấp như tại Bac A Bank (UPCoM: BAB) chỉ 762 tỷ đồng, NamABank chỉ là 4,658 tỷ đồng…
Xét về tỷ trọng, các ngân hàng cho vay BĐS trong 6 tháng đa phần lại giảm so hồi đầu năm (theo BCTC bán niên soát xét), riêng chỉ có Techcombank (HOSE: TCB) tăng tỷ trọng cho vay BĐS từ 8.5% lên 14.4%. Hầu như các ngân hàng đều giữ mức cho vay BĐS dưới 10%, ngoại trừ VPBank (HOSE: VPB), TCB, Maritime Bank (MSB), Kienlongbank (KLB)…
Tính tới cuối tháng 6/2019, TCB có hơn 185 ngàn tỷ đồng dư nợ cho vay, tăng 16% so với đầu năm, trong đó, dành gần 27 ngàn tỷ đồng để cho vay BĐS, gấp đôi so với con số đầu năm. Trong nhiều năm trở lại đây, BĐS luôn là mảng cho vay có giá trị lớn nhất của TCB với tỷ trọng trên 15%, xếp sau là nhóm công nghiệp và buôn bán, sửa chữa…
Riêng Kienlongbank, với mức dư nợ hơn 31 ngàn tỷ đồng, trong đó có 3,859 tỷ đồng trong lĩnh vực BĐS, tăng 3% so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, lĩnh vực cho vay trọng điểm của nhà băng này là hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình, chiếm 25% dư nợ cho vay.
Kênh trái phiếu là điểm tựa mới cho các doanh nghiệp BĐS niêm yết?
Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng bị hạn chế về nguồn vốn cho vay trung dài hạn, do tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn liên tiếp giảm xuống. Các doanh nghiệp theo đó cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp BĐS, khó khăn này càng tăng lên do các ngân hàng cũng buộc phải thắt chặt dòng vốn theo định hướng của NHNN vào lĩnh vực này. Vì vậy, kênh huy động vốn qua trái phiếu dường như trở thành điểm tựa mới.
"Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, hay phát hành cổ phiếu, đây chính là “điểm tựa mới” cho doanh nghiệp BĐS làm sao có vốn trung, dài hạn chứ không chỉ là vốn ngắn hạn từ ngân hàng", TS. Bùi Quang Tín, Chuyên gia Kinh tế, phát biểu tại hội thảo “Đón sóng cổ phiếu Bất động sản Xây dựng cuối năm 2019”.
Theo báo cáo Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp Việt Nam của CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) phát hành tháng 09/2019, trong 8 tháng đầu năm 2019, BĐS là lĩnh vực có các doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47,804 tỷ đồng, nhưng chỉ có 36,946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10,858 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã lần lượt phát hành trái phiếu như Phát Đạt (HOSE: PDR) đã phát hành gần 1,300 tỷ đồng trái phiếu, qua 6 lần huy động. Novaland (HOSE: NVL) cũng đã phát hành 1,900 tỷ đồng trái phiếu cho PvcomBank và Chứng khoán MB (MBS) với lãi suất phát hành dao động từ 10.8% đến 11.75%/năm. Đất Xanh (DXG) cũng vừa phát hành hơn 200 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6, với lãi suất 7%/năm.
Trước đó, Hà Đô (HDG), Đầu tư Văn Phú (VPI), Cường Thuận IDICO (CTI) cũng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường để hút vốn, với lãi suất 10%-12%/năm.
Còn Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) dự kiến phát hành tối đa 1,200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, được chia thành 2 đợt trong năm 2019 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình và dự án đầu tư hiện có của Công ty.
Ngày 22/03/2019, TCH có phát hành trái phiếu chuyển đổi gần 600 tỷ đồng, lãi suất coupon 5% với kỳ hạn 3 năm cho 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Shinhan - Core Trend Global Fund 1 và Shinhan Bank Co., Ltd - đơn vị ủy thác của Valuesystem Protect Optimus Private Investment Fund.
Minh Nhật
FILI
|