Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị bỏ quy định khống chế số chuyến tàu cập cảng Cát Lái, trong khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM lo điều này sẽ khiến gia tăng kẹt xe ở 'điểm nóng' này.
Kẹt xe kéo dài trên đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Khu vực cảng biển Cát Lái (Q.2) năm 2018 thu hút lượng hàng tới 66,3 triệu tấn, chiếm khoảng 40% sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước. Trong khi đó, các giải pháp "giải cứu" kẹt xe cho khu vực cụm cảng này vẫn loay hoay.
Càng mở rộng càng lo kẹt xe
Những ngày này, ghi nhận từ tuyến đường xa lộ Hà Nội vào đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định... vào cảng Cát Lái, khung cảnh thường xuyên bắt gặp vẫn là dòng xe container, xe tải ken đặc nhích từng chút.
Từ cuối tháng 6-2018, khi nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 thông xe một phần, ùn tắc có giảm. Nhưng ùn ứ vẫn xảy ra ở những điểm thắt nút như cầu vượt Cát Lái, nút giao thông An Phú - Lương Định Của, cầu Mỹ Thủy... Nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng không theo nổi lưu lượng xe tải, xe container ra vào "ăn hàng" ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên mới đây, đại diện Cục Hàng hải cho rằng việc thực hiện phân luồng điều tiết hàng hóa giữa bến cảng Cát Lái và các bến cảng khác như cảng biển Đồng Nai, Vũng Tàu đã từng bước làm giảm ùn ứ khu vực cảng Cát Lái, đặc biệt là việc chuyển hàng container về khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Tương tự việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục giao nhận hàng, thanh toán qua mạng cũng góp phần làm giảm tình trạng ùn ứ giao thông khu vực tại các cổng cảng...
Từ cơ sở đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị bỏ quy định khống chế số chuyến tàu 81 chuyến/tuần (hiện từ 73-78 chuyến/tuần) cập cảng Cát Lái cũng như cho tàu có trọng tải trên 45.000 tấn cập cảng Cát Lái. Công ty cổ phần Tân Cảng Phú Hữu đề xuất được tiếp tục đầu tư hoàn thiện cầu cảng dài 540m theo thiết kế.
Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - lại lo ngại những đề xuất trên tiếp tục gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái. Cụ thể, theo ông An, hạ tầng giao thông khu cảng Cát Lái chưa được đầu tư đồng bộ, không có đường chuyên dùng, tất cả các loại xe lưu thông ra vào cảng đều đi qua hướng duy nhất đó là đường Nguyễn Thị Định.
Hiện lưu lượng xe đã vượt quá năng lực của tuyến đường này gấp 2 lần. Hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực vẫn chưa có kinh phí đầu tư theo đúng quy hoạch... Vì vậy, ông An đề nghị cân nhắc lại việc tăng kích cỡ tàu khai thác và tăng số chuyến tàu vào cảng Cát Lái.
Cục Hàng hải cho biết tạm thời chưa cấp phép xây dựng thêm cầu cảng dành cho tàu container tại khu vực TP.HCM và khuyến khích xây dựng các bến sà lan để tăng năng lực vận tải đường thủy, giảm tải xe lưu thông trên đường bộ.
Nhiều dự án giảm ách tắc vẫn phải chờ
Theo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang triển khai ở khu vực này chưa xong các thủ tục về đầu tư và phải chờ công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể như dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy), dự kiến khởi công cuối năm 2019.
Gói thầu xây cầu Mỹ Thủy 3 cũng dự kiến khởi công vào cuối năm 2019, các gói thầu còn lại xây dựng trong năm 2020. Bên cạnh đó, dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2 đang chờ chỉ đạo của UBND TP để khởi công xây dựng...
Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP cho rằng nếu tình hình giải phóng mặt bằng thuận lợi và nhanh chóng thì đến cuối năm 2022 mới hoàn thành các dự án trên và phát huy hiệu quả giải tỏa giao thông khu vực Cát Lái.
Trong giai đoạn 2021-2025, cơ quan chức năng tiếp tục đề xuất đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, trong đó ưu tiên làm trước hạng mục hầm chui rẽ trái từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về đường Mai Chí Thọ đến đường hầm sông Sài Gòn...
Tăng vận tải container bằng đường thủy
Để giảm ùn tắc, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM (Sở GTVT), cần phát triển mạnh vận tải container bằng đường thủy giữa các cảng cạn ICD đến cảng Cát Lái, đồng thời thực hiện điều tiết lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái tùy thời điểm từng tháng trong năm.
Vấn đề này cũng được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT trong việc phát triển cảng biển phải gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng.
Về lâu dài, Sở GTVT đề nghị cần sớm di dời cụm cảng Trường Thọ ra khỏi khu vực; đầu tư tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển container từ cảng Cát Lái đến các đầu mối giao thông trong khu vực.
Sở GTVT TP.HCM:
Cảng biển Cát Lái đã vượt sản lượng năm 2030
Theo Sở GTVT TP.HCM, quy hoạch được phê duyệt khu bến cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai có 9 bến cảng cho tàu có tải trọng đến 30.000 tấn hoạt động và 10 bến phao trên sông. Thực tế từ năm 2017 khu cảng Cát Lái đạt 60 triệu tấn hàng hóa, vượt so với quy hoạch đến năm 2020 (52 triệu tấn) và vượt so với quy hoạch năm 2030 (55 triệu tấn).
|
TS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Khẩn trương xây cầu đồng bộ với đường ở Cát Lái
Từ nhiều năm nay, tình trạng kẹt xe ở cảng Cát Lái không chỉ khiến người dân mệt mỏi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tính kết nối kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và Đồng Nai.
Chính vì vậy, việc xây dựng cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai - TP.HCM sẽ giải quyết vấn đề tắc nghẽn, thúc đẩy liên kết vùng.
Chính phủ đã có chỉ đạo, Đồng Nai cần lập tức triển khai các công đoạn kêu gọi đầu tư để cầu Cát Lái khởi công càng sớm càng tốt. Chính phủ cũng nên giám sát chặt chẽ, liên tục đôn đốc để công trình khởi công trong năm 2020 và hoàn thành đúng tiến độ. Nếu công trình này trì trệ sẽ gây nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội. (THU DUNG)
|