Góc nhìn tuần 30/09-04/10: Nhẹ nhàng vượt 1,000 điểm?
Thông tin Việt Nam chưa được lên hạng thị trường của FTSE đã được dự báo từ trước nên không tạo nhiều ảnh hưởng tiêu cực với giới đầu tư. Với những kỳ vọng tích cực, đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định thị trường sẽ vững bước vượt lên mức 1,000 điểm trong tuần này, nhất là trong thời điểm công bố KQKD quý 3 đã cận kề.
Hướng lên trên 1,000 điểm
CTCK Bảo Việt (BVSC): Tuần tới, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có biến động theo hướng tích cực. VN-Index sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 1,000 - 1,005 điểm trong phiên đầu tuần. Tại đây, khả năng chỉ số có thể sẽ vấp phải áp lực rung lắc, điều chỉnh trong một vài phiên trước khi được kỳ vọng sẽ quay lại quá trình tăng điểm và break out thành công. Trong kịch bản tích cực, thị trường sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh 1,050 điểm trong thời gian tới. Dù vậy BVSC cũng lưu ý rằng, kể cả khi bứt phá thành công qua vùng cản tâm lý 1,000 - 1,005 điểm, chỉ số sẽ vẫn có nhịp điều chỉnh “throwback” để kiểm định vùng điểm này.
BVSC khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 40 - 50% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể xem xét bán trading tại vùng kháng cự chúng tôi đề cập ở trên. Trong kịch bản thị trường break out thành công qua vùng kháng cự 1,000 - 1,005 điểm, CTCK này khuyến nghị có thể thực hiện cover lại các vị thế đã bán hoặc mở các vị thế mua mới nâng tỷ trọng cho dạnh mục trong các nhịp điều chỉnh sau đó của thị trường.
Trên đồ thị tuần, thị trường vẫn đang duy trì trạng thái sideway-up với vùng cản trên nằm tại 1,000 - 1,005 điểm. Trong kịch bản tích cực, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ tiến đến khu vực 1,024 điểm trong thời gian tới.
Còn trên đồ thị ngày, BVSC đánh giá cây nến xanh dài xuất hiện trong phiên 27/09 cho thấy động lực tăng điểm của chỉ số có thể sẽ còn tiếp diễn trong phiên đầu tuần (30/10).
Hạn chế mua đuổi trong phiên tăng mạnh
CTCK Tân Việt (TVSI): Trong những phiên tới, VN-Index dự báo sẽ thử thách lại mốc 1,000 điểm. Sự chuyển biến tích cực của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu Ngân hàng đang mở ra cơ hội giúp chỉ số có thể vượt qua vùng kháng cự trên sau 3 lần thất bại trước đó. Với kịch bản tích cực, TVSI cho rằng VN-Index sẽ quay trở lại nhịp tăng giá ngắn hạn với mục tiêu gần nhất là 1,015 - 1,030 điểm.
Tuy nhiên, nếu không có thêm yếu tố hỗ trợ mạnh xuất hiện, TVSI đánh giá việc vượt mốc 1,000 điểm chỉ có thể giúp chỉ số chuyển sang dao động đi ngang tại vùng giá cao hơn thay vì hình thành một xu hướng tăng giá trung hạn.
CTCK này khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên duy trì vị thế quan sát và hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng mạnh. Vùng hỗ trợ gần nhất ở 960 - 970 điểm, vùng kháng cự ở 990 - 1,000 điểm, vùng kháng cự tiếp theo ở 1,015 - 1,030 điểm.
Lưu ý đến nhóm ngân hàng và công nghệ thông tin
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp nhờ những diễn biến tích cực từ thị trường quốc tế bao gồm Mỹ và Nhật Bản đã kí thỏa thuận thương mại giới hạn và Trung Quốc tăng thu mua lượng lớn nông sản, tạo thiện chí đàm phán với Mỹ. Bên cạnh đó, KBSV cho rằng thông tin Việt Nam chưa được lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE đã được dự báo từ trước nên không mang tới ảnh hưởng tiêu cực.
Bước vào mùa công bố KQKD quý 3/2019 với điều kiện vĩ mô không thay đổi nhiều, KBSV cho rằng tình hình sẽ không có nhiều xáo trộn so với những quý trước. Những ngành có kết quả kinh doanh tốt như ngân hàng và công nghệ thông tin sẽ tiếp tục là điểm sáng của thị trường.
Về mặt kỹ thuật, VN30-Index tiếp tục xu hướng tăng giá nhưng VN-Index vẫn đang tạm nằm trong xu hướng đi ngang trung hạn khi ADX vẫn ở mức thấp. Mặc dù vậy, KBSV cho biết sau phiên tăng giá khá tích cực vào cuối tuần (27/09), chỉ số này đã tiếp cận khá sát ngưỡng tâm lý 1,000 điểm đồng thời cũng là điểm tiếp xúc với đường xu hướng trung hạn từ tháng 10/2018.
Trong kịch bản VN-Index vượt cản thành công, nhà đầu tư được khuyến nghị chờ đợi các nhịp điều chỉnh ngắn, về quanh vùng hỗ trợ gần của các mã cổ phiếu mục tiêu để tích lũy và tăng dần tỷ trọng nắm giữ.
Duy Na
Fili
|