Thời điểm giữa thế kỷ 21 đang ngày càng gần, ngay từ bây giờ các nhà khoa học bắt đầu đưa ra những dự báo thú vị cho tương lai 30 năm tới, dựa trên xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay.
Taxi bay không người lái đang được thử nghiệm ở thành phố Dubai, UAE - Ảnh: CGTN
|
Nhà vật lý - tương lai học nổi tiếng người Mỹ Michio Kaku tổng hợp ý kiến của 300 học giả hàng đầu thế giới và đưa ra một số dự báo đăng trên báo Komsomolskaya Pravda của Nga.
Theo ông, những thứ quan trọng làm thay đổi thế giới trong 30 năm tới là trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Chúng giữ một vai trò mang tính cách mạng như động cơ hơi nước và điện thời kỳ mới được phát minh. Nếu như than và dầu cung cấp năng lượng cho kỷ nguyên công nghiệp, thời đại này "dầu" chính là dữ liệu.
Hãy thử hình dung sức mạnh xử lý của máy tính tăng gấp đôi cứ mỗi 18 tháng. Chiếc điện thoại chúng ta cầm trên tay ngày nay còn mạnh hơn tất cả máy tính của Liên Xô và Mỹ hồi thập niên 1970 cộng lại. Tiềm năng là vô tận.
Giao tiếp với bức tường
4h sáng, bạn tỉnh dậy và cảm thấy không khỏe. Có thể do cái bánh pizza dở tệ ăn chiều hôm trước? Không cần phải chờ đến sáng, bạn chỉ cần bước đến bức tường, yêu cầu nó liên lạc ngay với bác sĩ robot!
Robot sẽ hiện diện trong mỗi gia đình, giao tiếp rõ ràng bằng ngôn ngữ bản địa và cung cấp bất cứ thông tin nào bạn cần. Xe hơi cũng sẽ do robot điều khiển, nhờ cơ sở dữ liệu chung, nó tự động biết chỗ nào trong khu vực còn trống để tìm chỗ đậu.
Năm mới sắp đến, nên ăn mừng ra sao? Bạn không cần phải đi ra cửa hàng mua sắm quà tặng. Cứ vào Internet, download tấm hình về và dùng máy in 3D tạo ra món đồ chơi cho trẻ con, trang sức cho phụ nữ... Thật ra những thứ đó hiện đã có, câu hỏi chỉ là khi nào chúng trở nên phổ biến và đi vào đời sống hằng ngày.
Sắp tới, các thiết bị điện tử chúng ta đang dùng làm việc, giải trí sẽ là một và khác nhau chỉ ở kích thước màn hình. Điện thoại smartphone sẽ như một chiếc laptop và ngược lại, có thể bỏ túi khi cần di chuyển.
Nháy mắt để vào Internet
Trí tuệ nhân tạo sẽ hiện diện mọi nơi. Ngay từ bây giờ, các bác sĩ đã có thể tham khảo hình chụp MRI trong phòng mổ nhờ mắt kính kết nối Internet, robot thậm chí phân tích phim chụp X-quang tốt hơn cả người.
Trong tương lai, mọi người chỉ cần mang kính áp tròng và nháy mắt một cái để vào Internet, kỹ sư có thể xem bản vẽ, trẻ con xem phim hoạt hình... Công nghệ này sẽ thay đổi mọi khía cạnh đời sống chúng ta.
Sẽ không còn cần ghi nhớ những thứ lặt vặt, việc học hành sẽ đơn giản hơn khi không còn phải học thuộc lòng. Thầy cô giáo chỉ giữ vai trò cố vấn, cho lời khuyên và lập kế hoạch cùng với các học trò.
Thậm chí trong 20-30 năm tới, Internet có thể nằm hẳn trong... bộ não. Bạn có thể gửi cảm xúc, suy nghĩ, ký ức trực tiếp lên Internet. Ranh giới giữa con người sẽ biến mất nhờ sự kết nối trong suy nghĩ.
Tạo ra lá gan? Làm được!
Bộ gen người sẽ được số hóa hoàn toàn và cả mọi lĩnh vực của ngành y, bắt đầu từ công tác chẩn đoán. Một camera nhỏ xíu gắn bên trong viên thuốc có thể tự đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra kết luận chính xác.
Trong tương lai, mỗi lần bạn đi vệ sinh, bồn cầu sẽ phân tích những thứ nó nhận được, chỉ cần xuất hiện một kháng thể tế bào ung thư, chưa kịp để khối u xuất hiện, bạn đã biết tình trạng cơ thể mình ra sao để kịp thời chữa trị.
Nếu một bộ phận cơ thể có vấn đề, không sao, chúng ta có thể tạo cái khác từ tế bào gốc. Các nhà khoa học hiện đã tạo được da, sụn, mạch máu và thậm chí là bàng quang. Lá gan chỉ là vấn đề thời gian.
Bộ óc là một bộ phận khó hơn. Tuy nhiên, hiện nay máy tính đã đọc được suy nghĩ con người, có khả năng phân tích hoạt động của não và chuyển thành ngôn ngữ. Có thể sau này người ta sẽ bảo tồn được trí nhớ, giúp các bệnh nhân Alzheimer không còn chịu đựng nỗi khổ.
Ai lợi? Ai thiệt?
Trong cuộc cách mạng công nghệ sẽ có một bộ phận chịu thiệt thòi. Đó là những người bị robot giành mất công việc - chủ yếu các công việc mang tính lặp đi lặp lại. Nhưng người chiến thắng là những người sở hữu tài sản trí tuệ, tức những ai làm công việc sáng tạo (nhạc sĩ, tiểu thuyết gia, nhà thơ...), có khả năng tư duy chiến lược và lên kế hoạch. Internet đã tạo ra một lượng tỉ phú lớn hơn bất cứ ngành kỹ thuật nào.
Và có một số ngành nghề tưởng mang tính "tay chân" nhưng robot không thể thay thế được, như chúng không thể sửa bồn cầu, mắc dây điện trong nhà, trồng được một khu vườn đẹp... Đây là những nghề đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo của đôi bàn tay.
Cá biệt nữa là những nghề đòi hỏi sự tương tác giữa người với người, thẩm phán và luật sư nằm trong số đó. Robot hiển nhiên không có khả năng tranh luận hoặc đánh giá những thứ thuộc phạm trù đạo đức, lương tâm...
Michio Kaku là nhà vật lý lý thuyết - tương lai học người Mỹ. Ông sinh năm 1947 ở bang California trong một gia đình nhập cư người Nhật. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard, Đại học Princeton và được giữ lại làm giảng viên. Ông còn là giáo sư vật lý thuộc Trường The City College of New York. GS Michio là tác giả nhiều quyển sách nổi tiếng như Vật lý tương lai, Tương lai trí tuệ...
|