90% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ báo "có khách mới"
42% doanh nghiệp tham gia "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019" do Sở Công thương TP.HCM tổ chức xác nhận "được yêu cầu báo giá" từ 269 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp nước ngoài với các nhà cung ứng phụ trợ.
Đại diện thương hiệu Bosch (phải) giới thiệu nhu cầu với doanh nghiệp cung ứng công nghiệp hỗ trợ tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức từ ngày 11-9 - Ảnh:T.V.N.
|
Ngày 12-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, cho biết 90% doanh nghiệp tham gia "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019", do Sở Công thương TP.HCM tổ chức từ ngày 11-9, xác nhận "tìm được khách hàng mới" từ 269 cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa 25 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối với 70 công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Kết quả được thực hiện bằng hệ thống đánh giá điện tử, do chính các doanh nghiệp tham gia đánh giá.
82% cho rằng cuộc gặp trực tiếp đưa đến cơ hội trở thành "khách hàng tiềm năng", 74% xác nhận "sẽ hẹn gặp sau khi kết nối tiếp xúc".
Đặc biệt, theo bà Oanh, các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã nhận được 42% tỉ lệ chấp thuận từ các doanh nghiệp nước ngoài "gởi bảng báo giá".
"Tỉ lệ 42% thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài về khả năng có thể cung ứng sản phẩm phù hợp cho họ. Đây là tín hiệu rất tích cực, đưa kỳ vọng về việc hợp tác có thể tiến xa hơn là điều có thể", bà Oanh nhận định.
Theo ông Ngô Bảo Anh - phòng mua hàng quốc tế Công ty TNHH Panasonic VN, để được trở thành nhà cung cấp của Panasonic VN, nhà cung cấp phụ trợ phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về máy móc thiết bị, quy trình sản xuất - bảo quản linh kiện, quy trình kiểm soát chất lượng và kiểm soát nhà cung cấp cấp 3.
Thứ đến là khả năng đảm bảo tiến độ giao hàng cùng giá thành ở mức tối ưu hóa sản xuất. Đồng thời phải là doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về trách nhiệm với xã hội, trong đó cam kết hạn chế tác động đến môi trường được đặc biệt chú trọng.
Trong khi đó, theo đánh giá của bà Phạm Liên Anh - chuyên gia cao cấp Tổ chức IFC/WB, để trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, năng lực lõi của doanh nghiệp chính là chìa khóa quyết định khả năng phát triển của doanh nghiệp tham gia được tới đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ