Từ ngày 1/1/2019 đến nay Bộ Công Thương chưa xem xét để bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tại báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương.
Nghị quyết này nêu rõ, đối với lĩnh vực thủy điện cần tiếp tục thực hiện tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu của Quốc hội, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân...và nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Theo báo cáo của Bộ trưởng, đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu của Quốc hội.
Kết quả rà soát liên tục qua 7 năm liên tục (từ 2012-2018), Bộ Công Thương đã phối hợp với uỷ ban nhân dân các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thuỷ điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, đã vận hành phát điện 74 công trình (15.386,1 MW), đang thi công xây dựng 24 dự án (1.604,5 MW), đang nghiên cứu đầu tư 18 dự án (1.758,5 MW), có 3 dự án (128 MW) chưa nghiên cứu đầu tư.
Đối với 2 dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW) và Ialy mở rộng (360 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư. Sau khi tổ chức thẩm định hồ sơ TKCS các DATĐ nêu trên theo quy định, Bộ Công Thương đã thông báo kết quả thẩm định hai dự án trên để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, đã vận hành phát điện 290 công trình (2.995,36 MW), đang thi công xây dựng 138 dự án (1.793,2 MW), đang nghiên cứu đầu tư 299 dự án (3.296,6 MW), chưa nghiên cứu đầu tư 67 dự án (412,2 MW).
Theo Bộ trưởng, đến nay có thể nhận định, về cơ bản công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ngày càng được thực hiện một cách đồng bộ, tuân thủ quy định của pháp luật, đạt được những kết quả tích cực. Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn. Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Mặt khác, trong quá trình vận hành, các nhà máy thuỷ điện đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.
Bộ trưởng cũng đánh giá, việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của chủ đầu tư về quản lý an toàn đập nhìn chung đã được thực hiện khá nghiêm túc. Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện trên địa bàn cả nước về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Công tác trồng bù rừng trong thời gian vừa qua đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương thống nhất chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao.
Nêu nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên quyết đề xuất loại khỏi quy hoạch, không cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án thủy điện đến an toàn môi trường và cuộc sống của người dân.