Yếu tố nào đang thực sự chi phối tỷ giá?
Trong khi tỷ giá giữa đô la Mỹ và nhân dân tệ liên tục tăng cao thì diễn biến tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ lại có chiều hướng trái ngược. Tỷ giá của Việt Nam tăng nhẹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi thông điệp áp thuế lên 300 tỉ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 2-8 và sau đó giảm về ngưỡng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua chỉ trong vòng một tuần giao dịch. Yếu tố nào đã thực sự chi phối tỷ giá trong thời gian qua?
Năm ngoái: Ngoại tệ dồi dào, nhưng tỷ giá vẫn cứ biến động
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có thể thấy qua cán cân thương mại hàng hóa thay đổi khá nhanh. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) hay gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Vì vậy, tốc độ gia tăng của nguồn cung ngoại tệ là khá mạnh. Do đó, trong ngắn hạn, sự gia tăng nguồn cung này tác động không nhỏ tới tỷ giá.
Thời điểm hiện tại, với kỳ vọng FED giảm lãi suất, đô la Mỹ yếu và chiến tranh thương mại cũng không còn xa lạ với Việt Nam, tâm lý trên thị trường ngoại hối không còn căng thẳng như năm ngoái nữa. Ảnh: TTXVN
|
Trong gần hai năm vừa qua, chúng ta đã quá quen với việc tỷ giá tăng cao mỗi khi chiến tranh thương mại căng thẳng. Tỷ giá của Việt Nam luôn có diễn biến song hành với tỷ giá Trung Quốc trong phần lớn thời gian vừa qua. Vì vậy, đà giảm tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ thời gian qua không khỏi làm chúng ta bất ngờ.
Giới đầu tư đang đặt cược vào các đợt cắt giảm lãi suất từ FED đi kèm một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong trung và dài hạn. Điều này đã khiến kỳ vọng thị trường về đô la Mỹ sẽ yếu hơn trong tương lai. Như vậy, ngay cả khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất theo hướng đi của FED, thì dự tính về đô la Mỹ yếu hơn vẫn tạo kỳ vọng về sự giảm giá của đô la so Mỹ với tiền đồng trong tương lai.
|
Tuy nhiên, hãy nhìn lại thị trường ngoại hối trong khoảng tháng 6-2018, lúc đó nguồn cung ngoại tệ trên thị trường cũng rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 6-2018 thặng dư 800 triệu đô la Mỹ và lũy kế sáu tháng đầu năm thặng dư 3,1 tỉ đô la Mỹ. Mức thặng dư này cao hơn nhiều so với thời điểm tháng 7-2019, ước tính chỉ thặng dư 200 triệu đô la Mỹ và lũy kế bảy tháng đầu năm chỉ thặng dư 1,8 tỉ đô la Mỹ.
Ngoài ra, vốn FDI thực hiện trong tháng 6-2018 vào khoảng 1,62 tỉ đô la Mỹ, cũng cao hơn lượng vốn FDI thực hiện trong tháng 7-2019 (1,5 tỉ đô la Mỹ). Chưa kể lượng ngoại tệ mà NHNN bán ra khoảng 6-7 tỉ đô la Mỹ để bình ổn tỷ giá trong nửa cuối năm 2018. Điều đó cho thấy nguồn cung đô la tại thời điểm tháng 6-2018 là khá dồi dào so với tháng 7-2019. Song hai thời điểm này lại chứng kiến hai trạng thái khác nhau của tỷ giá. Trong khi tỷ giá tăng nóng tại thời điểm tháng 6-2018 với tỷ giá cuối tháng 6-2018 tăng 0,7% so với đầu tháng và tăng 0,9% so với đầu năm 2018, thì thời điểm tháng 7-2019 tỷ giá chỉ tăng tối đa 0,2%, sau tin Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc và sau đó đã giảm về mức giá mua của NHNN, bằng tỷ giá đầu năm nay. Và nếu NHNN không can thiệp giá mua ở mức 23.200 đồng/đô la Mỹ thì tỷ giá đã có thể giảm xuống thấp hơn nữa.
Năm nay: Khi đã giảm được áp lực tâm lý
Như vậy, sẽ thiếu sót nếu chỉ nhìn nhận tỷ giá từ phía nguồn cung ngoại tệ. Về phía cầu tiền trên thị trường ngoại hối, các yếu tố chính tác động tới tỷ giá trong ngắn hạn bao gồm: cân đối giữa lãi suất nội tệ - ngoại tệ và kỳ vọng của các chủ thể lớn trên thị trường ngoại hối về tỷ giá - hay chính là tâm lý thị trường về các yếu tố tác động tới tỷ giá trong ngắn hạn.
Trong cân đối giữa lãi suất nội tệ - ngoại tệ, NHNN luôn duy trì độ chênh giữa lãi suất chính sách tiền đồng và đô la Mỹ ở mức 0,5 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tín phiếu kỳ hạn một tuần luôn cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi suất mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong suốt giai đoạn Fed tăng lãi suất từ đầu năm 2018 đến gần đây. Điều này giúp độ chênh lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường LNH kỳ hạn qua đêm tới một tuần thường ổn định trong khoảng 0,5-0,7% tùy theo thanh khoản thị trường. Độ chênh này là tính toán vĩ mô từ phía nhà điều hành trong việc đảm bảo cân đối cầu nội tệ và ngoại tệ trên thị trường LNH. Ngoài ra, nó còn phát đi thông điệp, NHNN sẵn sàng điều chỉnh lãi suất điều hành theo tín hiệu của Fed để duy trì ổn định nhu cầu ngoại tệ mỗi khi Fed thay đổi lãi suất.
Tuy nhiên có một điểm khác giữa hai thời điểm kể trên (tháng 6-2018 và tháng 7-2019). Đó là dự tính về sức mạnh của đô la Mỹ hay chính là tâm lý thị trường về các áp lực lên tỷ giá. Trong khi năm 2018, thị trường kỳ vọng FED tăng lãi suất liên tục đi kèm sự lên giá của đô la Mỹ, thì năm nay, giới đầu tư dự tính FED giảm lãi suất nhiều hơn, đi kèm sự yếu hơn của đô la Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm đang khiến cái nhìn của FED về tăng trưởng kinh tế Mỹ xấu hơn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vừa qua tiếp tục đảo ngược khi lợi suất kỳ một tháng quanh mức 2,06% đã cao hơn lợi suất kỳ 30 năm chỉ 2,04%. Điều này cho thấy giới đầu tư đang đặt cược vào các đợt cắt giảm lãi suất từ FED.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 3-2018, trải qua một năm rưỡi vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và dường như những lệnh trừng phạt giữa hai bên không còn mới mẻ với thế giới nữa. Thậm chí, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc khi kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Cán cân thương mại vẫn tiếp tục thặng dư, trong khi vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng. Vậy chiến tranh thương mại rốt cuộc, trong ngắn hạn, đang tạo nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, tạo nhiều dư địa hơn cho thị trường để bình ổn tỷ giá.
Có thể thấy, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào vào tháng 6-2018, tỷ giá vẫn tăng rất mạnh do FED liên tục phát đi tín hiệu tăng lãi suất và chiến tranh thương mại đang trong giai đoạn đầu, những đòn đánh và trả đũa giữa Mỹ và Trung Quốc còn mới, tạo áp lực lớn cho tỷ giá Việt Nam.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, với kỳ vọng FED giảm lãi suất, đô la Mỹ yếu và chiến tranh thương mại cũng không còn xa lạ với Việt Nam, tâm lý trên thị trường ngoại hối không còn căng thẳng như năm ngoái nữa. Cộng hưởng từ nguồn cung ngoại tệ khá tốt đã khiến tỷ giá không thể tăng mạnh khi Mỹ có động thái áp thuế mới lên Trung Quốc và tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ lần đầu phá mốc 7 sau 10 năm.
Có thể thấy, tâm lý thị trường luôn là yếu tố quan trọng tác động không chỉ lên tỷ giá, mà còn lên cả thị trường chứng khoán. Tâm lý “bầy đàn” luôn khiến các thị trường tài chính chao đảo mỗi khi có cú sốc xảy ra. Mục tiêu hạn chế bớt tâm lý thị trường cũng là một phần nguyên nhân thúc đẩy NHNN thay đổi cơ chế tỷ giá, từ cố định tỷ giá sang tỷ giá trung tâm (thả nổi có kiểm soát) từ cuối năm 2015, nhằm đưa tỷ giá biến động sát với cung - cầu thị trường hơn.
Với diễn biến tỷ giá hiện tại, nhiều khả năng NHNN sẽ không cần tiêu tốn bất kỳ lượng ngoại tệ nào để bình ổn tỷ giá, trong khi dự trữ ngoại hối có thể tiếp tục đạt những kỷ lục mới trong nửa cuối năm 2019.
Trong dài hạn, tỷ giá vẫn có xu hướng tăng khi lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với Mỹ. Trong khi Mỹ đang chứng kiến lạm phát thấp thì Việt Nam luôn phải nỗ lực kiềm chế lạm phát cao. Điều này khiến kỳ vọng về lạm phát trong tương lai Việt Nam có xu hướng vẫn cao hơn nhiều so với Mỹ, đồng thời gây áp lực tăng tỷ giá trong trung, dài hạn. Ngoài ra, chiến tranh thương mại trong trung, dài hạn vẫn rất khó lường khiến rủi ro biến động tỷ giá vẫn còn lớn, đặc biệt các động thái tỷ giá của Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể gây áp lực lớn tới cán cân thương mại và tỷ giá của Việt Nam trong tương lai.
Phạm Long
TBKTSG