Xây dựng quý 2/2019: Ông lớn gặp khó - ông nhỏ được mùa?
Sau những năm tăng trưởng nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản, ngành xây dựng bắt đầu đuối sức, khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Theo dữ liệu báo cáo tài chính trên VietstockFinance, 118 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đã tạo ra gần 36,265 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1,766 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2/2019, lần lượt giảm 7% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 97 doanh nghiệp báo lãi, 17 doanh nghiệp báo lỗ và 4 doanh nghiệp vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh trong kỳ.
Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) tiếp tục là doanh nghiệp “đội sổ” khi lỗ nặng nhất trong ngành. PVX còn xác lập doanh thu của quý 2/2019 thấp nhất trong 10 năm qua. Việc kinh doanh dưới giá vốn, hoạt động chính là xây lắp đi xuống, gánh nặng chi phí lãi vay cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp là những nguyên nhân khiến Công ty báo lỗ gần 88 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến ngày 30/06/2019 lên con số 3,738 tỷ đồng, đã gần đến con số 4,000 tỷ vốn điều lệ thực góp.
Tiếp tục báo lỗ gần 34 tỷ đồng trong quý 2, Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS) “nhận” thêm một quý thứ 7 lỗ liên tiếp kể từ quý 4/2017. Nguyên nhân thua lỗ gần đây là do hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn, không tạo được những hợp đồng mới, phần lớn các dự án thực hiện là chuyển từ những năm trước với giá trị không nhiều. Trong khi đó, dự án lớn như hóa dầu Long Sơn lại chậm triển khai nên doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
VNECO 9 (HNX: VE9) là doanh nghiệp nằm trong Top 3 báo lỗ trong kỳ này. Điều tệ hại được ghi nhận đây là quý lỗ nặng nhất trong hơn 10 năm qua. Theo giải trình, VE9 báo lỗ hơn 32 tỷ đồng là do các công trình gặp nhiều trở ngại và kéo dài nên giá vật liệu, nhân công tăng và chi phí đền bù cao hơn với đơn giá đấu thầu.
Top 10 DN xây dựng niêm yết báo lỗ quý 2/2019. Đvt: Tỷ đồng
|
Nhiều ông lớn đang gặp khó
Khó khăn chung của ngành xây dựng còn thể hiện qua kết quả kinh doanh của những ông lớn trong ngành. Dù vẫn duy trì ở vị trí lợi nhuận dẫn đầu nhưng lãi ròng quý 2/2019 của Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) so với cùng kỳ giảm hơn 22%, ghi nhận giá trị hơn 434 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của REE có sự sụt giảm trong mảng cơ điện lạnh và sự tăng lên của hạ tầng điện nước. Riêng mảng bất động sản, lợi nhuận cho thuê tăng so với cùng kỳ từ việc ghi nhận doanh thu cho thuê Tòa nhà Etown Central, nhưng lợi nhuận chung mảng này suy giảm 22% (trong quý 2/2018, REE có thu nhập tài chính đột biến từ việc thanh lý công ty con là CTCP Bất động sản Song Thanh).
Thêm một ông lớn trong ngành là Coteccons (HOSE: CTD) đã rớt hạng, đứng vị trí thứ 5 về lợi nhuận. Trong quý 2/2019, CTD báo lãi giảm 71%, giá trị gần 124 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất từ quý 2/2015. Nguyên nhân do doanh thu thuần CTD giảm 30% so cùng kỳ, chủ yếu từ sự sụt giảm của doanh thu hợp đồng xây dựng bên cạnh đó còn phát sinh thêm khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng từ công ty liên kết.
Một đại diện đến từ lĩnh vực xây dựng công nghiệp nặng (hệ thống tiện ích) là Xây lắp Điện I (HOSE: PC1) cũng gặp khó khi báo lãi giảm 36%, giá trị lãi ròng gần 138 tỷ đồng, nguyên nhân là do doanh thu chuyển nhượng bất động sản (dự án Mỹ Đình Plaza) giảm gần 90% so cùng kỳ. Song, điều đáng mừng là doanh thu hoạt động xây dựng trong quý tăng gấp đôi, doanh thu hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tăng 32%.
Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng gặp khó, có những doanh nghiệp tên tuổi, hoạt động ở phân khúc xây lắp công trình giao thông, hạ tầng vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng như Vinaconex (HNX: VCG), Licogi 16 (HOSE: LCG) hay Fecon (HOSE: FCN)…
Top 10 DN xây dựng niêm yết báo lãi quý 2/2019. Đvt: Tỷ đồng
|
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bứt tốc?
Mặc cho kết quả trái ngược của nhiều ông lớn trong ngành, nhiều doanh nghiệp nhỏ thu về kết quả vô cùng khả quan. Nổi bật nhất phải kể đến SCI E&C (HNX: SCI).
SCI chính là doanh nghiệp có mức tăng lãi cao nhất, gấp 14 lần so cùng kỳ, ghi nhận giá trị gần 25 tỷ đồng. Lãi đột biến do trong kỳ SCI đã ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng.
Bên cạnh đó, Thống Nhất (HNX: BAX) cũng báo lãi ròng tăng vọt, đạt gần 21 tỷ đồng, gấp 3 lần so cùng kỳ. Doanh thu từ bán đất nền dự án khu Trung tâm Dịch vụ chính là động lực chủ yếu cho mức tăng trưởng lớn này. Hay như Tracodi (HOSE: TCD) báo lãi quý 2 hơn 24 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so cùng kỳ, nhờ sự đóng góp phần lớn của mảng thi công xây lắp và mảng khai thác đá.
Licogi 18 (HNX: L18) và Constrexim8 (HNX: CX8) cũng có kết quả kinh doanh khởi sắc xét về tỷ lệ tăng trưởng nhưng lợi nhuận ghi nhận được chưa cao. L18 báo lãi quý 2/2019 hơn 3 tỷ đồng từ mức gần 0.3 tỷ đồng của cùng kỳ. CX8 ghi nhận mức lãi trong quý này 41 triệu đồng từ mức 4 triệu đồng quý 2/2018. Sau nửa đầu năm 2019, L18 đã thực hiện được 83% kế hoạch lãi trước thuế, còn CX8 chỉ thực hiện được 6% kế hoạch lãi ròng.
Top 10 DN xây dựng niêm yết có lãi tăng trưởng quý 2/2019. Đvt: Tỷ đồng
|
Ngành xây dựng dự báo tiếp tục gặp khó trong quý 3/2019
Báo cáo xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành xây dựng quý 2 và dự báo quý 3/2019 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/06/2019 dự báo rằng quý 3/2019, chỉ có 23% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, 41% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 36% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Con số này cho thấy, doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân có thể do tình trạng cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng quyết liệt, trong khi thị trường bất động sản chững lại, hoặc là việc kiểm soát chi phí hoạt động công ty đang thực hiện không tốt.
|
Minh Nhật
FILI
|