Vietjet: Doanh thu vận tải hàng không tăng 22%, tỷ trọng doanh thu quốc tế đạt 54%
6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng không Vietjet (HOSE: VJC) tiếp tục tăng trưởng 22%, lợi nhuận vận tải hàng không tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Theo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietjet, mảng dịch vụ vận tải hàng không đạt doanh thu 20,148 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 1,563 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả hợp nhất bao gồm lĩnh vực thương mại mua bán tàu bay, doanh thu hợp nhất đạt 26,301 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 2,398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm, hãng hàng không thế hệ mới thực hiện 68,821 chuyến bay, tương đương với 45% trong tổng số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không nội địa, phục vụ chuyên chở cho 13.5 triệu lượt khách hàng trên toàn mạng bay. Vietjet tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu lượng khách vận chuyển nội địa với 44% thị phần trong 6 tháng qua, hãng kế tiếp là Vietnam Airlines chiếm 34%.
Thị trường quốc tế vẫn có dư địa lớn để phát triển, biên lợi nhuận tốt nhờ doanh thu phụ trợ (ancillary) và lợi thế chi phí nhiên liệu thấp, đồng thời gia tăng nguồn ngoại tệ cho hãng hàng không này. Tương ứng, lượng khách các tuyến quốc tế đạt được mức tăng trưởng 35% với gần 4 triệu lượt khách. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt 54% trên tổng doanh thu vận tải hàng không. Doanh thu phụ trợ và vận tải hàng hóa đạt 5,474 tỷ đồng, tỷ trọng tăng từ 21% năm trước lên 27% năm nay, chủ yếu nhờ đóng góp từ sự tăng trưởng các tuyến quốc tế.
6 tháng đầu năm, Vietjet đã mở thêm 9 đường bay quốc tế đi Nhật Bản, Hong Kong, Indonesia, Trung Quốc và 3 đường bay trong nước, nâng tổng số đường bay lên 120 đường bay, bao gồm 78 đường quốc tế và 42 đường nội địa. Mạng đường bay quốc tế đã phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc..., tàu bay Vietjet cũng khai thác tại khu vực các sân bay Dubai, Doha...
Kết quả hoạt động khai thác khác, số ghế km thực hiện (RPK) đạt 16.3 tỷ đơn vị tương ứng tăng 22% so với cùng kỳ, hệ số sử dụng ghế (load factor) bình quân đạt 88%, độ tin cậy kỹ thuật 99.64%, tỷ lệ đúng giờ (OTP) đạt 81.5%.
Thời điểm cuối quý 2, Vietjet cũng ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu đạt 15,622 tỷ đồng, tăng trưởng tới 12% so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2019, Vietjet cũng đã chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 55%, cao hơn kế hoạch 50% thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm trước.
Với các nền tảng kinh doanh tốt, kế hoạch mở rộng mạng bay khắp khu vực và thế giới cùng khả năng quản trị chi phí, quản lý chất lượng vận hành khai thác, Vietjet dự báo sẽ duy trì tăng trưởng tích cực trong các chỉ tiêu 3 năm tới đã được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên, duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế.
Vietjet cũng cho biết đang xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo, phát huy hiệu quả, lợi thế, của hãng hàng không khi mở rộng sang cung cấp các dịch vụ hàng không.
Phương Châu
FILI
|