Vàng thế giới vượt mốc 1,450 USD/oz sau đe dọa áp thuế từ ông Trump
Các hợp đồng vàng tương lai giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Năm (01/08), sau khi động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã không thể kìm hãm sức mạnh của đồng USD, MarketWatch đưa tin.
Tuy nhiên, giá vàng đã nhảy vọt trong phiên giao dịch điện tử vào chiều ngày thứ Năm, khi lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu kim loại trú ẩn an toàn.
Trong một dòng tweet, ông Trump nói rằng “các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp tục, và trong quá trình đàm phán, Mỹ sẽ bắt đầu áp thêm thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sản phẩm từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 01/09/2019”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao tháng 12 lùi 5.40 USD (tương đương 0.4%) xuống 1,432.40 USD/oz, sau khi dao động tại mức thấp 1,412.10 USD/oz – mức thấp nhất trong phiên kể từ ngày 25/07/2019, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng này đã vọt lên 1,449.50 USD/oz sau khi chạm mức cao 1,451.60 USD/oz trong phiên giao dịch điện tử. Vàng chưa từng dao động tại mức cao này kể từ tháng 5/2013.
Vàng đã chịu sức ép trong phiên giao dịch điện tử vào chiều ngày thứ Tư (31/07) sau khi Fed hạ lãi suất như kỳ vọng, và nới rộng đà suy yếu sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả việc giảm lãi suất chỉ là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ” và không cần thiết phải bắt đầu một chu trình hạ lãi suất kéo dài. Trong khi ông Powell sau đó nhấn mạnh rằng ông không có ý nói rằng việc giảm lãi suất trong ngày thứ Tư là sự kiện chỉ diễn ra một lần, đồng USD đã nhảy vọt, gây sức ép đến các hàng hóa.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến lên đỉnh 2 năm sau quyết định của Fed vào ngày thứ Tư và dành một phần thời gian tăng giá vào ngày thứ Năm (01/08) trước khi lùi 0.2%.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tại Mỹ vào ngày thứ Năm đã tạo ra sự hỗ trợ nhỏ đối với vàng. Theo đó, dữ liệu cho thấy chỉ số sản xuất Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) giảm xuống 51.2% trong tháng 7 – mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016. Chi tiêu xây dựng cũng giảm 1.3% trong tháng 6. Trong khi đó, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng 8,000 người lên 215,000 người vào cuối tháng 7.
An Trần
Fili
|